Sinh viên y khoa vẫn thiếu xác để thực hành

Thứ Ba, 08/03/2005, 07:45
Ca ghép thận đầu tiên trên thế giới được thực hiện thành công vào năm 1954. So với thế giới, ngành ghép mô tạng ở nước ta tụt hậu 40 năm. Sinh viên trường Y vẫn  phải học "chay" khi thiếu xác để thực hành. Bao giờ chúng ta mới theo kịp những tiến bộ của y học thế giới?

Ca ghép da (ghép mô) đầu tiên ở nước ta được được tiến hành vào năm 1965 tại Khoa Chấn thương của Bệnh viện 108. Những ca ghép mô thời kỳ này chủ yếu là ghép da cho bộ đội bị bỏng. Nói về ghép da, chúng ta không thể không nhắc tới vị giáo sư danh tiếng trên thế giới bởi ông đã có sáng kiến mang tính khoa học và thực tiễn đối với hoàn cảnh đất nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông được mệnh danh là "Giáo sư da ếch".

Đó là Giáo sư Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn ghép tạng quốc gia, Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Ngày đó, các nước tiên tiến trên thế giới đều dùng da lợn hoặc da người để cấy ghép da cho người bị bỏng. Nhưng thời chiến tranh, làm sao mà có được hai loại da đặc biệt này? Giáo sư Trung đã nghĩ ra một "độc chiêu" là lấy da ếch thay thế.

Ếch thời đó đầy đồng, bắt về phần da để lại, phần thịt cho bộ đội ăn. Giáo sư Trung đã dùng da ếch đắp lên vết bỏng cho thương binh. Cứ một vết bỏng đắp hai miếng da ếch, một miếng da người. Xen kẽ như thế, nhưng vết bỏng lại kín miệng nhanh, lên da non và đẹp. Hòa bình rồi nhưng "độc chiêu" này vẫn được sử dụng.

Phát minh của Giáo sư Trung đã được đồng nghiệp trên thế giới vô cùng ngưỡng mộ. Về công nghệ cấy ghép tế bào mô, theo Giáo sư Trung thì chúng ta đang cố gắng để đạt đến trình độ cao. Giác mạc mắt là một trong những công nghệ khó nhưng chúng ta cũng đã ghép được. Hiện ta đã nuôi cấy được tế bào sừng để tiến tới kiến tạo da nhân tạo và nuôi cấy được tế bào tủy xương để truyền cho người bị ung thư máu.

Tuy thế, chúng ta đang đứng trước một thực tế khó khăn, đó là ngành cấy ghép tạng. Tạng là những cơ quan đặc biệt của cơ thể, rất cần thiết cho sự sống. Tháng 6/1992, ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Nhưng ca đầu tiên này chúng ta phải chuyển giao công nghệ (do Giáo sư Chu Su Li, Tổng Thư ký Hội Ghép tạng châu Á là bác sĩ mổ chính). 7 ca ghép thận tiếp theo, chúng ta chỉ đứng xem để học hỏi hoặc phụ mổ. Đến ca thứ 8 thì các giáo sư, bác sĩ  người Việt Nam mới chính thức bắt tay vào thực hiện, bệnh nhân là anh Lê Thanh Nghiêm, ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Đến nay (13 năm), chúng ta đã thực hiện được trên 150 ca ghép thận. Đây là con số quá ít ỏi nếu so với các nước trong khu vực (Hàn Quốc 1 năm ghép 1 nghìn ca...). Ghép tạng là một trong 10 thành tựu lớn nhất của khoa học công nghệ thế kỷ XX. Việt Nam đã vươn được đến thành tựu này, quả là sự nỗ lực không mệt mỏi của những y, bác sỹ giầu lòng nhiệt huyết. Nhưng người thực hiện được lĩnh vực này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đào tạo những bác sỹ ngoại giỏi trong tương lai là điều vô cùng cấp bách.

