Quái kiệt vùng than:

"Sự tích" An Lạc Viên

Thứ Tư, 12/03/2008, 11:23
An Lạc Viên là khu nghĩa trang nhưng được xây dựng hệt một công viên lớn, và chỉ có điều khác biệt là phía khuất trong có 3 lò hỏa thiêu thi hài, nhưng không bao giờ thấy có khói tỏa lên bởi lò được xây dựng theo công nghệ hiện đại bậc nhất. 
>> Con đường trở thành "đại gia"

Mô hình kiểu mẫu

Bây giờ, bất cứ ai đi qua khu vực đèo Bụt, là ranh giới giữa thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả cũng đều phải nhìn vào khu công viên nghĩa trang có cái tên rất lành: An Lạc Viên.

Đây là khu nghĩa trang nhưng được xây dựng hệt một công viên lớn, và chỉ có điều khác biệt là phía khuất trong có 3 lò hỏa thiêu thi hài, nhưng không bao giờ thấy có khói tỏa lên bởi lò được xây dựng theo công nghệ hiện đại bậc nhất.

Phía trước nhà để quàn thi hài trước khi đưa vào lò có một chiếc lư hương bằng đá khổng lồ. Chiếc lư hương này được làm bằng hai khối đá xanh, mỗi khối nặng hơn 100 tấn. Vào khu vực này không ai cảm thấy không khí chết chóc, bi thương bởi lẽ khung cảnh ở đây toát lên vẻ thanh bình, sang trọng và phảng phất tâm linh...

Dịch vụ hỏa táng cũng như các dịch vụ khác kèm theo như tổ chức cúng ba ngày, cất giữ tro xương người mất được tiến hành hết sức chu đáo, cẩn trọng và giá cả cũng rất phải chăng: 3,5 triệu đồng cho một ca hỏa táng và cất giữ tro xương. Năm 2007, đã có 1.156 thi hài được đưa vào hỏa thiêu và chỉ hai tháng đầu năm 2008 cũng có tới 256 ca.

Tôi hỏi Đỗ Thành Trung: “Vì sao anh lại nghĩ ra khu An Lạc Viên này?”, Trung cho biết: Vào năm 2003, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất muốn xây dựng một khu hỏa táng. Mong muốn này xuất phát từ một thực tế là  khu vực thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả diện tích đất tuy rộng nhưng đất để làm nghĩa trang lại rất thiếu. Khu nghĩa trang của thành phố nằm phía bên kia đèo Bụt thì đã quá chật, hơn nữa lại quá nhếch nhác, bẩn thỉu. Nếu không xây dựng lò hỏa thiêu thì vài năm nữa, biết chôn người chết vào đâu?

Khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư xây dựng lò hỏa thiêu, có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và... hứa, nhưng rồi họ lại "lặn" mất tăm. Trong một lần họp, đồng chí Chủ tịch gợi ý là Indevco nên tham gia vào công trình này, thế là Đỗ Thành Trung nhận lời.

Lúc đầu, tuy hứa miệng với lãnh đạo tỉnh, nhưng Trung cũng rất ngại vì bị tâm lý "liên quan" đến người đã mất tác động. Nhưng được các đồng chí lãnh đạo động viên, Trung quyết chí làm và việc đầu tiên là đi... tham quan khu “hoàn vũ” ở Văn Điển (Hà Nội), Bình Hưng Hòa (TP HCM)... Tại các nơi này, Trung đều thấy không ổn bởi sự nghèo nàn, tạm bợ và nhất là công nghệ hỏa thiêu đã quá lạc hậu, cho nên các lò cứ tỏa khói lên trời, mang theo mùi khét mù.

Thế rồi, Trung đi sang Nhật, Đài Loan để tìm hiểu và những điều mắt thấy tai nghe đã giúp anh thay đổi toàn bộ tư duy.

Ở Đài Loan, có hai tập đoàn chuyên làm dịch vụ hỏa táng và họ đã đầu tư hơn 1 tỉ USD cho việc này. Công nghệ hỏa thiêu của họ theo công nghệ của Mỹ, nghĩa là “đốt hai lần”.

Lần thứ nhất, thi hài được đưa vào lò và đốt bằng dầu diezen ở nhiệt độ 8000C. Toàn bộ khói của lần đốt này được gom lại nén chặt và đốt lần hai ở nhiệt độ 1.2000C... Như vậy là trên ống khói sẽ không có ngọn khói nào bay lên mà chỉ có hơi nóng tỏa ra... Cách đốt này hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là không tạo ra cảm giác ghê sợ cho người đang sống.

