Sự thực về “Viện giải phẫu thẩm mỹ Á Châu” và ông chủ “Viện sĩ”

Chủ Nhật, 15/10/2006, 13:44

Ở Mỹ có một tổ chức tư nhân gọi là American Academy of Cosmetic Surgery (AACS), quy tụ những bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nhưng họ trả lời AACS chưa hề có một thành viên chính thức nào tên là Nguyễn Xuân Ái, bởi lẽ để được kết nạp là thành viên của AACS, phải trải qua những kiểm tra rất gắt gao.

Trước hết, xin được bắt đầu bằng bốn chữ “giải phẫu thẩm mỹ” (GPTM). Giới bác sĩ - nhất là bác sĩ Ngoại khoa ở TP HCM không ai là không khỏi bật cười khi nhìn thấy cụm từ này trong các quảng cáo của "tiến sĩ" Nguyễn Xuân Ái, bởi lẽ nghề Y không hề có cái gọi là “giải phẫu thẩm mỹ”, mà chỉ có “phẫu thuật chỉnh hình” hoặc “phẫu thuật thẩm mỹ” (cosmetic surgery – plastic surgery).

Hồi còn sống, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Quyền, người nổi tiếng trong ngành Nhân chủng học – Đại học Y Dược TP HCM đã không ít lần phê phán: “Giải phẫu là mổ để tìm hiểu cơ chế gây bệnh, hoặc tìm hiểu nguyên nhân làm chết người. Còn mổ trên cơ thể sống thì phải là phẫu thuật”.

Ấy vậy mà suốt hơn 10 năm, trên một số tờ báo và tạp chí - cũng như trong các tờ bướm và trên bảng hiệu treo tại những cơ sở của mình, “tiến sĩ” Nguyễn Xuân Ái vẫn cứ hiên ngang giới thiệu bằng những lời lẽ rất kêu: “Trung tâm phát triển GPTM Á Châu, GPTM toàn diện từ khuôn mặt tới thân hình, lấy da dư, lấy mỡ thừa, nâng ngực, nâng mông...”, nghĩa là trong đó, có những trường hợp mổ lớn, cần gây mê sâu mà đến nay, hầu như vẫn chưa một cơ sở tư nhân nào được ngành chức năng cấp giấy phép.

“Viện sĩ” Nguyễn Xuân Ái người như thế nào?

Nếu nói “Trung tâm phát triển GPTM Á Châu” ly kỳ bao nhiêu, thì những học vị mà ông Ái có được cũng ly kỳ không kém. Tự giới thiệu về mình, ông khoe: “Năm 1972, tốt nghiệp tiến sĩ y khoa chuyên khoa GPTM và tạo hình” nhưng không cho biết tốt nghiệp ở đâu. Nếu lấy mốc thời gian để so sánh, thì ông Ái sinh năm 1942, và năm ông tốt nghiệp “tiến sĩ”, ông mới 30 tuổi(?).

Cũng cần thêm rằng từ ngày có các trường đại học y khoa ở Việt Nam nói riêng - và thế giới nói chung, thì trong giáo trình Ngoại khoa, chưa hề có môn học nào gọi là “giải phẫu thẩm mỹ” - mà chỉ có các bài giảng về “phẫu thuật chỉnh hình đầu, mặt, cổ; phẫu thuật chỉnh hình các chi, v.v...”. Hầu hết bác sĩ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay đều xuất thân từ những ngành này.

Hơn nữa, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các trường đại học y khoa ở miền Nam (Huế, Sài Gòn), đều chỉ đào tạo bác sĩ đa khoa rồi sau đó, ai muốn đi chuyên sâu về ngành gì, thì tiếp tục học chương trình sau đại học nên không thể có chuyện ngay lập tức ông Nguyễn Xuân Ái “tốt nghiệp tiến sĩ y khoa chuyên khoa GPTM” được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tháng 4/1975, sinh viên Y khoa ở miền Nam năm học cuối (năm thứ 6) phải thi 2 học kỳ, gồm 4 môn là Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa và Nhi khoa. Nếu đậu cả 2 học kỳ, sinh viên sẽ được cấp “Chứng thư tốt nghiệp 4 môn cuối cùng”. Sau đó, tùy theo từng người - có người 1 năm, 2 năm, thậm chí có người 4 hoặc 5 năm sau mới làm luận án tốt nghiệp. Nếu bảo vệ thành công luận án ấy, mới được cấp bằng, tên chính thức là: “Văn bằng Tiến sĩ Y khoa quốc gia”.

Vì thế, chưa hề có ai “siêu” như “tiến sĩ” Nguyễn Xuân Ái: Tốt nghiệp Y khoa từ năm 1972, mà chỉ trong vòng 1 ngày (từ 26/4/1975 đến 27/4/1975), ông đã bảo vệ thành công luận án, rồi có ngay tấm bằng “Tiến sĩ Y khoa quốc gia”, nhìn rất oách!

