Sử dụng chế phẩm Redoxy-3C: Liệu có cứu được những hồ “chết”

Thứ Năm, 22/09/2016, 08:39
Tình trạng ô nhiễm nặng tại các hồ trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhiều năm nay khiến thành phố tiêu tốn khoản ngân sách không nhỏ trong việc tìm ra các biện pháp xử lý nhưng hồ vẫn… không sạch.

Mới đây, việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy 3C - được sản xuất độc quyền cho Hà Nội tại Cộng hòa Liên bang Đức ở 3 hồ Hố Mẻ, Giáp Bát, Ba Mẫu bước đầu mang lại những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, người dân Thủ đô quan tâm nhất hiện nay là liệu giải pháp lần này có là gánh nặng lên ngân sách và  hiệu quả làm sạch nước hồ trong bao lâu, có thực sự thân thiện với môi trường như quảng cáo hay không?

Hồ Ba Mẫu đang được thí điểm làm sạch ô nhiễm bằng công nghệ Redoxy-3C.

Không chỉ bốc mùi hôi thối mà Hà Nội còn có những hồ được coi là “chết” khi mức độ ô nhiễm đã ở mức trầm trọng. Lá phổi xanh của thành phố đang bị co hẹp và pha tạp khi mức độ ô nhiễm tiếp tục nhân rộng do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Hà Nội hiện có 120 hồ trong nội thành và khoảng 1.500 hồ ở khu vực ngoại thành. 

Theo điều tra báo cáo môi trường đối với 31 hồ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, chỉ có 5 hồ không ô nhiễm, còn lại 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy tình trạng chung của hầu hết các hồ trên địa bàn Hà Nội hiện nay là bốc mùi hôi tanh, cá chết. Nhiều hồ nước đóng váng xanh nổi màng trên mặt nước.

Tại nhiều khu dân cư, nước thải sinh hoạt của người dân đổ trực tiếp vào hồ khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Người Hà Nội phải “chấp nhận” sống chung với các hồ bẩn nhiều năm qua.

Trước thực trạng ô nhiễm của các hồ trên địa bàn hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt hàng riêng cho Hà Nội chế phẩm Redoxy-3C có xuất xứ từ Đức để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các hồ. 

Ông Trần Trọng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết: Sau quá trình tiến hành thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và tại UBND TP đối với 20 mẫu nước hồ tương đương 32 chỉ tiêu về môi trường, sau đó tiến hành thử nghiệm trên quy mô nhỏ tại hồ Hoàn Kiếm, hồ Đống Đa và hồ Tây, ngày 20-8, Hà Nội đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả xử lý chế phẩm Redoxy-3C với sự tham gia của 9 nhà khoa học, đại diện các Sở, ban, ngành và nhà chế tạo sản phẩm Redoxy-3C đến từ Đức. 

Sau thử nghiệm, độ pH kiềm, nồng độ TSS, BOD, COD... và mật độ coliform trong các hồ giảm, thông số thuỷ lý hoá không vượt ngưỡng, các loài sinh vật, thủy sinh sinh trưởng và phát triển tốt. Với các kết quả thu được, hội thảo đã khẳng định chế phẩm Redoxy-3C không gây độc hại, thân thiện với môi trường, chi phí thấp và dễ sử dụng.

Mối quan tâm lớn nhất của dư luận nhân dân Thủ đô là kinh phí để thực hiện dự án này bởi Hà Nội đã từng gây tranh cãi khi đề xuất ý tưởng thay nước hồ Tây, cải tạo hồ Ngọc Khánh, hồ Bảy Mẫu… với mức tiền khủng. Hơn thế nữa, người dân lo ngại, với mức chi phí lớn bỏ ra liệu hiệu quả mang lại có như mong muốn? Hồ ở Hà Nội sẽ hết ô nhiễm?

Trả lời phóng viên vấn đề này, ông Trần Trọng Văn cho biết: “Từ ngày 8 đến 16-9, Hà Nội đã triển khai thử nghiệm làm sạch nước hồ tại 3 hồ là: Hố Mẻ, Giáp Bát và Ba Mẫu”. 

Nói về nguyên nhân lựa chọn 3 hồ trên để thử nghiệm, ông Văn khẳng định: “Việc lựa chọn 3 hồ trên có sự căn cứ vào thực tế. Hồ Giáp Bát là hồ không có nước thải chảy vào, hồ Hố Mẻ có chức năng điều hòa nước, nằm trong dự án cải tạo thoát nước của Hà Nội, còn hồ Ba Mẫu có chức năng điều hòa và nước phổ cập thường xuyên. Quá trình thử nghiệm tại 3 hồ đã cho kết quả khả quan. Sau 24h theo dõi, hiệu quả mang lại đã đạt đến 90%. Nước hồ không còn mùi khó chịu, người dân xung quanh có phản hồi tích cực”.

Theo ông Văn, chế phẩm này có phương pháp sử dụng dễ dàng, chỉ việc thả xuống nước. “Chi phí cho việc sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C xử lý nước hồ ở Hà Nội so với các phương pháp đã áp dụng trước đây có thể giảm 1/3. Tuy nhiên, đến nay chưa có một con số chính xác vì tất cả vẫn đang thử nghiệm, chưa tính toán được và cần phải theo dõi việc giữ sạch nước hồ trong bao lâu, biến đổi chất lượng nước như thế nào, có thân thiện với môi trường hay không mới có thể đưa ra áp dụng rộng rãi”.

Kể từ ngày 1-9, Hà Nội đã dừng toàn bộ các phương pháp xử lý ô nhiễm nước hồ đang làm trước đó để tập trung thử nghiệm chế phẩm mới. Từ ngày 21-9 tiếp tục thí điểm làm sạch hồ Hoàng Cầu. Hà Nội hiện đang chờ kết quả thử nghiệm, trên cơ sở đánh giá về mặt tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, phương pháp xử lý và kinh tế của chế phẩm đạt hiệu quả tốt thì sẽ triển khai, nhân rộng xử lý ô nhiễm các hồ trên địa bàn thành phố bằng công nghệ trên. “Đến cuối tháng 10 mới có kết quả. Quan điểm của thành phố là chọn phương pháp thực sự hiệu quả, làm trong sạch môi trường hồ và đạt chi phí thấp” – ông Văn khẳng định. Người dân Hà Nội hy vọng những lá phổi xanh của Thủ đô được “giải cứu” trên một bài toán hiệu quả về chất lượng và chi phí.

N.Hương – T.Hằng
.
.
.