Nhưng nếu chỉ hỏa thiêu thì chưa đủ mà bên cạnh đó, họ còn xây dựng công viên văn hóa tâm linh. Trong công viên này, ngoài khung cảnh như một công viên văn hóa thì mang chất tâm linh như có các tượng Phật, các khu thờ cúng, khu để gìn giữ tro xương... Sau 5 lần đi Đài Loan, Trung mời chuyên gia ở đây về làm tư vấn thiết kế.

Khi chọn địa điểm, anh quyết định chọn khu đất dưới chân đèo Bụt đối diện với nghĩa trang cũ. Sở dĩ chọn nơi này là vì có núi vòng quanh và nằm trên đoạn đường từ Hạ Long đi lên phía đông bắc. Lúc đầu, khi xây dựng, cũng có không ít ý kiến phản đối vì họ cho là... mất vệ sinh, hơn nữa, lại nằm sát trục đường giao thông. Nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết tâm giao đất cho Trung làm và thế là cuối năm 2005, khu An Lạc Viên được khởi công, với số vốn đầu tư 100 tỉ đồng.

Một góc khu An Lạc Viên.

Đài hóa thân được xây dựng trong thung lũng có diện tích gần 5 hécta trong đó có những hạng mục như: nhà tang lễ với diện tích 1.500m2, đủ để cử hành 3 đám tang cùng một lúc. Mỗi phòng đều được thiết kế hiện đại và có thể thay đổi cho phù hợp với tôn giáo của người quá cố. Có một nhà lạnh đủ để bảo quản... 300 thi hài; có một nhà dịch vụ 4.000m2 phục vụ ăn uống cho 1.000 người; ngoài ra còn có phòng y tế, phòng lưu trú... Phía bên ngoài được thiết kế như một công viên, đồng thời xây dựng một tòa tháp 10 tầng để cất giữ 200.000 bộ tro hài cốt, và sẽ mở rộng lên mức giữ được 2 triệu bộ.

Vừa xây dựng khu An Lạc Viên, Trung bỏ tiền ra cải tạo, chỉnh trang khu nghĩa trang cũ.

Ngày 28/1/2007, An Lạc Viên được khánh thành và điều vô cùng bất ngờ là ngay trong hai ngày đầu đã có 12.000 lượt người đến tham quan... Theo dự tính, trong 3 năm đầu, các lò hỏa thiêu sẽ phục vụ khoảng 10% số thi hài nhưng chỉ sau hai tháng hoạt động, số thi hài đưa đến đây hỏa thiêu đã tăng rất nhanh.

Đến nay, hơn 80% số người mất ở TP Hạ Long, Cẩm Phả đã được hỏa táng tại An Lạc Viên. Mà đâu chỉ có người ở Hạ Long, Cẩm Phả mới chọn nơi này để “an lạc” cho người mất; đã có không ít gia đình ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... cũng đưa người thân đến đây để “cư trú” vĩnh viễn.

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng An Lạc Viên đã làm thay đổi hẳn quan niệm về tâm linh đối với người đã mất của người dân Quảng Ninh. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số Bộ, ngành khi đến tham quan An Lạc Viên cũng đều tỏ ý khen ngợi nơi này và mong muốn mô hình An Lạc Viên sẽ được nhân rộng ra toàn quốc.

Từ kết quả đáng khích lệ của khu An Lạc Viên, Đỗ Thành Trung quyết định đầu tư rộng sang 10 tỉnh khác như Hà Tây, Bắc Ninh, TP HCM, Thanh Hóa, Bình Thuận... Riêng TP HCM anh quyết định đầu tư khoảng 300 tỉ. Hiện nay, UBND TP HCM đã thống nhất giao cho Indevco đầu tư xây dựng khu hỏa thiêu - công viên văn hóa tâm linh tại quận 9...

Từ thực tế công trình  An Lạc Viên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn gửi Bộ Xây dựng, yêu cầu Bộ khẩn trương tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về nghị định xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhân dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân... Chính phủ hoan nghênh sáng kiến của Indevco và đề nghị công ty làm việc trực tiếp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan để được hướng dẫn đầu tư xây dựng dự án nghĩa trang nhân dân.

Vừa tiếp đó, vào tháng 9/2007, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có công văn nêu rõ ý kiến của Chính phủ là: “Chính phủ ủng hộ và khuyến khích Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp trong việc thành lập Tổng công ty An Lạc Viên Indevco và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để xây dựng các công viên Đài hóa thân An Lạc Viên và nhà tưởng niệm lưu giữ tro, cốt tại các thành phố và địa phương trong cả nước”.

