Sẽ có Khu tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ "Hà Thành đầu độc"

Thứ Bảy, 25/07/2009, 16:27

Vụ hàng chục người đầu bếp (cả các ông đồ, thầy lang, cô bán hàng và binh lính người Việt phục vụ trong quân đội Pháp) thực hiện vụ "Hà Thành đầu độc" khiến cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hồn đã ám ảnh rất nhiều người trong và ngoài nước suốt hơn 100 năm qua. Câu chuyện 49 người bị bắt và kết án thảm thương cùng những bức ảnh chém đầu, bêu đầu các nghĩa sĩ trong rọ tre vẫn còn ám ảnh cho đến hôm nay.

Thế nhưng, các vị tuấn kiệt của non sông trong vụ “Hà Thành đầu độc” đã được chúng ta đối xử không mấy công bằng: Trong chính sử, chiến công của họ chỉ được ghi nhận vài dòng như kiểu "liệt kê" sự kiện.

Hôm nay, sự thể đã bắt đầu khác đi với những sử liệu vô giá được tìm thấy, với nỗ  lực đáng cảm kích của UBND TP Hà Nội trong việc xây dựng khu tưởng niệm các nghĩa sĩ “Hà Thành đầu độc”.

Hà Nội có thiếu chỗ để xây dựng một nơi tưởng niệm hay không?

Nói như Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc: "Điều hết sức vô lý là tại sao những con người như thế (trong vụ “Hà Thành đầu độc” - PV) lại bị đối xử như vậy? Chúng ta có cả một nghĩa trang liệt sĩ, đất đai của Hà Nội có thiếu chỗ để chúng ta xây dựng một cái nơi tưởng niệm hay không? Điều này ít nhất đã 5 năm nay (kể từ khi báo chí lên tiếng) gây nhức nhối trong số những người hiểu biết. Tôi rất muốn đề nghị, các nhà lãnh đạo Hà Nội, các cơ quan có trách nhiệm, hãy quy tập các ngôi mộ trên vào một địa điểm xứng đáng để chúng ta có thể tưởng nhớ tới những người có công với nước - những người xứng đáng với danh vị liệt sĩ. Chúng ta đã công nhận liệt sĩ cho các danh sĩ từ trước khi có Đảng, như cụ Nguyễn Thái Học, cụ Hoàng Hoa Thám..., tại sao những người như ông Đội Nhân, những người nghĩa sĩ này không được công nhận liệt sĩ?".

Nhiều tác phẩm báo chí, nhiều đơn kiến nghị, nhiều trăn trở, liên quan đến sự kiện lịch sử bi tráng, kiêu hùng mang tên “Hà Thành đầu độc” đã thấu đến những người có trách nhiệm ở Hà Nội. Giữa năm 2009, cảm kích trước lá đơn khẩn thiết như chứa cả máu và nước mắt của ông Nguyễn Thế Nữu, một người già ở miền quê chiêm trũng tỉnh Hà Nam, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công văn chính thức yêu cầu cơ quan hữu trách lập phương án "tôn tạo khu mộ liệt sĩ anh hùng “Hà Thành đầu độc” (từ ngữ nguyên văn).

Do thế, vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã tổ chức một hội thảo quy mô mang tên: "Hội thảo Khoa học về Phương án tôn tạo phần mộ các chiến sĩ trong vụ “Hà Thành đầu độc”. Tới dự có lãnh đạo Hà Nội, chủ trì là Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, cùng các nhà sử học, nhà khoa học, nhà Hà Nội học danh tiếng như Nguyễn Vinh Phúc, Phạm Mai Hùng, Nguyễn Hải Kế...; Cục Di sản văn hóa, nhiều cán bộ cấp sở, cấp quận, xã phường liên quan (phần mộ các liệt sĩ ít nhất nằm ở 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Mai của Hà Nội), Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Cựu chiến binh TP, Ban Tang lễ TP, nhiều cán bộ văn hóa, các nhà viết sử làng, LĐ-TB&XH...; cùng thân nhân, dòng họ của những người anh hùng trong vụ “Hà Thành đầu độc”.

Hãy xứng đáng với những đấng anh hùng đã hy sinh trong vụ “Hà Thành đầu độc”

