“Sợi tơ hồng” từ một bức ảnh đăng báo

Thứ Sáu, 12/02/2021, 08:10

Trong gia tài của người cựu binh xe tăng Trần Bình Yên, có hai bức ảnh quý được ông trân trọng giữ gìn, nâng niu nhiều năm. Đó là bức chiếc tăng T54 mang số hiệu 846 băng qua cổng Dinh Độc lập buổi trưa ngày 30/4/1975, bởi người điều khiển chiếc xe tăng lịch sử chính là ông Yên. Bức thứ hai là ảnh 5 nữ công nhân trẻ trung thuộc Nông trường quốc doanh Ba Sao đang hái dâu (chụp năm 1978), trong đó một cô trở thành người vợ hiền gắn bó với ông Yên suốt gần 40 năm qua.

“Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” là một bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam). Bức ảnh được in trong nhiều cuốn sách lịch sử, sách giáo khoa, bởi về chính trị nó đạt chuẩn một bức ảnh tiêu biểu sự nghiệp thống nhất đất nước; về nghệ thuật, nó cũng đạt mức tuyệt hảo.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 846 (do ông Trần Bình Yên lái) tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng.
Nhiều năm sau khi chụp bức ảnh để đời, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn đau đáu tìm lại chiếc xe tăng và những người lính tăng. Nhưng đất nước thời hậu chiến vô vàn khó khăn lại phải bước vào hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc nên ý định đó mãi không thực hiện được. Sau khi nghỉ hưu, ông Hưởng dành thời gian chắp nối thông tin, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nên đã tìm được những người lính trong chiếc xe tăng 846.
Bức ảnh 5 cô gái hái dâu đã se duyên ông Yên và bà Vân (bà Vân ở bìa phải ảnh).

Đây là một trong số những chiếc tăng mũi nhọn của lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 có nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập. Kíp chiến đấu có 4 người, gồm ông Nguyễn Quang Hòa, trưởng xe (trú tại Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số 1 (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số 2 (trú tại Hải Phòng) và lái xe Trần Bình Yên (trú tại Hà Nam).  

Sau chiến tranh, 4 người lính xe tăng năm xưa sống cuộc đời bình lặng và có phần vất vả. Họ đều xuất ngũ sớm, mưu sinh gắn bó với đồng ruộng hoặc làm nghề lái xe, buôn bán nhỏ. Người trưởng xe Nguyễn Quang Hòa lớn tuổi nhất, đã bị tai biến hai lần và quy tiên hồi tháng 5/2020. Các cựu binh Nguyễn Bá Tứ và Nguyễn Ngọc Quý sức khỏe đều yếu do nhiều năm lăn lộn chiến trường và nỗi lo cơm áo gạo tiền thời hậu chiến.

Ông Trần Bình Yên (giữa) và ông Nguyễn Quang Hòa (bìa phải), ông Nguyễn Bá Tứ trong lần gặp mặt cựu binh xe tăng 846 vào tháng 4/2019.

Người còn khỏe mạnh là ông Trần Bình Yên, năm nay xấp xỉ tuổi 70. Với hơn 3 ha đất bên chân dãy núi đá vôi thuộc thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), ông Yên và vợ con lập trang trại vườn rừng trồng na, rau sắng, chuối tiêu… Cuộc sống nhà nông của người cựu binh thật thảnh thơi và bình yên như chính tên của ông.

Chúng tôi trở lại thăm gia đình ông Trần Bình Yên khi mùa na trái vụ vừa thu hoạch xong. Cả rừng na im lìm như trong giấc ngủ đông dài, lá sạm đi vì sương muối. Tuy thế, những đọt rau sắng biếc xanh mới nhú đang cố vươn mình giành giật chút ánh sáng yếu ớt của mùa đông dưới chân rặng núi đá xanh thẳm.

Ông Yên và bà Vân cùng bức ảnh se duyên.

Ông Yên và vợ, bà Trần Thị Vân vui vẻ đón chúng tôi. Gần hai năm mới gặp lại, ông Yên vẫn giữ được vóc dáng của một lão nông tri điền; bà thì sức khỏe có phần giảm, đi lại chậm chạp hơn. Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nên cả gia đình đang dồn sức hoàn thành căn nhà cho người con trai cả xây ngay trên mảnh vườn ông cha để lại.

