Số phận bài thuốc gia truyền của “vua voi” Ama Kông

Thứ Hai, 03/11/2008, 14:42

Sự tồn tại của bài thuốc gắn với thương hiệu "vua voi" Ama Kông hàng chục năm qua đã làm cho nhiều người tận dụng được cơ hội kinh doanh và trở nên giàu có. Riêng gia đình Ama Kông thì vẫn nghèo và bị phía Sở Y tế Đắk Lắk cấm bán thuốc gia truyền này.

Đã nhiều năm qua, tên tuổi về bài thuốc gia truyền của "vua voi" Ama Kông được nhiều người biết đến và nó đã trở thành món quà đặc trưng của Tây Nguyên dành cho giới "mày râu". Thế nhưng, số phận của bài thuốc ấy cũng thật nghiệt ngã như phận đời "vua voi" và đến giờ vẫn chưa yên ổn dưới bàn tay của con người.

Biệt danh "vua voi" Ama Kông với thành tích săn bắt 298 con voi rừng và có 4 người vợ 21 đứa con. Thành tích dẻo dai, sung mãn ấy của Ama Kông gắn với bài thuốc gia truyền tráng dương, bổ thận đang được xem là vấn đề "nóng" trong việc công nhận tính hợp pháp và hợp lý của nó.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phồi, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk cho biết, bài thuốc gia truyền này được vua Lào truyền lại cho Ama Kông. Sự tồn tại của bài thuốc gắn với thương hiệu "vua voi" Ama Kông hàng chục năm qua đã làm cho nhiều người tận dụng được cơ hội kinh doanh và trở nên giàu có.

Riêng gia đình Ama Kông thì vẫn nghèo. Là người nổi danh lừng lẫy, bây giờ đã bước sang cái tuổi ngoài 90, gần đất xa trời nhưng Ama Kông cùng vợ con chỉ được sống trong căn nhà sàn cũ kỹ và cuộc sống thường ngày chỉ biết nhờ vào sự ghé thăm của khách du lịch... Thế nhưng, xung quanh ông có không ít người chăm chăm vào bài thuốc gia truyền ấy mà trục lợi bằng mọi cách.

Một thời, bác sĩ Hồ Việt Sang đã bày ra đủ trò để nhằm chiếm trọn quyền thừa kế bài thuốc này của Ama Kông. Con trai Ama Kông là Khăm Phét Lào đã phải lặn lội khắp các cơ quan pháp luật để kiện bác sĩ Hồ Việt Sang đòi lại quyền công lý. Đợi đến khi tòa hòa giải, yêu cầu không cho bác sĩ Hồ Việt Sang kinh doanh bài thuốc này nữa, thì cũng đủ thời gian để ông ta kiếm tiền một cách khấm khá lắm rồi. Thế nhưng ông Sang chỉ bồi thường cho Ama Kông có 2 triệu đồng, theo sự phân giải của tòa.

Không chỉ ông Sang, mà ở Đắk Lắk, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán các loại rượu Ama Kông, thuốc Ama Kông một cách công khai. Thế nhưng, phía Sở Y tế Đắk Lắk thì cấm gia đình Ama Kông bán thuốc gia truyền này. Tuy không có quyết định hẳn hoi về việc cấm, nhưng trong biên bản làm việc ngày 8/9/2008 giữa Đoàn Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk với ông Khăm Phét Lào (con trai Ama Kông) đã kết luận không cho phép quảng bá, lưu hành bài thuốc gia truyền Ama Kông khi chưa được sự cấp phép của ngành Y tế.

Trong khi đó, ngành Y tế Đắk Lắk lại cấp phép cho 2 cơ sở được công bố rượu Ama Kông gồm: Rượu màu Ama Kông do cơ sở Biệt Điện công bố và rượu Yok Đôn do cơ sở Cư M'gar công bố. Tuy hai loại rượu này công thức không hoàn toàn giống như bài thuốc của Ama Kông nhưng có sự kế thừa từ đó và cũng đã dùng thương hiệu Ama Kông để giới thiệu, bày bán.

"Vua voi" Am a Kông hằng ngày ngồi ở nhà đợi khách.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phồi khẳng định, bài thuốc gia truyền có tác dụng cường dương bổ thận này thuộc sở hữu của Ama Kông. Một đề tài sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học cơ bản của một số cây thuốc dân tộc bản địa ở Đắk Lắk do Tiến sĩ Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Huế chủ nhiệm đề tài thực hiện từ năm 2002 đến 2004 cũng đã xác định, kết quả trong số 12 nhóm cây nghiên cứu có 2 loại cây sử dụng trong bài thuốc gia truyền của Ama Kông là "Tơm Trưng và Tơm Nglena" mọc ở Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk.

Hai loại cây thuốc này có tác dụng số một trong việc bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương, chữa đau lưng nhức mỏi. Điều ấy cho thấy giá trị thực về bài thuốc gia truyền của Ama Kông là rất lớn. Đích thân ông Y Luyện (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã có văn bản chỉ đạo Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk vận động kế thừa bài thuốc để lưu giữ muôn đời. 

Có điều bức xúc hiện nay khi giải quyết những vụ kiện cáo tranh giành quyền lợi từ bài thuốc gia truyền này rất khó khăn vì chưa đăng ký thương hiệu bản quyền.

Trao đổi với PV Báo CAND về việc cấp phép lưu hành bài thuốc, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nguyễn Phi Tiến cho rằng còn đang trong quá trình hướng dẫn, xem xét. Tuy nhiên, khi hỏi về việc cấp phép cho các loại rượu có thương hiệu từ bài thuốc Ama Kông có vi phạm bản quyền và tính kế thừa không thì ông Tiến không trả lời.

Thực tế, nhu cầu xã hội, nhu cầu người tiêu dùng rất lớn về bài thuốc này nên đã tạo cho bài thuốc gia truyền của "vua voi" Ama Kông có một thương hiệu nhất định, nhưng về mặt pháp lý thương hiệu thì đến giờ vẫn chưa có. Đây cũng là sự thiệt thòi lớn cho Ama Kông và gia đình ông đã lưu truyền bài thuốc này từ nhiều năm qua, trong khi đó sự giàu có thuộc về nhiều người khác đã trục lợi từ bài thuốc quý này

Ngọc Như
.
.
.