Số phận những đứa trẻ lạc trong chiến tranh

Thứ Năm, 17/03/2005, 14:06
Từ một đứa trẻ lạc, nhờ sự đùm bọc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Ama Noa trưởng thành. Vợ chồng Ama Noa đang làm chủ một cơ ngơi gần 10 ha ruộng lúa, nương rẫy và đàn bò hơn 20 con...

Ksor Minh, còn tên gọi Ama Noa được xem là “thần tượng” của dân ở buôn Prong, xã Ia Mlá. Người anh nuôi của Ama Noa là Ksor Tlang được coi là người giàu có và giỏi giang trong buôn nhưng cũng kính nể em trai Ama Noa: “Việc gì nó làm cũng giỏi, chẳng bao giờ chịu ngồi yên!”.

Người đã có công nhặt và nuôi cậu bé Minh (Ama Noa), ông Rơ Lan Sơp bộc bạch: “Cách đây 30 năm (năm 1975), buổi sáng hôm ấy đi gùi lúa, trên đường qua rừng Hmui, tình cờ tôi nghe có tiếng trẻ khóc. Tôi dừng lại quan sát thấy thằng bé vừa kêu cứu vừa chạy về hướng tôi. Lúc ấy, Ama Noa chỉ khoảng 5 tuổi. Nó bảo tên nó là Minh và đã bị bố mẹ bỏ rơi...”. Thương đứa trẻ thơ, Rơ Lan Sơp đã đưa thằng bé về nuôi.

Rơ Lan Sơp ở rể nhà mẹ Ksor H'Nú nên khi đưa cháu về đây phải xin ý kiến mẹ và vợ. Thấy đứa bé tội nghiệp, cả nhà đều khóc. Mẹ Ksor H'Nú bảo: “Amí (mẹ) con đông, nhà không có gạo ăn nhưng từ nay con cũng là con của amí”. Nghe bà Ksor H'Nú bảo thế, thằng bé không hiểu gì nhưng chạy thẳng vào ôm chầm lấy bà. Bà H'Nú đón nhận nó trong vòng tay yêu thương, trìu mến. Kể từ đó, thằng bé thất lạc mang tên mẹ và có tên họ đầy đủ là Ksor Minh.

Trong hai tháng đầu, thằng bé chưa quen cách ăn uống của mẹ nên bị bệnh nặng. Tóc nó rụng gần hết. Mẹ bảo các anh đi hái lá thuốc ở rừng về cho em uống. Năm tháng đi qua, theo chân lũ trẻ trong làng Jơ Rai, thằng bé Minh khôn lớn từng ngày...  Năm 1982, có thầy giáo từ thị xã Kon Tum chuyển công tác về Krông Pa, Gia Lai giảng dạy. Tình cờ, thầy giáo biết được Ksor Minh là đứa trẻ bị lạc ở rừng khi gia đình tháo chạy năm 1975.

Hay tin con mình còn sống, cả gia đình ông bà Khéo cất công tìm về buôn Prong để gặp Minh. Gặp được con trai như một điều kỳ diệu, gia đình bà Khéo đã làm thịt một con bò đực to và mua 5 ghè rượu để tạ ơn gia đình mẹ H'Nú. Ksor Minh gặp lại gia đình mà rưng rưng nước mắt hạnh phúc. Cả nhà bảo Minh xin phép mẹ nuôi để về với gia đình. Nhưng Ksor Minh nói với bố mẹ đẻ: “Đừng bắt con về! Con đã quen với buôn làng rồi...!”.

Bố mẹ Ksor Minh đành nghe theo. Rồi năm 20 tuổi, có người con gái xinh đẹp trong làng mang tên Kpă H'E đến xin "bắt" Minh về làm chồng. H'E nết na, xinh đẹp. Tuy mồ côi cha mẹ từ sớm, nhưng H'E đã chịu khó làm ăn và lập nên cơ nghiệp lớn và cô được xem là người siêng năng nhất buôn. Ksor Minh bảo rằng: “Mình yêu cái tính nhanh nhẹn của H'E”.

