Sống chung với tử thần

Thứ Sáu, 22/12/2017, 07:53
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc. Hậu quả của thuốc lá để lại vô cùng nặng nề và đau đớn.

Một nửa những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm và trong số này một nửa chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15-20 năm của cuộc sống. Đó là chưa kể những tổn thất về kinh tế do thuốc lá gây ra.

Những cái chết từ từ và đau đớn

Hiếm có sản phẩm nào được con người sử dụng hàng ngày lại gây độc hại cho sức khỏe như thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới đã xác định, có tới 25 căn bệnh  liên quan đến thuốc lá. Trong thế kỷ 20, đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 600.000 người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Có tới 80% số ca tử vong là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Tổ chức Y tế thế giới dự báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số người bị tử vong do những căn bệnh do thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.

Ngoài những căn bệnh ung thư, thuốc lá còn gây ra hàng loạt các căn bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (75%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (25%). Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra.

 Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cho cả nam và nữ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những căn bệnh liên quan đến thuốc lá thể hiện rất rõ và bất ngờ hơn nhiều người tưởng. Tờ áp phích của Tổ chức Y tế thế giới tuyên truyền về tác hại của thuốc lá làm cho người nhìn cảm thấy sợ hãi.

Bởi, những căn bệnh tưởng chừng như không có chút liên quan đến thuốc lá lại có mặt ở đây như: Rụng tóc, cao răng, sâu răng, ung thư da, khí phế thũng, loét dạ dày, chuyển màu da các ngón tay, bệnh vảy nến, đục nhân mắt, nếp nhăn, điếc, loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư tử cung và sảy thai, biến dạng tinh trùng, viêm tắc mạch máu chi.

Hàng loạt căn bệnh liên quan đến thuốc lá kể trên đều là con đường dẫn đến cái chết. Trong khi đó, ở nhiều gia đình vẫn có những người đàn ông sử dụng thuốc lá như thứ không thể thiếu. Họ hút thuốc trong môi trường có cả người già, phụ nữ, trẻ em. Bởi vậy, sẽ rất chính xác nếu nói rằng những người thân của họ, hay bản thân người nghiện thuốc lá đang hàng ngày sống chung với tử thần.

Ngăn chặn nỗi đau

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.

Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Bởi vậy, người nghiện thuốc lá chỉ cần có ý định bỏ thuốc, sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Nhưng điều quan trọng nhất là quyết tâm bỏ thuốc. Bắt đầu ngừng hút thuốc, sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.

Đối với người bệnh, việc bỏ thuốc mang lại nhiều lợi ích như: Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm tỷ lệ bệnh phát nặng hơn, làm tăng sự thành công trong các ca phẫu thuật ở các bệnh mạch vành, giảm tỷ lệ suy giảm chức năng phổi và giảm ho đối với người bị bệnh viêm phế quản mãn tính. Thế nên, cai nghiện thuốc lá chưa lúc nào là muộn.

Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc:

l 20 phút: huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường.

l 8 giờ: lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm. Nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng.

l 24 giờ: lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải, phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho để thải đờm.

l 48 giờ: cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu được cải thiện.

l 1 tuần: giấc ngủ trở lại bình thường.

l 2 tuần đến 3 tháng: sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện.

l 1-9 tháng: các triệu chứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm; nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường, giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

l 1-2 năm: nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 20-50%; giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.

l 5 năm: nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5-15 năm cai thuốc.

l 10 năm: nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tụy cũng sẽ giảm so với người hút.

Minh Phương
.
.
.