Sách tham khảo văn học: Kinh dị!

Thứ Ba, 13/09/2005, 06:17

Trong cuốn "Những bài văn mẫu và những bài tập luyện thi tốt nghiệp THCS", bài thơ "Thăm núi Ba Vì" (Phạm Tiến Duật) nói về vùng núi hùng vĩ của Hà Tây, nhưng nhóm tác giả lại giải thích, Ba Vì đã tô thắm cho Lạng Sơn thêm tươi đẹp. Bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu rất đẹp bởi hình ảnh thơ “Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng” nhưng tác giả cuốn sách lại cho rằng, "chăn sui" là chăn thổ cẩm!!!

Ngày 9/9, chúng tôi đã cùng một số thầy, cô giáo dạy văn "vi hành" một số cửa hàng sách tư nhân ở Hà Nội. Đập vào mắt là hằng hà sa số các đầu STK. Cũng với số lượng đầu sách bạt ngàn là ti tỉ "hạt sạn" cho thấy trình độ của người viết sách, người biên tập, hoặc là rất kém, hoặc là vô trách nhiệm.

Điển hình cho sự sa sút về chất lượng STK văn học phải kể đến cuốn "Kiến thức cơ bản Văn - Tiếng Việt dùng cho lớp 11" của NXB ĐH Quốc gia TpHCM, xuất bản từ năm 2001 mà theo lời cô giáo Thu Hoà (Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục) thì nếu đi thi đại học mà cứ bê nguyên cách trích dẫn, cách hiểu sai như thế này thì rất nhiều thí sinh sẽ trượt oan. Bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến nổi tiếng với câu thơ: Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe - sách lại viết Mắt lão không viền...; Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua (Vội vàng - Xuân Diệu) - nay biến thành: Xuân đang tới...; Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (Truyện Kiều - Nguyễn Du) thì sách viết rằng: Rừng thu nay đã...

Sai về trích dẫn văn bản đã là phản cảm, nhưng sai về cách phân tích, cách hiểu thì thật là khổ thân học trò: Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, Nguyễn Du đã miêu tả một mùa xuân tươi non là thế, căng đầy sức sống là thế và sau này đã có hàng trăm lời bình về câu thơ này, vậy mà không hiểu 4 tác giả viết cuốn sách trên nghĩ gì lại viết: "Cảnh xác xơ như trong đôi mắt Kiều ngắm mùa xuân". Nhà thơ Nguyễn Công Trứ bộc lộ cái bản ngã của mình mãnh liệt đến mức Trong triều ai ngất ngưởng như ông (Bài ca ngất ngưởng), nhưng cũng cuốn STK trên lại bình luận: "Nguyễn Công Trứ nép mình chốn cửa Phật từ bi".

Quan trọng là cái tâm của người viết sách

Thầy giáo Đỗ Văn Thái, giáo viên dạy văn của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho hay, với cách phân bố chương trình cho môn văn quá hạn hẹp như hiện nay, học sinh rất cần phải có STK để bổ trợ, nhưng STK xuất bản ồ ạt quá khiến thầy, cô giáo nhiều khi cũng lúng túng, nói gì đến học trò. Cứ tưởng toán, lý, hoá, Anh văn mới có STK trắc nghiệm, nào ngờ văn chương cũng có STK trắc nghiệm. Chúng tôi cùng giở cuốn "Những bài tập trắc nghiệm môn văn lớp 6" thì gặp những câu hỏi ngớ ngẩn: "Ngôi sao giống cái gì?" - "Quả thị, nốt ruồi, con mắt..." (câu này đã được chọn trong một bài thi kiểm tra học kỳ của một trường THPT tại Hà Nội và một học trò đã tích vào "quả thị"); "Chăm chỉ" thuộc loại từ nào? - Danh từ, động từ, tính từ, trạng từ (người viết sách lại tích vào "Trạng từ").

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khuyên học sinh nên tìm mua STK của một số NXB có uy tín như NXB Giáo dục, NXB ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng cô rất lo ngại khi không ít phụ huynh cứ nghĩ để giúp con học tốt môn văn là phải bỏ ra một đống tiền mua hàng chục bộ STK, khiến con em họ trở nên thụ động, lười nhác và chây ỳ tư duy. Tuy nhiên, để STK bớt đi sự lộn xộn và sa sút về chất lượng, giúp học sinh cảm thụ sâu sắc văn chương, điều quan trọng nhất có lẽ vẫn là cái tâm của người viết sách.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có một đầu mối, một hội đồng chuyên môn có trách nhiệm quản lý và thẩm định chất lượng các loại STK đang có xu hướng ngày càng phức tạp

Thu Phương
.
.
.