Sự thật bài thuốc chữa bách bệnh của "Cô Tám"

Thứ Sáu, 28/11/2008, 14:31
Hầu hết những người tìm đến chữa bệnh đều bị bà Nhung - "Cô Tám" dùng kim đâm vào lưng và ngậm nước lã phun vào chỗ vừa đâm nhưng "dụng cụ y tế" này không hề được vệ sinh, tiệt trùng. Mặc dù "Cô Tám" nói việc chữa bệnh là "cứu nhân độ thế", không lấy tiền nhưng mọi người đều phải lấy bùa về đốt uống hoặc cúng kiến. Giá mỗi lá bùa là 20 nghìn đồng.

Làm chủ lò gạch bị thua lỗ, bỏ đi một thời gian rồi trở về quê nhà, thêm bệnh vừa đi lang thang vừa nói nhảm, thế nhưng, sau một lần gặp một con nghiện đề, bà trở thành "Cô Tám" nổi tiếng. Hằng ngày có hàng chục người từ các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long kéo đến để nhờ "Cô Tám" chữa bệnh, gọi hồn, giải hạn, đuổi tà, trừ quỷ ám… 

Người dân địa phương tỏ ra bức xúc vì từ ngày "Cô Tám hành nghề", nhiều người kéo đến gây mất trật tự, phóng uế ô nhiễm môi trường.

Đó là bà Nguyễn Thị Nhung, 59 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt. TP Cần Thơ.

Theo nhiều người kể, bà Nhung lên đồng tự xưng "Cô Tám", chữa bá bệnh. Mỗi ngày chỉ "hành nghề" từ 6h đến 9h sáng.

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đã tìm đến nhà để được chứng kiến tận mắt những điều xảy ra. Mặc dù chúng tôi đến rất sớm nhưng đã có hàng chục người đứng ngồi ở nhà "Cô Tám" để được chữa trị. Căn nhà khoảng 40m2, ở giữa đặt cái kệ lớn thờ cúng, đủ các tranh ảnh thần, thánh, khói hương nghi ngút. Đây là căn nhà và cũng là nơi "hành nghề" của bà Nhung.

Ngoài khung cảnh hương khói nghi ngút như cõi âm thì dụng cụ "hành nghề" của "Cô Tám" khiến chúng tôi lạnh cả người: 1 cây kim dài khoảng 1 tấc, 1 xấp giấy hình chữ nhật màu vàng có ghi sẵn dòng chữ mực đỏ ngoằn ngoèo, 1 cốc nước lã, 1 răng nanh heo rừng và một cây bút mực đỏ.

Đúng 6h sáng, người đàn bà có thân hình to, lùn, mặc đồ bộ màu hồng, giọng nói eo éo từ làn khói hương bước ra nói: "Tôi được "Cô Tám" dựa, để cứu nhân độ thế, chỉ chữa bệnh, xem tướng số, tình duyên làm phước, không lấy tiền hay quà, vật. Nhưng nếu ai muốn thỉnh bùa về nhà, thì phải cúng nhường thần, thánh ở chùa".

"Bệnh nhân" đầu tiên của bà Nhung - "Cô Tám" là một cụ bà tuổi ngoài  70, đến từ Kiên Giang, bị bệnh đái tháo đường nhiều năm nay nên gầy còm, xanh xao. Thắp một nén hương, bà Nhung rùng mình rùng mẩy làm như vẻ người lên đồng, lên bóng, hỏi bà lão: "Bà cốc bị bệnh gì?" (Ông cốc, bà cốc là cách bà Nhung xưng hô). Khi bà lão tên X. trả lời "Dạ, bác sỹ nói con bị bệnh đái tháo đường". Ngay lập tức "Cô Tám" ngắt lời: "Không đúng, bà cốc chỉ bị vong ám. Không sao, chỉ cần ta làm phép, vài ngày là khỏe. Cốc quay lưng lại, vén áo lên".

Từ sáng sớm, có nhiều người đến nhờ "Cô Tám" chữa bệnh.

Khi bà lão tuổi ngoài 70, bệnh tật ốm yếu quay lưng thì "Cô Tám" dùng cây kim dài đâm hơn 5 mũi vào lưng và từ miệng (không biết "Cô Tám" có vệ sinh buổi sáng chưa) ngậm ngụm nước lã phun vào chỗ đâm kim còn rướm máu rồi phán: "Bà cốc phải thỉnh 2 lá bùa, đem về nhà đuổi vong thì mới khỏi bệnh".

"Cô Tám" còn căn dặn: "2 lá bùa này, 1 lá thả ở đầu sông, lá còn lại thả ở cuối sông cùng với gạo, muối, trái cây, rồi khẩn cầu Hà Bá về để bắt vong đem đi". Chỉ với thời gian khoảng 3 phút chữa bệnh, bà lão 70 tuổi đã ngất xỉu tại chỗ, người con trai đi theo bà lão phải đưa ra ngoài sơ cứu.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết tất cả mọi người tìm đến chữa bệnh đều bị bà Nhung - "Cô Tám" dùng kim đâm vào lưng và ngậm nước lã phun vào chỗ vừa đâm nhưng "dụng cụ y tế" này không hề được vệ sinh, tiệt trùng, ngoài ra, tất cả mọi người đều phải lấy bùa về đốt uống hoặc cúng kiến, giá của mỗi lá bùa là 20.000 đồng.

Với khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ, có khoảng 50 người nhẹ dạ cả tin được "Cô Tám" giải hạn bằng cả trăm lá bùa và số tiền "Cô Tám" bỏ túi không dưới 2 triệu đồng. Thế nhưng, câu cửa miệng của bà Nhung lúc nào cũng nói ra những lời rất đạo hạnh là phù hộ, độ trì không lấy tiền. 

Ngoài việc chữa bệnh theo kiểu "đuổi ma, trừ quỷ" nói trên, nhiều người tìm đến bà Nhung - "Cô Tám" để xem bói, giải hạn xui rủi, hay cầu duyên…  và tất cả đều được "Cô Tám" cầm răng nanh heo rừng - cho là "kính thiêng" có thể soi thấy vạn vật, dù bất kể ở đâu.

Việc bà Nhung hành nghề mê tín dị đoan, chữa bệnh tà ma khiến người dân địa phương không khỏi bất bình. Ông Tống Văn Nên, Công an ấp Thạnh Lợi, cho biết: Bà Nguyễn Thị Nhung trước đây làm chủ lò gạch bị nợ nần, bỏ địa phương đi một thời gian, sau đó trở về, nói năng lảm nhảm như người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần và luôn tự xưng là "Cô Tám" - một thần linh được cõi trên cử xuống trần gian cứu nhân độ thế. Người dân địa phương thì quá rành cái trò lừa bịp của bà Nhung nhưng không hiểu vì sao, thông tin đồn thổi đi nhiều tỉnh thành khiến bà Nhung "nổi tiếng" và nhiều người đã tìm đến. 

Chúng tôi được biết, bà Nguyễn Thị Nhung chữa bệnh ma quỷ, bói toán, dị đoan từ nhiều năm nay và đã từng bị Công an huyện Thốt Nốt xử phạt hành chính thế nhưng đến nay bà Nhung cứ tiếp tục "hành nghề". Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Thốt Nốt cần mạnh tay xử lý triệt để, nhằm đảo bảo ANTT địa phương và sức khỏe của người dân

Nam Giao - L.A.
.
.
.