Sự thật về “ngọn lửa huyền bí” ở Vĩnh Long

Thứ Ba, 21/12/2004, 07:54

"Cả 8 năm rồi, nhà tui có tốn cọng củi nào đâu," chị Định vừa nói vừa vặn công tắc và bật quẹt. Ngọn lửa phụt lên cực mạnh. Giống nhà chị, rất nhiều gia đình xung quanh cũng có may mắn được sử dụng nguồn gas trời cho.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Định, ở ấp Hòa Phong, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, năm 1996, gia đình chị bỏ ra 1,2 triệu đồng thuê thợ đến khoan cây nước. Khi khoan đến độ sâu 65 mét, nước cũng có trào lên, nhưng kèm theo bọt bèo lạ.

Chẳng bấy lâu sau thì đến mùa lũ, nước ngập mênh mông, nhưng cũng nhờ vậy mà gia đình người nông dân này phát hiện ra điều thật kỳ lạ. Đó là quanh điểm khoan rộng chừng 2 chiếc đệm, bong bóng ùng ục trồi lên tựa nồi cơm sôi. Khi nước lũ rút xuống, mặt đất khô dần và nứt nẻ, chồng chị Định bật quẹt thử thì thấy ngọn lửa cháy mạnh.

Bà Châu Thị Xuân Thành, Phó phòng Quản lý tài nguyên - khoáng sản, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho biết thứ gas trời cho ở Hòa Hiệp, Hòa Thạnh (huyện Tam Bình) cũng như hồ nước sôi cạnh đình Bình Thắng chính là khí mêtan. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng vẫn chưa có kế hoạch thăm dò, tìm hiểu trữ lượng của các hố gas tự nhiên này.

Lúc này, người ta đồn đại rằng, đó là vùng đất kỳ bí, linh thiêng có khả năng tự bốc cháy. Riêng với vợ chồng Năm Lợi, khi biết đó là gas… trời cho, có thể dùng để nấu nướng được, họ "mừng quýnh lên như mới trúng số độc đắc!". Thế là Năm Lợi chạy lên chợ huyện Long Hồ mua 20 mét ống nhựa và 2 đầu bếp dùng gas "đưa của trời cho vô nhà bếp".

Trưởng Công an xã Hòa Hiệp Nguyễn Hoàng Việt cho biết, ở ấp 6, gia đình anh Trần Văn Thành cũng đang xài ga tự nhiên như vợ chồng anh Năm Lợi.

Rời ấp Hòa Phong, xã Hòa Hiệp, chúng tôi sang xã Hòa Thạnh (cùng huyện Tam Bình, Vĩnh Long) cách đó khoảng 7 km. Thật bất ngờ, khi tại đây, số hộ sử dụng gas… trời cho này khá đông. Theo con đường dọc kênh Phó Mũi, tôi ghé nhà anh Nguyễn Ngọc Trung. Chị Lưu Thị Dùm, vợ anh cho biết: "Đã xài gas này từ hơn 10 năm nay rồi. Lúc đầu cũng khoan cây nước, nhưng nước chẳng xài được mà gặp gas này. Đâu nghĩ rằng nó xài được nên chồng tui lấy cái khạp bị lủng đáy úp lên, mỗi khi tối đến là châm quẹt đốt cho sáng sân và cho bớt muỗi!".

Đến khi nghe người ta nói gas này xài tốt, vợ chồng Út Trung mới chạy sắm thiết bị phụ trợ đem vào nhà. Để cho ngọn lửa được mạnh, Út Trung sắm thêm cái bình nén khí giống như của mấy anh thợ bơm xe gắn máy dọc đường. Út Trung cho biết thêm: "Vợ chồng tui để ý, hễ nước rong thì nguồn gas có vẻ yếu đi, nhưng nước kém (cạn) xuống thì nó mạnh dữ lắm. Thỉnh thoảng vợ tui phải xả túi nilon chứa ga cho nó xì ra bớt".

Bí ẩn hồ nước sôi cạnh đình Bình Thắng

Chúng tôi tìm đến ấp 1 (cùng xã Hòa Thạnh), ghé vào đình Nước Sôi - ngôi đình nhỏ như bao ngôi đình ở làng quê Nam Bộ mà chúng tôi thường gặp. Tên đình này là Bình Thắng, nhưng người ta quen gọi là Nước Sôi vì trong khu vườn cạnh đó, có một hồ nước tròn, đường kính khoảng 4 mét từ cách đây hàng mấy trăm năm, không khí từ dưới đáy hồ phụt lên làm mặt nước cứ như đang sôi.

Anh Lê Văn Khoen, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tưởng, cho biết: "Lúc ông nội tui còn sống (ông đã mất cách đây gần 30 năm, thọ trên 90 tuổi), ông có kể, hồ nước sôi này có từ lâu lắm rồi". Cũng theo lời anh Khoen, trước đây, cái hồ này rộng hơn hiện tại rất nhiều. Do những người giữ đình lên lếp, trồng cây ăn trái nên diện tích hồ bị thu hẹp lại. Nhưng có điều lạ là diện tích sủi tăm cũng không hề bị thay đổi.

Theo tay thầy giáo Hồ Văn Thoại chỉ, tôi nhìn sang mặt ruộng cạnh bên, mặt nước vẫn kêu ùng ục vì bọt khí từ dưới trào lên. Dễ thấy nhất vẫn là trong hồ chính, nước cứ bùng bục tựa chảo nước sôi. Thầy Khoen kể: "Khi nước cạn, hơi vẫn trào lên làm mặt bùn non cứ ành ạch, ành ạch giống như cá bị mắc cạn, giãy chết. Có người tò mò muốn biết cái lỗ khí này sâu đến đâu, liền chạy về nhà đốn cây tre dài, róc sạch cành, luồn xuống thử, nhưng ngập đọt tre mà chẳng hề hấn gì".

Nếu quả thật có một túi gas khổng lồ dưới lòng đất này, đề nghị cơ quan chức năng có kế hoạch khai thác để phục vụ cho đời sống của người dân nơi đây, đồng thời cần hướng dẫn người dân cách bảo quản, sử dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tình huống hỏa hoạn xảy ra

Thái Bình
.
.
.