Sự học nơi ốc đảo Kon Pne

Thứ Tư, 05/03/2008, 15:34
Xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai được mệnh danh là nơi ốc đảo của đại ngàn Tây Nguyên. Đường từ trung tâm tỉnh về đến xã gần 300km, từ xã về huyện 120km đường rừng nên phải đi mất một ngày rưỡi. Nhưng khó khăn vẫn không nản lòng những thầy cô giáo và bao thế hệ học trò thân yêu ở đây đang ngày đêm gieo từng con chữ tâm huyết với ước mơ thoát nghèo.

Người làng Kon Kriêng, xã Kon Pne (Kbang, Gia Lai) tuy nghèo nhưng trọng cái chữ. Mỗi khi hay tin thầy cô giáo về làng dạy chữ cho con em mình là cả làng ăn mừng.

Cô giáo Yến, người tình nguyện vào gieo chữ ở ốc đảo Kon Pne kể: "Ngày em vào làng, bà con mừng như mở hội, mang rượu, gà ra mời...". Học xong Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cô Yến về Kon Pne gieo chữ và được chuyển vào làng Kon Kriêng.

Từ trung tâm xã Kon Pne vào làng gần chục cây số nhưng đường rừng và dốc núi thăm thẳm nên khó tả hết nỗi nhọc nhằn. "Ở lâu ngày rồi quen và thấy yêu quý buôn làng, trẻ em thật thà, người già quý mến, ở làng có món gì ngon cô giáo cũng được chia phần", cô Yến kể.

Việc dạy trẻ ở đây bằng cả tấm lòng yêu thương mới thu hút được các em đến lớp. Hàng tháng cô Yến để dành ít tiền lương của mình để mua đồ dùng học tập, bánh kẹo thưởng cho các em học giỏi. Nhờ vậy, sự học ở các em được khích lệ và cố gắng hơn, tình thầy trò như một nhà đầm ấm.

Còn thầy Đinh Văn Năm, người cũng đang gắn mình với việc gieo chữ ở đây kể: "Ngày 20-11, các em bẻ hoa rừng tặng thầy cô, có em đem cả khoai mì... Cái tình nặng như dãy Kon Ka Kinh hùng vĩ tựa bốn bề". Nhờ thế, mỗi ngày đều đặn trong những túp lều nhỏ, thầy cô giáo ở Kon Pne vẫn miệt mài gieo chữ cho những đứa trẻ nghèo ở miền rừng xa xôi.

Nhưng trẻ em làng không phụ công ơn các thầy, cô giáo, ngày càng có em học khá hơn và số học sinh đến lớp cũng tăng dần. Năm học mới 2007-2008 xã Kon Pne đã bắt đầu có trường THCS, học sinh lớp 6 đông dần và được học ở gần nhà nên nhiều hứa hẹn cho miền quê nghèo xóa mù chữ. 

Trước ngày xã Kon Pne có trường THCS, nhiều thế hệ học sinh phải ra huyện để học nên khó khăn trăm bề. Trong số những học sinh vượt khó rời làng ra thị trấn để học có Ui và Oai được dân làng Kon Pne quý như viên ngọc sáng. Bởi lớp học sinh đầu tiên ở xã Kon Pne ra thị trấn học hết cấp 2 cả thảy 5 em. Sau đó có 3 em về đi nghĩa vụ quân sự và tham gia cán bộ thôn, xã.

Riêng Oai và Ui quyết tâm ở lại nộp hồ sơ vào học cấp 3 tại Trường THPT Kbang. Lúc đầu gia đình các em khó khăn buộc phải nghỉ học, nhưng nhờ Ban giám hiệu Trường THPT Kbang đã vận động toàn thể cán bộ, giáo viên thành lập "Hũ gạo nuôi trò", quyên góp lương từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/tháng để giúp cho những học sinh nghèo trong đó có Oai và Ui.

Bây giờ bình quân hàng tháng Ui và Oai được nhận đều mỗi em 10kg gạo để tiếp tục ăn học đến hết THPT. Không giấu được niềm vui, Oai và Ui tâm sự: "Mình quyết học để sau này về giúp làng thoát nghèo".

Từ ngày Chính phủ cho mở đường từ huyện Kbang vào xã Kon Pne, gánh nặng nhọc nhằn đi lại có phần đỡ hơn nhưng khó khăn vẫn còn nhiều lắm. Đặc biệt là cái chữ cho con em trong làng, xã ở đây vẫn thiếu thốn và khó khăn. "Nhưng rất may có sự tận tâm của các thầy cô giáo vào làng khai sáng cho con em mình", già làng Kon Kriêng nói.  

Kon Pne là khu căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhưng đời sống người dân những năm qua còn hạn chế do đường sá đi lại khó khăn, cách trở.

Gần đây, nhờ được sự đầu tư của Nhà nước, sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo gieo chữ ở làng mà đời sống và sự học đã từng bước đổi thay. Nhiều học sinh trong làng đã biết chữ và chịu học lên cao với khát vọng đổi đời và làm đổi thay vùng đất nghèo nơi ốc đảo xa xôi này

Ngọc Như
.
.
.