Sạt ruỗng các lòng sông

Thứ Năm, 02/07/2009, 10:20
Chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu phương tiện hiện đang khai thác sỏi cát trái phép tại các lòng sông của Hải Phòng. Nhưng đi dọc các triền sông, đến đâu cũng bắt gặp các hoạt động này. Nó diễn ra một cách ngang nhiên, náo động các dòng sông suốt cả ngày lẫn đêm.

Các lòng sông bị khoét ruỗng

Điển hình là khúc sông Văn Úc, thuộc địa phận xã Chiến Thắng, huyện An Lão. Tại đây, hàng chục tàu thuyền đua nhau bơm, hút cát dưới sông. Còn trên bờ, những núi cát cao chất ngất, biến vùng bãi ngoài đê (gần bến phà Khuể) trở thành bãi tập kết vật liệu lớn nhất khu vực.

Đáng nói, lòng sông ở đây khá sâu, việc hút cát lại không theo một trật tự, hướng dẫn nào đã khiến bờ sông bị khoét ruỗng, tạo thành những vụng xoáy hết sức nguy hiểm. Nguy cơ sạt trượt cả bãi sông có thể xảy ra bất kể lúc nào. Càng nghiêm trọng hơn, đó là các bãi vật liệu của một số đơn vị ở cả trong và ngoài đê, với hàng trăm lượt phương tiện xe ôtô vận chuyển cát nối đuôi nhau chạy sầm sập trên đê mỗi ngày, làm mặt đê sụt lún, biến dạng.

Chưa kể, có doanh nghiệp còn tự ý làm đường tắt từ mặt đê xuống bãi sông để thuận lợi việc vận chuyển sỏi cát. Việc tự ý lập đường riêng này đã đe dọa kết cấu hạ tầng khu vực, cản trở việc thoát lũ khi triều cường.

Tương tự, tại sông Kinh Thầy, đoạn tiếp giáp giữa sông Cấm với sông Văn Úc, thuộc địa bàn xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên cũng vậy. Người dân địa phương phản ánh, từ nhiều năm nay, mỗi ngày có ít nhất 10-15 tàu thuyền neo đậu trong khu vực để bơm hút cát trái phép. Trước đây, việc bơm hút cát này thường lén lút vào ban đêm, nay ngang nhiên giữa "giờ vàng" (8-9 giờ sáng).

Ngay tại thời điểm 12h trưa, cũng vẫn thấy 5-6 tàu buông neo, thả vòi rồng cỡ lớn, sục sạo khắp lòng sông để hút cát. Vì chưa có cơ quan nào đứng ra khảo sát nên chưa thể biết lòng sông ở đây bị khoét ruỗng ra sao, nhưng cứ nhìn vào những vụng xoáy mới hình thành mỗi khi triều lên, đủ thấy những ẩn họa dưới lòng sông ở đây là khôn lường.

Tàu, xà lan đang neo đậu để bơm hút cát, làm sạt trượt bờ sông Lạch Tray, thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh (Hải Phòng). Ảnh: L.T.

Ngoài ra, ở nhiều khu vực đê sông khác, tình trạng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đã không thực hiện đúng như đăng ký kinh doanh, thậm chí còn tuỳ tiện mở bến bãi tập kết vật liệu xây dựng ngay bờ sông, sát chân đê, vừa kinh doanh, vừa lợi dụng mua sắm phương tiện tàu thuyền để bơm hút cát trái phép. Điển hình phải kể tới 6 doanh nghiệp, cá nhân ở khu vực tả sông Văn Úc, thuộc xã Quang Trung, huyện An Lão (gần cầu Tiên Cựu)...

Quản lý kiểu "buông tiền, thoáng hậu" !?

Theo quy định, việc quản lý, cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông thuộc thẩm quyền Sở TN&MT. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan này đã chưa làm hết trách nhiệm và phối hợp chưa chặt chẽ với các địa phương, đơn vị và các ngành liên quan khác trong việc giám sát hoạt động khai thác tài nguyên sỏi cát.

Hậu quả là, nhiều tàu được cấp phép khai thác cát sỏi ở khu vực các cửa biển, nhưng đã không hoạt động ở vùng quy hoạch, mà ồ ạt kéo vào khai thác ở các lòng sông. Mục đích là để tiện cho việc bơm cát lên thẳng các bãi chứa vật liệu ở sát chân đê, dễ dàng cho việc kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ cát…

Chính cung cách quản lý "buông tiền, khoáng hậu" này đã tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp, cá nhân nối tiếp nhau sai phạm, làm tràn. Thêm vào đó, sự chồng chéo trong quản lý, xử lý các vi phạm cũng đã khiến chính quyền một số quận, huyện, lẽ ra phải chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý các vi phạm thì lại đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm ngơ, phó mặc cho các cơ quan có liên quan xoay xở.

Kết cục, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã không được xử lý triệt để, thậm chí vi phạm nghiêm trọng chỉ xử lý hành chính qua loa rồi cho… tồn tại (!?). Do vậy, đã không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Chưa kể, vẫn còn một số doanh nghiệp, cá nhân, chỉ biết thu lợi cá nhân, bất chấp tất cả, kể cả việc đối phó, chống trả quyết liệt người thi hành công vụ. Vì thế, việc né tránh, ngại va chạm là điều đã diễn ra, càng làm cho việc lập lại trật tự trong khai thác tài nguyên cát sỏi dưới lòng sông ở Hải Phòng không đơn giản.

Trước thực trạng này, ngày 4/5/2009, UBND TP Hải Phòng đã có Chỉ thị số 08 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận, thủ trưởng các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB và khai thác cát sỏi trái phép ở lòng sông, cửa biển thuộc phạm vi địa phương.

Song cho đến nay, ngoại trừ sự giám sát của các hạt quản lý đê và sự "vào cuộc" kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, còn hầu hết vẫn chưa thấy vào cuộc tích cực

Lệ Thu
.
.
.