Có thể khẳng định rằng, nếu những công viên văn hóa tâm linh như kiểu An Lạc Viên được xây dựng trên khắp  các tỉnh, thành phố thì sẽ làm thay đổi  hẳn nếp nghĩ, cách làm của người sống đối với người chết bấy lâu nay. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được quỹ đất, tiết kiệm được tiền của, và quan trọng hơn là không làm ô nhiễm môi trường sống.

Điểm lại các hoạt động của Indevco từ năm 2000 đến nay, có thể khẳng định rằng ở ngành nghề nào, dù là sản xuất hay dịch vụ, Đỗ Thành Trung cũng đều gặt hái được những thành công đáng kể. Và một trong những đóng góp to lớn của Trung  vào việc làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp là tổ chức thu gom rác ở TP Hạ Long và thị xã Cẩm Phả.

Vào đầu năm 2005, Đỗ Thành Trung cho lập công ty môi trường với công việc là thu gom rác ở Hạ Long và Cẩm Phả. Đầu tiên, anh được làm thí điểm tại hai phường của thị xã Cẩm Phả rồi sau được giao làm thêm ở 3 phường nữa...

Thấy các địa bàn từ khi giao cho Trung, vệ sinh đường phố được sạch hơn, kinh phí bỏ ra cho công việc này từ ngân sách lại giảm, đặc biệt là chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”, thế là Sở Môi trường của tỉnh đề xuất giao luôn toàn bộ Công ty Môi trường của tỉnh cho Đỗ Thành Trung.

Nhận 400 công nhân quét rác, Đỗ Thành Trung lập tức  cho tổ chức lại và việc đầu tiên là anh giao nhiệm vụ đội trưởng cho các đảng viên. Cái lý của Trung là đảng viên cần phải gương mẫu hơn hẳn quần chúng trong công việc và biết quan tâm đến đời sống của người lao động.

Các đối tượng được công ty hỗ trợ một phần tiền cho mua xe máy, phần còn lại, nếu ai thiếu, cho vay trả chậm. Nhưng làm đội trưởng quét rác không có nghĩa là đứng... chỉ tay năm ngón, mà phải trực tiếp đi quét, đi đẩy xe... Nhưng bù lại, người đội trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm khá cao. Người lao động làm việc theo cách mới không những lương cao, thưởng cao hơn trước mà còn được nghỉ cả chủ nhật.

Tết Mậu Tý năm nay, công nhân được thưởng bình quân là 2 triệu đồng, trong khi đó, ngân sách của tỉnh chi cho thu gom rác lại giảm được 20%. Tôi có hỏi Đỗ Thành Trung là tại sao ngân sách giảm đi mà lương người lao động lại khá hơn trước, anh nói: “Thật ra, ngày trước, do cách quản lý không tốt, cho nên xảy ra tình trạng khai khống khối lượng để lấy thêm tiền ngân sách, rồi một số cán bộ tiêu cực tìm cách rút tiền chia chác nhau cho nên mới như vậy. Người  công nhân lao động đã vất vả, luôn sống trong môi trường ô nhiễm mà lương lại thấp, các chế độ không được bảo đảm cho nên họ tìm cách tránh né công việc... Thế là, tiền thì Nhà nước vẫn cứ phải chi mà đường phố bẩn vẫn hoàn bẩn. Bây giờ, đến đội trưởng cũng phải đi quét rác thì  không ai còn có thể dựa dẫm được nữa”.

Từ thực tế ở Quảng Ninh, chúng tôi chợt nhớ tới việc ở Hà Nội, hiện công việc thu gom rác cũng đang được “xã hội hóa”. Một vài công ty tư nhân được nhận thầu gom rác và họ đang nghĩ đủ mọi mưu kế để bóc lột người lao động như không đóng bảo hiểm, tuyển người lao động ở các “chợ người” vào quét rác, được vài tháng lại đuổi hay bắt ký hợp đồng mới...

Rồi họ nghĩ đủ mọi mánh khóe để nâng khối lượng rác lấy tiền như kiểu trộn bùn vào rác... Lương công nhân quét rác ở các công ty này, chỉ không bằng một nửa so với lương của công nhân trong công ty của Đỗ Thành Trung. Vì thế, đã có những cuộc đình công xảy ra và hậu quả là đường phố Hà Nội, nơi giao cho những công ty này không mấy khi sạch sẽ. (Chúng tôi sẽ đề cập đến  chuyện rác ở thủ đô Hà Nội trong một phóng sự điều tra khác).