Chỉ vào khoảnh vườn rộng xung quanh nhà, ông Yên khoe: “Đất này, bố tôi đã ở từ 1945, rồi cụ khai phá thêm dần. Thời kháng chiến, bố tôi nuôi giấu bộ đội, du kích ngay trong vườn nhà. Vùng này khi đó hoang sơ, gần núi đá nên tiện mọi bề cho du kích và bộ đội ẩn náu, hoạt động. Bố tôi được công nhận là có công với nước”.

Ông Yên bồi hồi nhớ lại những ngày gian khó. Trên mảnh đất nhà ông, từng chịu bom đạn của cả giặc Pháp lẫn giặc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến… Bất giác, ông Yên dí dỏm kể: “Mà anh có tin, tôi có hai bà mẹ. Bố tôi lấy bà cả, sinh được 3 trai, 2 gái. Sau này, bà cả… đi hỏi mẹ tôi cho bố tôi. Mẹ tôi là người Mường, quê Hòa Bình. Chính mẹ cả là người đỡ đẻ cho mẹ tôi khi sinh tôi ra!”.

Trên tường căn phòng chính ngôi nhà của ông Yên, gần như treo kín ảnh những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975: xe 843, xe 390 và đương nhiên không thể thiếu ảnh chiếc 846 – là chiếc xe trong bức ảnh đi vào lịch sử sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Theo lời ông Yên, khi thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn, ngoài 4 anh em lính tăng, còn có một số lính bộ binh ngồi trên thành xe để phối hợp đánh chiếm mục tiêu. Ông Yên kể: “Sở dĩ bức ảnh xe tăng 846 chỉ hiện được số 6 ở bên  phải thành xe vì con số 84 bị mấy chiếc ba lô của lính bộ binh treo, che khuất. Góc bên phải xe bị mất một phần chắn bùn phía trước. 

Ông Yên kể lại chuyến hành quân đáng nhớ qua địa bàn tỉnh Bình Định.

Nguyên lúc hành quân qua địa bàn tỉnh Bình Định, đêm đó khi đến một khúc cua, xe chúng tôi bị một chiếc xe tải GMC của địch thả trôi từ trên dốc lao xuống chặn đường. Cú va chạm khiến phần chắn bùn bị bẹp dúm, anh em tôi phải dừng xe, dùng búa, kích nạy phần bị bẹp ra rồi tiếp tục hành quân. Vì vậy, bức ảnh của anh Trần Mai Hưởng chụp trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc lập, xe tăng 846 của chúng tôi bị mất một mảng chắn bùn phía trước bên phải”…

Sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị ông Yên di chuyển nhiều nơi, đến năm 1978 ông mới được về phép. Năm ấy ông Yên 25 tuổi nên mẹ giục lấy vợ. Ông chỉ ậm ừ cho mẹ yên lòng nhưng thực sự chưa muốn. Trong những ngày nghỉ phép, anh bộ đội Trần Yên vào Nông trường Quốc doanh Ba Sao chơi và xin được một tờ báo mang về nhà đọc. Trong tờ báo, có bức ảnh chụp 5 nữ công nhân nông trường đang hái dâu, ông Yên đặc biệt chú ý đến nữ công nhân mặc áo trắng góc bên phải ảnh, khuôn mặt tròn trĩnh, trắng trẻo và “xinh nhất”... Ngắm mãi bức ảnh, ông Yên cắt lấy, cất kĩ vào một cuốn sổ ghi chép và luôn đem theo mình.

Trở lại đơn vị đóng quân ở Thừa Thiên Huế, ông Yên nhập vào đội quân tình nguyện sang Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi hoạ diệt chủng. Trên những chặng đường hành quân đuổi giặc, lúc rảnh rỗi ông Yên lại lấy bức ảnh 5 cô gái hái dâu ra ngắm và thầm nghĩ, phải tìm được cô xinh nhất trong ảnh cưới làm vợ.

Ông Yên và tác giả trong một lần thăm rừng na của gia đình.

Năm 1980, ông Yên được ra quân và chính thức trở thành một nông phu trên mảnh đất nặng nghĩa tình của cha mẹ. Đang tuổi thanh niên sôi nổi, ông hăng hái tham gia nhiều hoạt động với các nông trường viên Ba Sao, vừa để giao lưu vừa tìm người trong ảnh.

