Sơn nữ vọng phu

Thứ Năm, 02/04/2009, 14:16
Ngọn gió hiện đại hóa thổi qua vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế mang theo niềm vui chung nhưng để lại nhiều nỗi buồn riêng cho những người thiếu nữ lỡ lầm. Có người làm mẹ ở tuổi 15, có người sống với tâm trạng buồn đau thất vọng vì không còn niềm tin. Buồn hơn nữa là một thế hệ tương lai lớn lên trong mặc cảm bởi "khiếm khuyết" về mặt gia đình…
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện tỏ vẻ e ngại khi chúng tôi hỏi về những người phụ nữ "lỡ lầm". Tuy nhiên, bà cũng khẳng định: "Không thể thống kê được! Có gì hỏi phụ nữ các xã"...

Đường đã thông, chàng… dông thẳng

Chúng tôi đến nhà chị A Viết Thị K. ở thôn A ka A chi, xã A Roàng. Thấy khách dưới xuôi, mấy người hàng xóm gần nhà chị K. mừng rỡ: "Chị chồng của K. đến thăm cháu hả? Sao lâu nay không đến, nó nuôi con một mình khổ lắm"!. Mãi đến khi chúng tôi xưng danh tính, những người tốt bụng mới ỉu xìu: "Vậy mà mình cứ tưởng...". Trong căn nhà lợp tôn thấp tè, giữa trưa, chị K. vẫn cặm cụi dệt zèng cùng cô con gái gần hai tuổi. Cô bé có cái tên rất dễ thương, A Viết Thị X..

Chị A Viết Thị K dệt zèng thuê để nuôi con gái không cha. Ảnh: PV.

Năm 2005, lúc đang còn tham gia làm đường Trường Sơn, anh công nhân người Mường, Bùi H. đã chiếm được trái tim của cô sơn nữ K.. Đến khi chị có thai gần hai tháng, anh H. "lơ" dần và đột ngột đến nơi khác làm công trình. Chị K. vượt cạn một mình ở bếp. Hai mẹ con hiện nương nhờ nhà ông ngoại và sinh hoạt phí dựa vào tiền dệt zèng thuê của chị K..

Phía sau những công trình mới khánh thành là nỗi đau số phận của nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Ở xã Hồng Vân, chỉ điểm sơ qua, cán bộ UBND xã đã chỉ ra được vài ba trường hợp bị các anh công nhân làm đường phụ tình. Một người trong số họ chậc lưỡi: "Cũng tại chị em mình không tìm hiểu kỹ, cả tin nên giờ mới khổ"!

Đơn cử, chị Hồ Thị Ch., 24 tuổi, ở thôn A Năm phải lòng một anh công nhân D. khi công trình đường Trường Sơn đi qua nhà. Khi chị Ch. sinh con trai, anh D. ghé qua nhà thăm được dăm bữa rồi mất dạng. Đoạn đường đã xong, không thấy tông tích anh D., bố chị Ch. qua công trường tìm địa chỉ anh con rể hờ. Đến tận Ninh Bình, ông ngã ngửa vì D đã có vợ, con. Con trai chị Ch. sinh ra đành mang họ mẹ và chịu cảnh "mồ côi" bố.

Con Rơi, Rớt...

Theo phong tục của một số dân tộc vùng cao, con gái không chồng mà mang thai là nỗi nhục nhã đối với dòng họ. Ít được cộng đồng đón nhận và sống trong khổ đau nên những đứa trẻ sinh ra được đặt những cái tên gắn với số phận như Rơi, Rớt, Lỡ, Lầm…

Căn nhà tình thương của mẹ Hồ Thị Ng. ở xã Hồng Hạ là mái ấm của ba thế hệ. Một mình mẹ Ng. ngoài tuổi lao động phải nuôi 3 đứa cháu không cha.

Cô con gái đầu Hồ Thị H. bị phụ tình sau khi sinh đứa thứ ba. Chồng chị bôn tẩu về Quảng Bình không một lời nhắn nhủ. Đứa con gái thứ hai cũng bị một anh chàng dưới xuôi phụ bạc khi cô có thai hơn tháng, giờ hai mẹ con sống bám vào người mẹ già không còn khả năng lao động. Thấy nhà quá khổ, chị H. nhắm mắt tái giá với một người đàn ông lớn hơn cả tuổi mẹ mình.

Ngẫm lại chuyện buồn gia đình, mẹ Ng. than thở: "Khổ quá! Vậy là mẹ đặt tên cho thằng cháu đầu là Rơi, đứa thứ hai là Rớt để chúng nhớ lấy nỗi đau này”.

Trong số gần 10 trường hợp bị "lừa tình", bi đát nhất có lẽ là trường hợp của Hồ Thị N., cô bé đang tuổi vị thành niên ở thôn A Ron, Hồng Hạ. 15 tuổi, N. quen L., công nhân làm thủy điện trên địa bàn trong một lần uống cà phê. Bằng mọi lời đường mật, L. lấy lòng mọi người trong gia đình N. và chinh phục trái tim của cô gái thơ ngây.

Đến ngày N. có thai, L. sợ hãi ở hẳn trong công trường vì cô bé đang ở tuổi vị thành niên. Khi N. sinh con, L. xin chuyển công tác đi tỉnh khác, đổi luôn số điện thoại di động. Sốc trước biến cố gia đình, mẹ N. ốm nặng và mất. Bố N. sau đó cũng lâm trọng bệnh và liệt nửa người. N. và con sống nhờ sức lao động của anh trai, chị gái và sự bao bọc của bà con láng giềng

Trần Vĩnh Linh
.
.
.