Cũng trong phần tự giới thiệu, ông Nguyễn Xuân Ái cho biết, từ năm 1972 đến năm 1975, ông là bác sĩ “tạo hình và tổng quát tại Bệnh viện Quảng Ngãi”. Theo bác sĩ Tôn Thất X., tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế năm 1974, thì: “Gần ngày giải phóng, vẫn thấy Nguyễn Xuân Ái lảng vảng ở trường. Tôi nhớ những năm 1972, 1973, 1974, sinh viên Y khoa Huế có những đợt đi thực tập ngắn ngày tại một số bệnh viện ở miền Trung, như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị. Nếu Nguyễn Xuân Ái nói là bác sĩ tạo hình ở Bệnh viện Quảng Ngãi năm 1972, thì có lẽ ông ấy đi... tạo hình  trong đợt này”.

Khi ông “Viện sĩ” nổ tung trời

Không chỉ “nổ” về bằng cấp, ông Nguyễn Xuân Ái còn “nổ” nhiều cú động trời khác - mà mục đích không ngoài việc tạo uy tín để câu móc bệnh nhân về cho ông... “giải phẫu”. Ông tự xưng ông là “Giáo sư quốc tế GPTM”, là “thành viên Hội Hút mỡ Hoa Kỳ”, là “thành viên Hội GPTM  quốc tế bằng tia laser”, là “thành viên Hội GPTM ngực Hoa Kỳ”, là “Viện sĩ Viện hàn lâm GPTM Hoa Kỳ, châu Á, châu Âu” (tên viết tắt của những tổ chức này là AACS, FEACS, ICACS...).

Bên cạnh đó, “tiến sĩ” Ái còn cho ra lò “Viện đại học GPTM Á Châu”, trụ sở đặt tại 116A, đường Cao Thắng, quận 3, TP HCM. Ông nói (trích nguyên văn từ băng ghi âm): “Cần gì phải xin phép vì trường đó là trường quốc tế, ở đây chỉ có tôi thôi, mà tôi cũng ra nước ngoài giảng dạy...”.

Để kiểm chứng những thông tin vừa kể, chúng tôi đã nhờ một cộng tác viên Chuyên đề ANTG, hiện sống tại bang California - Mỹ, là anh Quy Ca tìm hiểu giúp. Theo những gì mà  cộng tác viên chúng tôi thu thập được, thì ở Mỹ có một tổ chức tư nhân gọi là American Academy of Cosmetic Surgery (AACS), quy tụ những bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng họ trả lời AACS chưa hề có một thành viên chính thức nào tên là Nguyễn Xuân Ái, bởi lẽ để được kết nạp là thành viên của AACS, phải trải qua những kiểm tra rất gắt gao (chẳng hạn như bằng bác sĩ phải là bằng được quốc tế công nhận, có ít nhất là 5 công trình về phẫu thuật thẩm mỹ được xác nhận và đăng tải trên những tạp chí y học uy tín như Lancet, Cosmetic Surgery Magazine...).

Tương tự như vậy, khi trao đổi qua điện thoại với bác sĩ Trịnh Văn Quân, tốt nghiệp Đại học Y Sài Gòn năm 1972 và hiện hành nghề tại Athens Avenue, Lincoln, bang California, Mỹ, thì được ông Quân cho biết: “Ở Mỹ, về mặt chính thống, tôi chưa hề nghe thấy  cái gọi là Viện hàn lâm GPTM, mà chỉ có Viện hàn lâm Y học, Viện hàn lâm Kịch nghệ, Viện hàn lâm Điện ảnh...--PageBreak--

Nếu có, thì viện này đặt trụ sở ở đâu, ai là viện trưởng, quy chế hoạt động của viện là gì, thành viên gồm những ai, được ngành y tế của những quốc gia nào công nhận? Tôi cũng đã liên lạc với một số đồng nghiệp ở Australia, ở Canada nhưng cũng như tôi, chẳng ai biết gì về cái viện này”.

Nếu quả thật “tiến sĩ” Nguyễn Xuân Ái là “Giáo sư quốc tế GPTM”, thì chắc hẳn các trường đại học y khoa, các bệnh viện nơi có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới, phải... trải thảm đỏ mời ông đến giảng. Thế nhưng, mất gần nửa ngày để tìm trên mạng Internet, danh sách những giáo sư, bác sĩ giảng viên (kể cả giảng viên thỉnh giảng) của 23 trường đại học y khoa có ngành phẫu thuật chỉnh hình ở Mỹ, 9 trường ở Anh, 12 trường ở Pháp, 6 trường ở Australia cùng một số trường khác ở Singapore, Hàn Quốc, từ năm 1990 đến 2005, chúng tôi không thấy tên “tiến sĩ” Ái nằm ở đâu!

