Sẽ sớm tôn vinh những người có công

Thứ Hai, 17/08/2009, 15:47
Sau khi Báo đăng bài "Gần 400 dân công đang đắp đê sông Mã hy sinh vì bom Mỹ", chúng tôi đã nhận được phản hồi của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về sự kiện này.

"Chúng tôi đang rất nghiêm túc và khẩn trương trong công việc xác định các tư liệu, nhân chứng về sự kiện ngày 14/6/1972, gần 2.000 dân công đang đắp đê sông Mã đoạn Hàm Rồng - Nam Ngạn (Thanh Hóa) bị máy bay Mỹ ném bom. Vì nhiều lý do, công việc còn đang bề bộn lắm. Nhưng các cấp, các ngành và nhân dân đều rất tích cực với nguyện vọng sớm tôn vinh cho những người đã hi sinh vì Tổ quốc"- Ông Lê Thế Đạo, Chánh Văn phòng Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết.

Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, sau khi bài viết về sự kiện này đăng trên Báo CAND số 1472 ngày 7/8/2009.

Những điều ít biết về "Đội dân công cảm tử"

Chúng tôi tìm đến căn nhà đơn sơ tại Ngã Ba Chè (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gặp ông Lê Viết Thường (80 tuổi). Ngày 29/5/1972, ông Thường đang là Trưởng phòng Tổ chức của Trường Y sĩ Thanh Hóa (Bộ Y tế), nhận được quyết định điều động 250 cán bộ, học sinh của trường đi cứu đê Hàm Rồng - Nam Ngạn. Trường Y sĩ Thanh Hóa khẩn trương họp bàn, lập kế hoạch chi tiết để cử người vào đội dân công đắp đê.  

Danh sách học sinh Trường y sĩ Thanh Hóa bị chết và bị thương nặng do ông Lê Viết Thường cung cấp.

Lật giở những tập tài liệu viết tay hoặc đánh máy chữ trên giấy đã vàng ố màu, ông Lê Viết Thường cho biết thêm: "Việc huy động lực lượng nhanh chóng lắm, vì mọi người đều có tinh thần và quyết tâm cao nhất phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, không quản ngại gian khổ hi sinh. Chúng tôi ưu tiên học sinh của 7 lớp năm thứ nhất và thứ hai, vì học sinh năm cuối đang chuẩn bị ra trường. Và chỉ chọn những em có đủ sức khỏe. Có 258 em học sinh cùng 29 cán bộ (vượt chỉ tiêu), tự túc chuẩn bị dụng cụ lao động, lên đường. Tôi còn nhận được rất nhiều lá đơn viết bằng máu, rất nhiều nước mắt của các học sinh không đủ sức khỏe nhưng thừa nhiệt tình xin tham gia vào đội dân công cảm tử. Xác định rõ hiểm nguy phía trước, những học sinh được chọn vào đội "dân công cảm tử" đều gói ghém tất cả tư trang, từ lá thư, con tem, chiếc cặp tóc…, rồi ghi thư đề tên tuổi và lời nhắn cho gia đình, gửi lại Ban Giám hiệu nhà trường. Trước hôm chia tay, các em ca hát thâu đêm, dặn dò bạn thân, giải quyết các khúc mắc riêng tư với các bạn khác…, để sáng hôm sau (ngày 5/6) nhẹ lòng lên đường làm nhiệm vụ".

Tất cả các tài liệu của chuyến đi định mệnh ấy, từ danh sách tên tuổi, lớp, đến giờ giấc, kế hoạch làm việc, ai xin nghỉ ốm…, đặc biệt là các giấy tờ liên quan đến sự kiện ngày 14/6/1972, ông Lê Viết Thường còn lưu giữ rất cẩn thận. Sau trận bom, có 32 học sinh của Trường Y sĩ Thanh Hóa bị hi sinh (6 người không tìm thấy xác). Không tính mức độ bị thương vừa và nhẹ, có 53 người bị thương nặng.

Những người hi sinh đều được truy điệu, an táng tại nghĩa trang và được công nhận là liệt sĩ ngay sau đó. Điều đáng nói là, trong số 32 học sinh hi sinh, có 2 người sinh năm 1946 (26 tuổi), còn lại 17 người chưa đến tuổi 20 (sinh năm 1952, 1953), có 6 nam và tới 26 nữ. Trong số 53 người bị thương, cũng có tới 47 người là nữ.

Những khó khăn trong công tác xác định sự kiện

Xác định từng trường hợp cụ thể để tôn vinh, tri ân là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND giao cho các ngành, các cấp và Ban liên lạc các nhân chứng ngày 14/6.

Trong buổi gặp mặt khoảng 150 nhân chứng trong phạm vi gần TP Thanh Hóa, có thể khẳng định, có nhiều người hy sinh và bị thương hơn so với văn bản báo cáo, cũng có nhiều đơn vị tham gia hơn. Một giáo viên khẳng định đã đếm được 295 người chết ngay trong ngày xảy ra.

Một nhân viên y tế kể có gần 140 người bị chết sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu của tỉnh. Một thân nhân người bị nạn kể đã đếm được khoảng 180 người đem đi mai táng ở nghĩa trang thị xã. Những người ở xã Quảng Trạch (huyện Quảng Xương) nói rằng, riêng xã này đã có 20 người chết. Lại có nhiều người chết sau khi bị thương hoặc bị sức ép từ 3 ngày trở đi... Có hơn 30 xã thuộc Đông Sơn và Quảng Xương tham gia...

Chùm hoa huệ trắng cho sự hi sinh cao cả

Về ý tưởng kỷ niệm sự kiện 14/6, chính quyền và người dân Thanh Hóa đều coi đây là việc phải làm, phải tôn vinh trong các lần kỷ niệm chung "Chiến thắng Hàm Rồng" (ngày 3 và 4/4/1965). Các ý kiến đều đồng thuận với việc cần phải xây dựng một quần thể các công trình tưởng niệm. Họa sĩ Phan Bảo đưa ra ý tưởng về 5 công trình (biểu tượng, đền thờ, nhà trưng bày, nhà giải vũ, sân tập kết) có qui mô khoảng 3ha.

Trong đó, biểu tượng các thanh nữ tham gia công tác hộ đê chống lụt trong thời kỳ chiến tranh, nhấn mạnh tinh thần thanh thản, cao cả, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và vẻ đẹp có học vấn của đội ngũ các thanh nữ ấy. Biểu tượng này đúc bằng đồng, đặt ngay trên chỗ mỏm sông bên ngoài đê, nơi Ban Chỉ huy công trường đóng, theo bản đồ ghi chép ngày 15/6/1972.

Bên trong đê, có thêm một đền có cấu trúc bằng thép và thủy tinh hình một bông hoặc một chùm hoa huệ trắng, thờ các liệt sĩ đã hi sinh, có khắc tên đầy đủ các liệt sỹ ấy, đặt ở trung tâm công trường, nơi mật độ bom dày đặc nhất, theo bản đồ ghi chép ngày 15/6/1972.

"Các công trình khác nên có tinh thần hiện đại và trẻ trung nhất. Do đây là công trình xây dựng theo hướng xã hội hóa, nên việc kêu gọi nhân dân, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp rất cần thiết. Tôi cho rằng: Lớp người đi trước, đều hi sinh ở lứa tuổi hai mươi, nên chăng cần tổ chức các cuộc thi ý tưởng, thiết kế…, mà đối tượng tham gia là thanh, thiếu niên. Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống cho các em, để các em có trách nhiệm hơn, sẵn sàng hơn với nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho thế hệ mình" - Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Bảo nhấn mạnh 

Lê Quân
.
.
.