Sáng kiến làm giảm ô nhiễm các lò "hẩy" chì

Thứ Tư, 29/10/2008, 10:41
Trước tình trạng sức khỏe và môi trường của làng "hẩy" chì Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, Văn Lâm ngày càng xấu đi, năm 2001, anh Trịnh Minh Quân, đã tự bỏ tiền nghiên cứu tìm tòi xây dựng thành công mô hình lò nấu chì mới, với hệ thống túi lọc bụi, thu được phần lớn bụi chì. Mỗi lò nấu theo mô hình mới sẽ giảm đến 70% lượng bụi chì bay vào không khí do lò thải ra.

Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, Văn Lâm vẫn nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Những năm 80 của thế kỷ XX, Đông Mai lại nổi lên với nghề tái chế chì. Một số người dân thấy bình ắc quy hỏng vứt bừa bãi đã nghĩ đến việc thu gom để gỡ chì, gột chì, "hẩy" chì (nấu chì ở nhiệt độ hơn 800 độ C).

Việc tái chế chì đơn giản lại thu nhập khá, nên từ vài hộ làm nghề này từ những năm 90, sau đó nhà nhà trong thôn tham gia tái chế chì, các lò thủ công mọc lên khắp nơi. Cùng với đó xuất hiện một đội ngũ chuyên thu gom ắc quy cũ ở khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa... tập kết tại các lò để nấu, rồi lại xuất đi khắp nơi trong nước, và cả Trung Quốc.

Do người dân nấu tự do, tiện đâu đổ đó, nên nguồn không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Theo số liệu năm 2003, thống kê của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, lượng chì trong nguồn nước ở đây là 0,77mg/l vượt tiêu chuẩn cho phép 15 lần. Lượng chì ở ao đãi chì vượt tiêu chuẩn cho phép 65 lần bụi chì trong không khí gấp 4.600 lần cho phép.

Anh Lê Viết Cử từng làm nghề nấu chì có thâm niên 10 năm, nay đã bỏ nghề tâm sự: "Làm nghề tái chế chì thu nhập cao, nhưng làm gì cũng gắn với chì. Chân tay đang làm vào uống nước, uống cả chì; trẻ em chơi đùa cùng với bụi chì, rồi gió mang bụi chì vào nhà, người ăn ngủ cùng chì... nên trong thôn rất nhiều trẻ em bị co giật, ốm yếu".

Chị Đặng Thị Lý, cán bộ Trạm y tế xã Chỉ Đạo thì lo lắng: "Sức khỏe các em nhỏ nơi đây, kém hơn làng khác nhiều, với triệu chứng phổ biến là suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, học hành giảm sút". Rất nhiều người bị lao, đường ruột, dạ dày, nhiễm chì trong máu... Nhưng người làng không thể bỏ nghề vì ai cũng giải thích đó là nghề kiếm miếng cơm manh áo.

Trước tình trạng sức khỏe và môi trường của làng ngày càng xấu đi, năm 2001, anh Trịnh Minh Quân, đã tự bỏ tiền nghiên cứu tìm tòi xây dựng thành công mô hình lò nấu chì mới, với hệ thống túi lọc bụi, thu được phần lớn bụi chì. Mỗi lò nấu theo mô hình mới sẽ giảm đến 70% lượng bụi chì bay vào không khí do lò thải ra.

Cùng với sự kiện năm 2006, chính quyền huyện Văn Lâm đã cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ các lò nấu thủ công dọc đường sắt, các lò nằm trong khu dân cư đều phải ngừng hoạt động. Môi trường làng chì thật sự "dễ thở" hơn. Kết quả phân tích của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, năm 2007, nước bề mặt nhiễm chì (pb) là 0,2013 trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,1; nước sinh hoạt phân tích trong 24 mẫu, đạt 100% tiêu chuẩn cho phép (0,01); bụi cũng thu được kết quả khả quan: chỉ có 3/10 điểm là không đạt tiêu chuẩn.

Theo Bí thư thôn Đông Mai Lê Nhân Hiểu, hiện nay toàn thôn Đông Mai có 500 hộ với hơn 2.000 nghìn khẩu, thì có tới 50 hộ tham gia "hẩy" chì, với 3 lò chì lớn là Quỳnh Lưu, Minh Quang, Ngọc Thiện, tạo công ăn việc làm  thường xuyên cho 500-600 lao động, với thu nhập lao động thường là 1,5 triệu đồng, còn lao động kỹ thuật (nấu chì) đạt 6-7 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông, môi trường trong lò nung chì phải được đặt lên hàng đầu. Các lò đều phải lắp đặt hệ thống xử lý tạp chất, trước khi thải ra môi trường. Cụ thể với bụi chì, phải lắp hệ thống hút bụi bằng túi vải tay áo, khí có hệ thống khử độc bằng than hoạt tính. Còn nước a-xít, từ bình ắc quy được chảy qua bể vôi để trung hòa thành ba zơ, sau đó nước mới được chảy ra môi trường...

Ông Hiểu khoe: "Trước đây các lò đúc chì như một kho xăng cháy, khói cuồn cuộn, bây giờ đến gần ngửi thấy cay cay mới biết đó là lò đúc chì". Các chủ lò ở đây đều cam kết, đảm bảo nồng độ chì trong không khí, trong nước dưới tiêu chuẩn cho phép, nếu quá sẵn sàng ngừng hoạt động ngay. Chính vì vậy, môi trường làng nghề Đông Mai đã được "cứu", sức khoẻ của người dân bắt đầu được đảm bảo hơn

Duy Thanh
.
.
.