Cụ bà 85 tuổi sống trên sông, nuôi con tàn tật:

Sông Bôi vỡ òa tiếng sóng

Thứ Ba, 31/03/2009, 09:16
Sáng nào cũng vậy, trên dòng sông Bôi, đoạn chảy qua xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, một bà cụ tóc bạc, lưng còng, móm mém vừa cố sức chèo thuyền, vừa giăng tấm lưới vá chằng vá đụp. Ấy là cụ bà Trần Thị Cảnh, 85 tuổi, ở thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ.

Trong ngôi nhà gạch thấp lè tè, khách không dám đứng thẳng bởi trên đầu là tấm bạt hứng mưa dột. Không có đồ đạc gì đáng giá, ngoài chiếc tivi đen trắng nhỏ, cũ mèm. Một chiếc giường, một cái bàn gỗ, vài cái ghế cũ, thế là hết chỗ đi lại.

Ngồi trên giường,  khuôn mặt của chị Trần Thị Hữu, 49 tuổi, con gái cụ Cảnh, thẫn thờ nhìn ra cửa. Ông trời không cho chị được may mắn như những người phụ nữ khác. Khát khao được làm mẹ, cách đây ít năm, chị Hữu đã mang thai, những mong kiếm mụn con nương tựa sau này. Không may khi trở dạ, chị lên cơn sản giật, đứa bé không cứu được, còn mẹ thì liệt luôn từ đó.

Cụ Cảnh nhìn con thở dài:  "Thuốc thang mãi, đến giờ ngồi lên được là khá rồi…". Nghe mẹ nhắc đến chuyện cũ, chị Hữu mấp máy môi như muốn nói, nhưng không nói được, thành ra nỗi ấm ức trong lòng đổ dồn lên khuôn mặt chị, mếu máo đến tội nghiệp.

Chồng mất sớm, chị Hữu là chỗ dựa duy nhất của cụ Cảnh. Mẹ con lần hồi kiếm sống. Tai họa bỗng chốc ập đến. Chỗ tựa duy nhất của cụ Cảnh lại trở thành gánh nặng tuổi già cho cụ. Nhà đã nghèo, nay lại càng thêm khốn khó. Những khi trái nắng trở trời, cái lưng của cụ Cảnh như còng rạp xuống.

Chiếc thuyền nan là "cần câu cơm" duy nhất của cụ Cảnh.

Mở ngăn kéo bàn, cụ cho chúng tôi xem liều thuốc đặc trị các bệnh của cụ. Đó là những viên decolgen, vốn chỉ điều trị nhức đầu, cảm cúm. Cụ bảo, hôm nào thấy mệt, uống 1 viên là  khỏe, lại lên thuyền giăng lưới. Nghe cụ nói vậy, chúng tôi thấy xót xa. Đối với người nghèo như cụ Cảnh thì những viên thuốc ấy có lẽ đã trở thành liều thuốc tinh thần quý giá để trụ lại với đời, chăm chút cho cô con gái tật bệnh.

Nhà không có ruộng, "cần câu cơm" duy nhất của mẹ con cụ Cảnh là chiếc thuyền nan đã cũ. Cụ Cảnh kể, ngày trước còn đi xa một chút để đánh lưới. Nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, chỉ quanh quẩn ở đoạn sông gần nhà nên chẳng kiếm được là mấy. Ngày nào kiếm được năm, mười nghìn là tươm lắm rồi. Đi chợ xong, cụ lại tất tả về cơm nước cho con.

Theo cụ Cảnh ra bờ sông, nơi neo thuyền, chúng tôi càng thêm ái ngại cho cụ. Bờ sông khá dốc, lối lên xuống được kè tạm bằng những cành cây. Mắt đã mờ, cụ Cảnh đóng thêm hàng cọc để làm tay vịn lúc lên xuống. Trời khô ráo còn đỡ, chứ trời mưa, rất dễ bị trượt chân.

Với cụ Cảnh, lo nhất là vào mùa lũ, nước sông lên cao, cụ phải nghỉ ở nhà. Nước càng lâu rút thì nguy cơ đói càng cao. Trận lũ năm 2008, nước ngập ngang nhà, hai mẹ con phải đi ở nhờ đến cả tháng trời. Lương thực dự trữ cạn kiệt, phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền và bà con chòm xóm.

Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng điều tôi hết sức khâm phục và kính trọng ở cụ bà Trần Thị Cảnh, đó là đức tính kiên nhẫn, chịu đựng, không kêu ca, oán thán. Cụ bảo, trong xã hội này, cụ đã khổ rồi nhưng nhiều người còn khổ hơn cụ. Trong thâm tâm, cụ chỉ lo mình không trụ được bao lâu nữa, để lại gánh nặng chăm sóc cô con gái tàn tật cho người khác.

Chia tay mẹ con cụ Trần Thị Cảnh, bỗng vỡ òa tiếng sóng trên dòng sông Bôi…

H.Vũ
.
.
.