Bây giờ, vợ chồng Minh đã có 3 mặt con khôn lớn, gia đình giàu có, hạnh phúc... Còn mẹ H'Nú thì luôn tự hào rằng mình đã nuôi dạy được thằng con giỏi và ngoan.

Người thứ hai có hoàn cảnh tương tự Minh là một y sĩ đang công tác ở Bệnh viện khu vực xã Ia Siêm (Krông Pa, Gia Lai). Chị là một phụ nữ Kinh xinh xắn nhưng mang tên “rất Gia Rai” là Ksor Phi Ly.

Ksor Phi Ly và gia đình bên ngôi nhà của mình.

Rơm rớm nước mắt, chị kể về những ngày tháng còn thơ: “Khi bị thất lạc, chị mới tròn 3 tuổi, được cậu Ksor Cach nhặt ở bờ sông Ba đem về cho mẹ Ksor H'Rưng chăm sóc”. Nói đến mẹ nuôi, Phi Ly lại khóc nhớ thương mẹ. Phi Ly kể: “Mẹ H'Rưng đã qua đời năm 2002. Lúc còn sống, mẹ quý chị như vàng”.

Nhắc đến gia cảnh của mẹ, không ai không cảm động. Chồng mất sớm, mẹ H'Rưng còn rất trẻ nhưng không bắt chồng nữa mà kiên quyết ở vậy nuôi con. Khi người cậu Ksor Cach nhặt Phi Ly về, mẹ H'Rưng đã gồng mình nuôi hai con nhỏ cùng chị cho đến ngày khôn lớn. “Dẫu phải vắt cạn kiệt những giọt sữa non, mẹ H'Rưng cũng nuôi Phi Ly cho thành người” - Phi Ly kể về mẹ như thế.

Được ít năm sau khi ở với mẹ nuôi, có người Kinh từ nơi khác đến buôn Bang, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa này để tìm con thất lạc trong chiến tranh. Sợ phải xa mẹ nuôi và rời làng nên cô bé đã chui vào thùng, trốn. Đến năm 1987, bố mẹ đẻ Phi Ly biết tin con gái mình là Nguyễn Thị Thúy Hằng (tên bố mẹ đẻ đặt cho Phi Ly) còn sống, đã lặn lội từ Thủ Đức, Tp. HCM tìm đến buôn Bang để được gặp con.

Trước sức ép của bố mẹ, Phi Ly về Thủ Đức sống với gia đình nhưng chưa được một năm thì chị lẻn trốn trở về với mẹ nuôi. “Mình nhớ mẹ H'Rưng quá không sao xa được!”. Rồi từ đó, ngày đêm Phi Ly cùng mẹ nuôi, hòa mình trong cuộc sống buôn làng, vừa lao động, vừa ăn học cho đến ngày “công thành danh toại”.

Bây giờ Phi Ly là y sĩ, có công ăn việc làm ổn định, lấy chồng và sinh được một đứa con trai 9 tuổi. Kinh tế thuộc hạng giàu có nhất buôn, cuộc sống gia đình hạnh phúc và Phi Ly suốt đời biết ơn mẹ H'Rưng.

Trong về Tây Nguyên công tác, tôi còn gặp những người có cùng hoàn cảnh là những đứa trẻ thất lạc năm 1975 như Phi Ly, Ksor Minh và đã được bà con dân tộc thiểu số ở đây đưa về nuôi dưỡng sau 30 năm khôn lớn trưởng thành, nhưng cho đến mãi bây giờ vẫn không biết được gia đình, những người đã sinh ra họ ở đâu.

Trong số đó có Ksor Miên (33 tuổi); Kpă H'Dui (30 tuổi); Ksor H'Klum (31 tuổi) hiện đã có gia đình và sinh sống ở buôn Bang và buôn Nu (Ia Siêm - Krông Pa - Gia Lai). Không chỉ dừng lại ở những tên tuổi đã nêu mà chúng tôi được biết còn có cả danh sách hàng chục những đứa trẻ thất lạc vì chiến tranh hiện đã thành công dân ở các buôn làng Tây Nguyên (chủ yếu là địa bàn các huyện Ayun PaKrông Pa)

Đặng Ngọc Như
.
.
.