Quả nhiên, trong một trận giao hữu bóng chuyền, ông Yên đã gặp được “Người trong mộng”. Ông Yên kể: “Hôm đó, thấy ngờ ngợ bà ấy là người trong ảnh, tôi có hỏi anh Ngư, là đội trưởng Đội 3 của Nông trường Ba Sao. Anh Ngư nhớ lại, vài năm trước có nhà báo về thăm, viết bài phản ánh Nông trường Ba Sao. Nông trường có chọn 5 nữ công nhân tươi trẻ để nhà báo chụp ảnh minh họa cho bài viết. Người mà anh tìm, chính là cô Vân, cũng là một cây bóng chuyền đấy”.

Vậy là từ một bức ảnh đăng báo, ông Yên và bà Vân chính thức nên duyên năm 1982. Đôi vợ chồng trẻ quyết “tát cạn bể Đông” nên đã cật lực với đồng đất, bờ bãi để mùa màng thêm tươi tốt, đàn gà, lợn ngày một thêm nhiều… Lần lượt ba đứa con, một gái hai trai ra đời. Vất vả quanh năm, trải bao mùa mưa bão và mấy lần làm nhà, ông Yên không còn nhớ mình đã cất bức ảnh 5 cô gái hái dâu ở đâu.

Người cựu binh Trần Bình Yên luôn hăng say lao động, vui sống ngay trên mảnh đất ông cha để lại.

Ông Yên kể: “Đến năm 2015, trong một lần gặp mặt đồng đội cũ trên chiếc tăng 846, tôi mới lục tìm lại những kỉ vật của mình. Mấy cuốn sổ ghi chép từ lúc tôi đi lính đã bị mối xông mất nhiều chỗ, nhưng may mắn quá, tấm ảnh 5 cô gái hái dâu vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị ố vàng bởi thời gian đã 40 năm”.

Ông Yên lẳng lặng vào nhà lấy các kỉ vật mang ra cho chúng tôi xem. Những trang viết từ nửa thế kỉ và bức ảnh 5 cô gái hái dâu đã bị lớp bụi mờ của thời gian phủ lên nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị kỉ vật gắn bó với một đời người… Ông Yên khoe: “Tôi đặt tên hai thằng con giai là Trần Xuân Bình và Trần Xuân Định, để ghi nhớ địa danh Bình Định, nơi chiếc xe tăng 846 và 4 anh em tôi đã mấy lần hút chết. Nhờ sự may mắn và mưu trí, chúng tôi đã thoát nạn và tiếp tục cuộc hành trình đến Dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/4/1975”.

Ông Yên và tác giả.

Nhớ về những người đồng đội, ông Yên tâm sự: “Chúng tôi may mắn hơn những anh em nằm lại chiến trường. Trên chiếc xe tăng 846 của chúng tôi, anh Hòa trưởng xe từng hai lần bị thương nhưng không được hưởng chế độ thương binh, vì lúc đó chả ai nghĩ đến việc cẩn thận lưu giữ hồ sơ để sau này làm chế độ. Anh Hòa mới mất hồi giữa năm. Anh đang học đại học thì đi bộ đội, sau hòa bình làm giáo viên huấn luyện tăng – thiết giáp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh xin ra quân và không có chế độ gì… Anh Tứ, anh Quý sức khỏe đều yếu. Vài năm trước, địa phương cũng gợi ý tôi làm hồ sơ xin hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng tôi từ chối vì nghĩ mình có sức khỏe, vườn ruộng như thế này thì tập trung mà làm ăn, dành phần chế độ đó cho những anh em khác”.

Ông Yên đưa chúng tôi đi thăm rừng na và vườn rau sắng. Dưới chân dãy núi đá vôi uy nghi ở một góc rừng là căn nhà thờ xây cất khang trang, gần đó có mộ bố và hai bà mẹ của ông Yên. Ông Yên bùi ngùi: “Đây chính là nơi bố tôi nuôi giấu bộ đội, du kích, nên tôi phải xây cất cẩn thận và để ông an nghỉ ở chính mảnh đất này…".

Trở lại nhà, ông Yên cảm động nhận gói quà của mấy anh em Báo CAND, gồm trà, cà phê, bánh kẹo và cuốn lịch Công an nhân dân Xuân Tân Sửu 2021. Ông cẩn thận mở cuốn lịch và treo bên dưới bức ảnh xe chiếc xe tăng 846 đã đi vào lịch sử. Ông Yên ngắm kĩ cuốn lịch rồi nhìn ra khu vườn trải dài tới tận chân dãy núi đá vôi trầm mặc và sừng sững từ ngàn đời nay; ánh mắt ông đầy dấu ấn thời gian và sự hoài cảm của một đời người.

Duy Hiển - Viết Phùng
.
.
.