Phần mộ 9 nghĩa sĩ trong vụ "Hà Thành đầu độc" đang nằm ở góc vườn hoang nhếch nhác trong khuôn viên của nhà dân.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Quốc gia (Hà Nội) rưng rưng đem đến hội thảo một công trình khoa học về vụ “Hà Thành đầu độc”, có tựa: "Xứng đáng với những đấng anh hùng đã hy sinh trong vụ “Hà Thành đầu độc”. Ông Kế thẳng thắn: "Dĩ nhiên, không phải đợi đến 100 hay 101 năm sau, đến hôm nay, người Việt Nam mới nhớ tới các nghĩa sĩ quên mình cho tương lai tươi sáng của dân tộc đó. Đương thời (khi các nghĩa sĩ vụ “Hà Thành đầu độc” bị xử chém là năm 1908), không phải chỉ cụ Phan Bội Châu tụng ca, lấy đó làm tấm gương, truyền lửa và chí anh hùng cho mọi người... Năm 1960, tức là 6 năm sau ngày thủ đô được giải phóng khỏi giặc Pháp, trong bộ “Lịch sử thủ đô  Hà Nội” đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Trần Huy Liệu chủ biên) cũng đã giành nhiều trang viết về vụ “Hà Thành đầu độc” và những nhân vật như: vợ chồng ông Nhiêu Sáu, Đội Hồ, Cai Nga, Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc, ông Hai Liên, Chánh Tỉnh, Bếp Hiên, Bếp Nhiếp, Bếp Xuân, Đồ Đàn, Đồ Chán, Đồ Đàm, Lang Xeo... Sách này cũng viết: "Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc, Cai Nga và nhiều người trong giới bồi bếp bị thực dân Pháp xử án chém và bêu đầu. Trong vụ án này, hội đồng đề hình của thực dân Pháp đã xử tử tất cả 13 người và khổ sai chung thân 4 người". Về bà Nhiêu Sáu, cuốn sách đã dẫn viết: "Bà Nhiêu Sáu bị chúng bỏ vào thùng bêtông cắm đanh tua tủa và lăn trên sân. Bà bị đanh cắm nát người vẫn không chịu khai ra ai cả. Mấy hôm sau bà chết".

Sau khi báo chí kỳ công "xới" vụ việc 100 năm "vô lý" (như lời ông Dương Trung Quốc) này lên, cả một kho sử được kể ra, qua nhiều nhân chứng, qua sự truy tìm tư liệu tích cực của không ít người quan tâm đến vụ việc. Hành động quật cường của những người yêu nước trong vụ “Hà Thành đầu độc” dần hiện ra thật oai dũng, bi tráng đến độ "độc nhất vô nhị". Cuốn sách "Vụ chính trị ở Đông Dương" (do Tiến sĩ Patrice Morlat viết về vụ “Hà Thành đầu độc” thông qua việc sưu tầm các tàng thư của Bộ Thuộc địa Pháp) đã được Đại tá Trần Vân, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, hiện là luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội tiến hành dịch, theo đó: có tới 49 nghĩa sĩ bị bắt, tư liệu kể rõ từng phiên tòa, "nó"  xử bao nhiêu người, tử hình bao nhiêu người.

Người duy nhất bị hành quyết trong vụ “Hà Thành đầu độc” đã được Hà Nội chính thức "vinh danh" là ông Đội Nhân, thông qua việc thủ đô lâu nay có con phố mang tên Đội Nhân. Sau khi ông Đội Nhân bị giết, gia đình phải trốn sang Lào, Campuchia và Anh, ly tán tang thương: bà cụ thân sinh ra ông Nhân bị Pháp đưa đi đày rồi chết; vợ ông đang mang thai, bỏ chạy về quê, cũng không sống được bao lâu vì đau buồn. Bản thân phần mộ cụ Đội Nhân bây giờ, qua "khai quật", chỉ có mỗi cái thủ cấp từng bị bêu khắp Hà Nội cách đây 101 năm!

Khi ông Hai Hiên (một đầu bếp) - người trực tiếp về quê tìm cà độc dược, chế biến, thử độc tính rồi bỏ vào thức ăn để đầu độc hơn 200 binh lính Pháp - bị chặt đầu, thì vợ ông cũng bị giặc tra tấn cho đến chết (vừa qua, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có công văn do bà Phó ban Nguyễn Thị Hiên ký, xác nhận, ông Hai Hiên, khi bị giặc Pháp giam ở Hỏa Lò, có tên ở Bảng ghi danh số 1, số thứ tự 34; vợ ông cùng ở trong "bảng tử thần" này, với số thứ tự 35) .

Còn ông Đồ Đàm, người được dân thờ trong đình làng ở Hoài Đức, Hà Nội hiện nay, sau khi bỏ trốn, giặc Pháp tra tấn người thân và dân làng, dọa sẽ xóa sổ cả 2 cái làng là quê nội và quê ngoại của ông, ông mới phải trở về chịu hành quyết. Bà con và các học trò đã tế sống ông đồ chí lớn của họ trong 3 ngày trước khi ông hiên ngang bước lên đoạn đầu đài. Tuy nhiên, sau đó, vợ ông Đồ Đàm vẫn bị giặc tra tấn đến chết, em trai ông bị án lưu đày biệt xứ, gia đình bị giặc đẩy vào tang tóc triền miên.

