Sợi chỉ đỏ nối đôi bờ Sê Pôn

Thứ Tư, 26/11/2008, 09:28
"Tình cảm gắn bó keo sơn giữa người dân hai bản, hai dân tộc anh em Việt - Lào bao năm qua không thể nào kể hết được. Chúng tôi luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn kinh tế và giữ vững an ninh vùng biên giới. Đặc biệt những lúc khó khăn hoạn nạn, bà con rất tận tình giúp đỡ nhau, có lon gạo, bát muối đều san sẻ cho nhau", ông Lít Thi Phong, Trưởng cụm bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) bộc bạch.

Máu chảy ruột mềm

Sông Sê Pôn chảy qua 8 xã, thị trấn vùng biên giới của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dài chừng 25km. Mỗi xã, thị trấn ở bên này sông thuộc huyện Hướng Hóa đối xứng với mỗi cụm bản bên kia sông thuộc hai huyện Sê Pôn, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào.

Từ trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền, người dân vùng biên này đã hết mình giúp đỡ lẫn nhau đánh trả kẻ thù, giải phóng quê hương. Suốt hơn 30 năm sau chiến tranh, mối tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn ấy không ngừng phát huy, kết tinh thành sợi chỉ đỏ nối kết bền chặt giữa đôi bờ sông Sê Pôn.

"Còn nhớ cách đây không lâu, biết bản chúng tôi xảy ra hỏa hoạn, Đồn Biên phòng 617 đóng ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa huy động hơn 10 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện chữa cháy, vượt sông Sê Pôn đến chữa cháy.

Tiếp đó, chính quyền và nhân dân xã Xy (Hướng Hóa) cùng các anh Biên phòng Việt Nam mang lương thực, cây và con giống đến giúp đỡ bà con chúng tôi.

Đây không phải là lần đầu tiên bản chúng tôi nhận được sự giúp đỡ kịp thời, ý nghĩa này, mà, người dân xã Xy thường xuyên nhiệt tình giúp đỡ.

Ân tình này, bà con chúng tôi ghi nhớ mãi trong lòng, quyết tâm đoàn kết, gắn bó hơn nữa để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", ông Pả Pay, một người dân bị hỏa hoạn ở bản Ổi, huyện Mường Nòng tâm sự.

Bao năm qua tình cảm gắn bó thắm thiết giữa người dân các huyện Sê Pôn, Mường Nòng, Hướng Hóa đã không ngừng phát triển, dệt nên bao câu chuyện cảm động về tình nhân ái, về việc làm ý nghĩa của những con người luôn có chí hướng xây dựng quê hương mình trở nên no ấm, hạnh phúc.  

Ròng rã hơn 30 năm nay, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trạm trưởng Y tế Lao Bảo (Hướng Hóa) không quản ngại khó khăn gian khổ, vượt dòng Sê Pôn, kể cả vào mùa mưa lũ đến các bản bạn của huyện Sê Pôn để cứu người bị bệnh.

"Nghe tin mẹ Thúy đến là bà con mình lần lượt kéo đến khám chữa bệnh. Mẹ Thúy chữa bệnh mau khỏi, lại không lấy tiền nên bà con mình thường mang theo con gà, con vịt mong mẹ mang về làm quà, nhưng mẹ chưa bao giờ chịu nhận của bà con mình bất cứ thứ gì. Về sau, mẹ còn la mắng rất nhiều, nói việc cứu người là trách nhiệm và tình cảm của mẹ, là mong muốn của đồng bào Hướng Hóa đối với bà con dân bản...", chị Pỉ Nhung, một người dân ở bản K Túp, huyện Sê Pôn kể.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Bản Ka Tăng một sớm tháng 10, một số phụ nữ, nam thanh niên mang các loại cây lâm nghiệp, ăn quả qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đi về phía bản Đen Sa Vẳn. Thiếu tá Lê Quốc Hưng, cán bộ dân vận, Đồn Biên phòng Lao Bảo vui vẻ cho biết, bà con mang cây giống sang đó hỗ trợ cho bản bạn.

Hằng năm cứ đến tháng 10, đất đai nhờ mưa trở nên ẩm ướt, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp là bà con bên này mang cây giống giúp đỡ bà con bên kia. Không chỉ có vậy, suốt bao nhiêu năm nay, hễ bà con bản bạn, hay bản mình gặp khó khăn về kinh tế, họ đều giúp đỡ lẫn nhau từ lon gạo cho tới hạt muối. Việc làm này đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người dân hai bản, hai dân tộc anh em.

Ông Hồ Văn Hồng, Trưởng thôn Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cho hay: "Bản mình có 150 hộ dân với 650 nhân khẩu, không phải đời sống của bà con khấm khá như hôm nay mới giúp đỡ bà con bản bạn ở Đen Sa Vẳn, mà sự giúp đỡ này có từ lâu lắm rồi, từ lúc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cho đến hôm nay."

Mỗi lần qua đó vui lắm, không chỉ có bà con ở bản mình đâu, mà đông đảo người dân ở các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa như Thanh, Thuận, Xy đều có mặt ở đó, mang theo nhiều giống cây lâm nghiệp và phân bón cần thiết cho người dân bản bạn", ông Hồng tiết lộ.

Đại úy Mã Phương Trình, Chỉ huy trưởng Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tâm sự: "Do điều kiện địa bàn rừng núi hiểm trở, trình độ dân trí ở các xã vùng biên giới Hướng Hóa còn thấp, chúng tôi chủ yếu hướng dẫn bà con cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho bà con, qua đó bà con có điều kiện cải thiện cuộc sống trở nên tốt hơn... Mối đoàn kết ấy diễn ra một cách rất tự nhiên, được người dân hai bên giữ gìn và phát huy từ đời này sang đời khác, gắn bó với nhau như ruột thịt anh em".

Ông Lít Thi Phong, Trưởng cụm bản Đen Sa Vẳn tự hào nói: "Sự gắn bó ấy không chỉ giúp người dân vùng biên giới các huyện Sê Pôn, Mường Nòng, Hướng Hóa sống vui vẻ, hạnh phúc hơn về tình cảm, mà còn cùng giúp đỡ lẫn nhau xây dựng quê hương ngày một trở nên giàu đẹp hơn về vật chất"

Phan Thanh Bình
.
.
.