Sinh viên không có điều kiện cầm dao mổ vì thiếu xác

Có một thực tế mà ít người biết đến là xác cho sinh viên thực hành ở các trường Y luôn luôn khan hiếm. Ông Nguyễn Trần Quýnh, Phó trưởng bộ môn giải phẫu, Trường Đại học Y đưa cho tôi xem một tập thư của công dân tình nguyện hiến xác cho khoa học sau khi chết.

Ông bảo, hơn 100 lá đấy, nhưng để lấy được một hai xác quả là khó. Trường hợp cô H. là người độc thân, trước khi chết, cô đã gửi đơn tình nguyện hiến xác cho khoa học. Nhưng đến nay đã gần 3 năm, xác cô vẫn phải bảo quản nguyên vì một số bạn bè ở trại dưỡng lão thỉnh thoảng lại đến đòi xem, không cho nghiên cứu khoa học...

Một bác sỹ ngoại khoa có trở thành bác sỹ giỏi hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào việc bác sỹ đó có được học, được thực hành trên xác hay không. Trường Đại học Y bình quân 1 năm chỉ nhận được 1 xác hiến cho nghiên cứu, học tập. Đa số những người hiến xác này là độc thân, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn... Cái khó hiện nay khi nhà trường có phối hợp với một số bệnh viện xin xác những người chết vô thừa nhận... nhưng nhiều khi không thực hiện được bởi xác đó còn nghi liên quan đến hình sự...

Theo ông Quýnh thì sinh viên Trường Y được thực hành trên xác nạn nhân rất hạn chế vì trường chỉ có thể sử dụng 3 xác/500 sinh viên mỗi năm. Một con số khập khiễng đến khó tin. Do vậy, sinh viên được trực tiếp cầm dao mổ trên xác là không thể thực hiện được. Sinh viên vẫn phải học "chay", chỉ được thầy phân tích lại khi xác đó đã được chuẩn bị (phẫu tích) rồi.

Chữ tâm và tránh thương mại hóa

Việc hiến mô, lấy mô bảo quản và ghép mô nhằm mục đích chữa bệnh cứu người về đạo lý là một việc làm nhân đạo cao cả, cần được cộng đồng đồng thuận và cần có cơ sở pháp lý. Thực tế đã chứng minh thời gian sống sau ghép ngày càng dài. Người được ghép thận trên thế giới đã sống được 40 - 45 năm; ghép gan sống được 20 - 25 năm.

Giáo sư Trung rạng rỡ khi kể về những người đang mang trong mình một bộ phận cơ thể của người khác với niềm tự hào, niềm tin lớn lao vào môn khoa học cứu người này. Được biết, chi phí cho một ca ghép thận ở Việt Nam là 30 triệu, trong khi ghép ở Trung Quốc từ 300-400 triệu đồng. Ghép gan ở các nước châu Âu chi phí một ca từ 2,5 - 3 tỉ đồng, còn ở Việt Nam, ca đầu tiên là hơn 1 tỉ đồng.

Giáo sư Trung nhận được rất nhiều thư người ta muốn bán tạng (nhiều nhất vẫn là bán thận). Ông bộc lộ sự lo lắng nếu tính thương mại hóa của ngành ghép tạng xảy ra. Tình trạng một số người dân vào bệnh viện xin "bán thận" đã xuất hiện ngày một nhiều. Đây là vấn đề mang tính con người, việc làm thiện. Do vậy, ngành Y tế cũng phải thực hiện đúng tính nhân đạo, không để xảy ra vụ lợi...

Để hàng nghìn bệnh nhân có cơ hội được sống và để ngành ghép mô, tạng của Việt Nam theo kịp sự phát triển chung của nhân loại, rất cần có luật. Phải có một hành lang pháp lý thì người dân mới hiểu hết việc làm nhân đạo cao cả này.

Người bệnh đang "khát" mô, tạng
Quà của sự sống

Mai Hạ - Nhật Minh
.
.
.