Sức sống mới trên quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Thứ Năm, 26/12/2013, 13:00
Trong không khí người dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đang háo hức chuẩn bị Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014), chúng tôi đã tìm về quê hương của Đại tướng để chứng kiến cảnh đổi thay trên vùng đất cách mạng Anh hùng...

Cách đây đúng 100 năm, trong một mái nhà tranh ở thôn nghèo Niêm Phò, xã Quảng Thọ, cậu bé Nguyễn Chí Thanh, sau này trở thành vị tướng tài ba – vị Anh hùng của dân tộc, được sinh ra đời. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử cùng nhiều lần bị bom đạn chiến tranh làm đổ nát, nay mái nhà tranh năm xưa mà gia đình Đại tướng sinh sống vẫn còn đó, như là một minh chứng cho sự trường tồn của lịch sử.

Để tưởng nhớ đến Đại tướng; đồng thời tôn vinh công lao của Người, năm 1999, một nhà bia (rộng 40m2, cao 9,5m) được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng ngay tại khuôn viên khu lưu niệm của Đại tướng. Trong nhà bia còn có tấm bia cao 3m, trên đầu gắn hình ngôi sao 5 cánh khắc ghi tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Đặc biệt, phía trước bia có đặt một bát nhang được đưa từ mộ của Đại tướng ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) vào để nhân dân thắp hương tưởng nhớ.

Các cựu chiến binh thăm nhà trưng bày trong khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đến thăm khu lưu niệm của Đại tướng, chúng tôi may mắn gặp được cụ Trần Thị Quýt (87 tuổi, ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ), là học trò năm xưa của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông Nguyễn Minh Đệ, cán bộ văn hóa xã Quảng Thọ cho biết, bà Quýt là một trong số ít những “nhân chứng” được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ lúc nhỏ, nay vẫn còn sống. Đứng bên bức tượng Đại tướng được điêu khắc bằng đá thạch đặt trước khuôn viên nhà lưu niệm, cụ Quýt minh mẫn kể lại câu chuyện về tấm lòng cao cả của Đại tướng: “Lúc ấy tui chỉ mới có 8 tuổi; còn Đại tướng là một thanh niên cao lớn, mặt mũi khôi ngô. Cứ mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, Người thường gọi tui và 6 đứa nhỏ trong xóm đến để dạy học. Xong việc, Người thường đưa tui ra vườn để hái trái cây cho ăn... Bẵng đi một thời gian sau, Người nói đi công tác xa rồi lâu lâu mới trở về quê một lần. Lúc ấy tui mới biết Đại tướng đi làm cách mạng...”.

Trong cuộc trò chuyện, bà Quýt luôn nhắc đến Đại tướng như là một người anh trai có tấm lòng nhân hậu mà theo bà, chính mảnh đất nghèo có dòng sông Bồ hiền hòa, xanh ngắt chảy qua đã nuôi dưỡng nên một người con cách mạng ưu tú của dân tộc.

Tại khu lưu niệm của Đại tướng, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều cựu chiến binh đến từ mọi miền đất nước về thăm viếng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Thắp một nén nhang lên trước tấm bia tưởng niệm Đại tướng, cựu chiến binh Trần Thanh Tâm (quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tâm sự trong niềm xúc động: “Đã lỡ hẹn mấy năm nhưng dịp này là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng nên chúng tôi quyết định ra Huế để thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Người, nhớ đến công lao mà cả đời Người đã cống hiến cho dân tộc và Tổ quốc...”. Học tập tấm gương của Đại tướng, người dân ở xã Quảng Thọ đã ngày đêm thi đua sản xuất để xây dựng quê hương.

Dẫn chúng tôi đi qua mấy con xóm nhỏ vừa được phát quang sạch sẽ, hai bên đường cắm những lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới trong gió mà ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ không giấu được niềm vui. Ông Phong nói: “Chúng tôi tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. So với nhiều năm trước, nay Quảng Thọ đang từng bước đi lên từng ngày, đặc biệt là việc phát triển các mô hình kinh tế tập trung như trồng rau má ở làng Phước Yên, nuôi cá lồng ở La Vân Thượng; Tân Xuân Lai...”.

Theo ông Phong, hiện toàn xã Quảng Thọ có khoảng 37ha rau má, riêng thôn Phước Yên có đến 2/3 số hộ dân mưu sinh bằng nghề rau má với mức thu hoạch đạt đến 4-5 tạ/sào. Bình quân mỗi héc-ta rau má cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, toàn xã có trên 300 lồng cá nuôi trên sông Bồ... Tất cả đều nhờ vào sự đổi mới trong chính sách của Đảng và Nhà nước để giúp người nông dân làm giàu. Nhờ thế mà Quảng Thọ ngày một khởi sắc hơn...

Nỗi đau chiến tranh vẫn còn dai dẳng khi Quảng Thọ có đến 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 280 liệt sĩ và 1/5 số hộ dân là gia đình có công với cách mạng... nhưng người dân ở vùng quê nghèo nơi đây vẫn cố gắng cày bừa, chăm chỉ sản xuất để xứng danh là quê hương của vị tướng tài mang tên Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền mà đến nay, người dân Quảng Thọ đã tình nguyện hiến tặng hơn 3.500m2 đất để xây dựng đường bê tông thôn xóm, xây dựng trường học, nhà văn hóa... Trong đó, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xem là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa cho con em học sinh địa phương và thế hệ trẻ của tỉnh Thừa Thiên - Huế

Lê Anh
.
.
.