Tìm hiểu thêm về những lần ông Nguyễn Xuân Ái xuất cảnh, thì chẳng có lần nào ông xuất cảnh với lý do đi... giảng dạy, mà hầu hết là du lịch, thăm thân nhân, đi hội nghị, tu nghiệp ngắn ngày.

Có lần, ông ra nước ngoài theo thư mời của International Journal of Cosmetic Surgery (IJCS - tạm dịch là Tổ chức báo chí quốc tế viết về ngành phẫu thuật chỉnh hình), và cũng chỉ duy nhất trên trang web của tổ chức này, có một bài báo do ông Ái viết (hoặc nhờ người khác viết bằng tiếng Anh), trong đó ông “nổ” chỉ trong 5 năm, ông đã mổ nâng ngực cho 500 trường hợp (nghĩa là bình quân cứ ba ngày rưỡi, ông mổ cho một người – chưa kể hàng trăm trường hợp mổ nâng mông, mổ cắt mắt, mổ căng da mặt... Nếu tin vào những điều ấy và nếu chia mỗi ca mổ theo đơn vị thời gian, thì ông Ái khỏe thật. Ngày nào ông cũng mổ từ sáng đến tối!).

Tìm hiểu thêm, hóa ra trang web của IJCS là trang web mở - nghĩa là ai cũng có thể gửi bài lên, miễn cứ viết về phẫu thuật chỉnh hình (kể cả chôm bài người khác rồi xào nấu thành bài của mình), đều được.

Để đánh bóng tên tuổi mình, từ ngày 14 đến ngày 16/8/2004, “tiến sĩ” Nguyễn Xuân Ái đã đứng ra tổ chức một hội nghị mang tên “Những quan điểm khác nhau về phẫu thuật thẩm mỹ Đông phương và Tây phương”, tại khách sạn Legend Saigon, với thành phần tham dự  - theo như giới thiệu, gồm 26 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ  đến từ Mỹ, Italia, Anh, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Venezuela, Hàn Quốc... (mà theo nhiều nguồn tin, thì có “giáo sư” chỉ là kỹ thuật viên phòng mổ, hoặc chủ doanh nghiệp cung cấp thiết bị y khoa).

Trong nước có Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Huế, Tiến sĩ Lê Hành, BV Chợ Rẫy (chúng tôi đã liên lạc với Tiến sĩ Lê Hành để hỏi về hội nghị này nhưng không gặp được vì ông đang nghỉ phép), bác sĩ Đặng Quốc Trinh (Thẩm mỹ viện Trinh), bác sĩ Hà Văn Hùng, Bệnh viện Quy Nhơn và đặc biệt là “Tiến sĩ” Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc “Bệnh viện chuyên khoa GPTM Sài Gòn”.

Mặc dù  “Bệnh viện chuyên khoa GPTM Sài Gòn“ của ông chưa được ngành chức năng công nhận, nhưng “tiến sĩ” Cương cũng “nổ” không kém gì “tiến sĩ” Ái: “Viện sĩ Viện hàn lâm GPTM thế giới”, “Giáo sư đại học GPTM quốc tế”, nhưng kỳ lạ nhất là cái chức danh “Giáo sư thỉnh giảng và biểu diễn GPTM tại Viện hàn lâm GPTM Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia”.

Trở lại chuyện hội nghị “Những quan điểm khác nhau về phẫu thuật thẩm mỹ Đông phương và Tây phương”, điều đáng nói là trước khi tổ chức, “tiến sĩ” Nguyễn Xuân Ái đã không thông qua Sở Y tế TP HCM, mà xin giấy phép của Cơ quan Xúc tiến đầu tư (!?).

Đầu voi đuôi chuột, hội nghị “Những quan điểm khác nhau về phẫu thuật thẩm mỹ Đông phương và Tây phương”, theo ý kiến ngành Y tế là “hội nghị chui”. Bác sĩ  Jackson, Khoa Phẫu thuật chỉnh hình đầu mặt cổ - Bệnh viện Massachussets, Mỹ  - người đã tham dự hội nghị, khi trao đổi với cộng tác viên Chuyên đề ANTG tại California qua điện thoại, đã nói như sau: “Tôi chẳng biết ông Ái là ai, cũng chưa hề gặp ông ấy. Khoảng đầu tháng 5 – 2004, tôi nhận được thư mời của The Asia Cosmetic Surgery Development, do “tiến sĩ“ Nguyễn Xuân Ái ký, mời tôi tham dự, chi phí đi lại, ăn ở do ông Ái lo thì tôi đi. Lúc đó, tôi tin rằng đây là một hội nghị hoàn toàn nghiêm túc, nhưng sự thật lại khác hẳn. Nhiều người trong số đó như Giáo sư Fisher - Italia, Giáo sư Steven - Mỹ, Giáo sư Takehida - Nhật Bản cũng đều có cảm nghĩ như tôi...”

Vũ Cao
.
.
.