Bà chủ quán cơm tham gia tích cực vụ “Hà Thành đầu độc”, tên là Nguyễn Thị Ba (tức bà Nhiêu Sáu) bị tra tấn bằng cách thả vào thùng bêtông có đóng đinh lởm chởm bên trong, rồi cứ thế lăn từ quán cơm 20 Cửa Nam đến Hỏa Lò Hà Nội. Tại đây, bà bị tra tấn cho đến chết, sau đó gia đình đã đút lót cai ngục, tráo thi thể, đem bà về cánh đồng làng bí mật chôn cất. Phần mộ ấy bây giờ nằm dưới ruộng rau, dưới cống nước thải bẩn thỉu của khu dân cư, rất đau lòng.

Sẽ có khu tưởng niệm xứng tầm!

Với sự sáng rõ khó có thể sáng rõ hơn kể trên, sắp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta sẽ làm gì để xứng đáng với sự hy sinh đó? Phương án mà Ban tổ chức hội thảo đưa ra rất rõ ràng:  thứ nhất, TP sẽ cấp đất để quy tập hai khu vực mộ các nghĩa sĩ ở quận Hoàng Mai và quận Cầu Giấy lại, xây dựng một khu tưởng niệm (với biểu tượng kỷ niệm quy mô nhỏ); thứ hai, xây dựng "Khu mộ các chiến sĩ vụ “Hà Thành đầu độc” tại Nghĩa trang Mai Dịch, xây dựng một am thờ nhỏ trong khu vực đất được cấp.

Phương án thứ hai bị nhiều đại biểu phản đối. Bởi, ngoài việc xây dựng khu tưởng niệm vì các nghĩa sĩ đã ngã xuống, đó phải là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về một sự kiện lịch sử bi tráng, oai hùng của thủ đô, của dân tộc, nhất là khi mà bài học về “Hà Thành đầu độc” đã được dạy trong nhà trường phổ thông. Khu vực gần nghĩa địa Bãi Bàng, chính là khu tưởng niệm (đã xây mộ và gắn biển chỉ dẫn từ lâu) vụ “Hà Thành đầu độc” ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy - nơi này đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người có tấm lòng và tri thức với lịch sử, không nên xây khu tưởng niệm ở nơi nào ngoài vị trí đó.

Ông Sơn, Phó ban Tang lễ TP cũng thẳng thắn: các nghĩa trang của TP mà ban chủ trì gợi ý quy tập mộ các nghĩa sĩ về, nay đều đã hết chỗ, hoặc chỉ còn mộ đơn (không xây được mộ tập thể và khu tưởng niệm). Bản thân gia đình các nghĩa sĩ cũng tha thiết với việc xây dựng phần mộ và biểu tượng kỷ niệm ở Nghĩa Đô.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy được nhiều đại biểu tán thành nhất, rằng: "Nhất thiết phải xây khu vực tưởng niệm ở chính khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy hiện nay. Thành phố cứ giao cho quận thu xếp, có thể là 100 hoặc 200m2 đất, quận sẽ thu xếp có quỹ đất để làm một việc nên làm, làm vì sự hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ cho Tổ quốc, vì chúng ta và các thế hệ mai sau".

Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, nhưng có một điều chắc chắn, là Hà Nội đã rất quyết tâm để xây dựng khu vực tưởng niệm các bậc quốc sĩ bất hủ trong vụ “Hà Thành đầu độc”. Ông Nguyễn Hải Kế rất chí tình, khi cho rằng, nghĩ cho cùng: không có sự tưởng niệm nào lớn lao và vĩnh cửu như sự tưởng niệm trong lòng dân, khi mà từ thời lâu lắm, Hà Tây cũ đã đặt tên xã Đội Bình ngay tại nơi bậc chí sĩ vị quốc vong thân này đã được sinh ra, ở Hoài Đức có xóm Hai Hiên để tưởng nhớ vị đầu bếp bị hành quyết mà vẫn bất tử Nguyễn Văn Hiên, ở quê ông Đồ Đàm, thì ông Đàm được thờ ở đình làng như một vị "thành hoàng" đích thực.

Đấy là chưa kể rất nhiều bài thơ hào sảng, những câu đối cảm khái bất hủ vinh danh các nghĩa sĩ “Hà Thành đầu độc”, vẫn được muôn đời "bia miệng" như: "Sử xanh ai nhuộm máu hồng tươi/ Đèn lạnh đêm khuya giọt lệ rơi/ Tay mạnh vung gươm vằm mặt đất/ Lòng trung trở giáo chuyển cơ trời"; hoặc: "Đời người coi nhẹ rác rơm/ Trăm nghìn phó một lưỡi gươm cho rồi/ Khen cho liệt sĩ bốn người/ Một lòng vì nước muôn đời tiếng thơm" (bốn người là bốn người cầm đầu vụ đầu độc, đã bị giặc Pháp xử tử)

Đỗ Doãn - Hoàng Anh
.
.
.