Bài học của thành công

Vào một buổi chiều cuối năm Đinh Hợi, Đỗ Thành Trung đưa tôi lên khu vực "làng Cháy" trước kia. Cả khu vực rộng lớn không còn một bóng nhà dân nhưng thay vào đó là  vườn bạch đàn hơn một năm tuổi đang lên xanh tốt. Đứng ở đây, nhìn sang phía bên kia đồi đang bị bóc nham nhở và bụi bay mù mịt thốc xuống thị xã Cẩm Phả mới thấy sức chịu đựng của người dân quả là vĩ đại.

Nghe nói tới đây, chính quyền sẽ cho đóng cửa khai thác than tại khu vực này, bởi than cũng đã hết. Nhưng để hoàn nguyên cả vùng núi đồi hàng trăm hécta này, đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của mà chắc chắn là chẳng trông mong gì vào việc các công ty Nhà nước bỏ tiền ra để lo trồng cây xanh.

Đã đến lúc phải có các chế tài mạnh, buộc các đơn vị sản xuất phải trích tiền lợi nhuận trong việc khai thác tài nguyên để trả lại màu xanh cho rừng núi. Tại khu vực núi lửa cũ, Trung đang xin chính quyền thị xã cho xây dựng nơi này thành khu công viên sinh thái.

Đỗ Thành Trung đưa tôi đi thăm nhà máy sản xuất kính, khu sàng tuyển than thủ công, thăm nơi ở của công nhân, khu nhà tập thể dành cho các cặp vợ chồng cùng làm ở công ty... và tôi đã ngạc nhiên thật sự.

Nhà tập thể dành cho các cặp vợ chồng cùng làm ở Indevco.

Trong kinh doanh, Trung là người có ý chí mãnh liệt và quyết tâm theo đuổi một mục tiêu đến cùng như việc chữa cháy mỏ than Mông-giăng; làm khu An Lạc Viên, tổ chức thu gom rác, hay mua lại một nhà máy kính đang thua lỗ triền miên, mua đất đá thải của mỏ để sàng tuyển, nhặt lại than... Nhưng làm cái gì thì Trung cũng rất sáng tạo.

Như khu sàng tuyển than thủ công chẳng hạn. Từ thực tế đi sàng tuyển than những năm đầu tiên, Trung đã tự thiết kế ra một khu nhà sàng mà tại đây anh có thể tận thu đến từng hòn than dù chỉ to bằng... quả trứng. Tôi đã gặp không ít doanh nhân thành đạt và thấy họ luôn có những cách làm mang tính đột phá, có sự đam mê kỳ lạ và biết tận dụng thời cơ một cách tối đa.

Đỗ Thành Trung cũng là người có những phẩm chất đó nhưng ở anh còn một điều đáng quý hơn, đó là phẩm chất của một người đảng viên, tuy làm “ông chủ” nhưng lại rất trân trọng sức lao động của người công nhân và cũng chăm lo cho họ hết mức có thể.

Tôi chưa thấy doanh nghiệp tư nhân nào, người công nhân lại có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, sạch sẽ, nền nếp như ở Indevco. Nếu ở tập thể thì 4 hay 6 người một phòng 24m2, có công trình vệ sinh riêng, có đầy đủ quạt, điện, nước và quan trọng là họ không phải đóng tiền.

Họ được ăn ngày 3 bữa và được công ty bao cấp cho tiền chất đốt, tiền phục vụ, vì thế chỉ phải đóng có 7.000 đồng cho một bữa nhưng chất lượng rất khá. Còn với những cặp vợ chồng, nếu cùng làm ở công ty thì họ được công ty cấp cho một căn nhà gồm 3 phòng, có sân, có bếp riêng trên diện tích gần 100 m2.

Nhiều gia đình lại còn có mảnh vườn nhỏ trước nhà để trồng rau... Thật không có gì vui bằng khi buổi chiều về, tại khu nhà tập thể này, thấy những công nhân xách nước tưới rau, xới đất, bắt sâu... cho luống rau của mình.

Trong khi tìm hiểu về mọi mặt hoạt động của Indevco  và cả những khó khăn mà hiện nay công ty cũng như bản thân Trung đang gặp phải, chúng tôi thấy cần phải gióng lên một tiếng chuông báo động về tình trạng các doanh nghiệp làm ăn chân chính chưa được bảo vệ đúng mức.

Rõ ràng, chúng ta không thể làm ngơ khi mà những doanh nhân như Trung đang bị đe dọa bởi các "thế lực đen" trong làm kinh tế. Một đất nước giàu là đất nước phải có những doanh nghiệp mạnh. Mà muốn thế, cần phải bảo vệ những người đứng đầu những doanh nghiệp đó

Nguyễn Như Phong - ANTG735
.
.
.