Rượu không nguồn gốc mua đâu cũng có

Thứ Năm, 23/03/2017, 07:58
Rượu không nguồn gốc không bày bán công khai như trước mà được giấu trong quầy hàng, khách hỏi mua người bán mới vào trong lấy ra. Tại nhiều quán cơm bình dân, quán nhậu vỉa hè, rượu không nguồn gốc giá rẻ vẫn được bán cho khách. Đây là những gì mà chúng tôi ghi nhận được tại Hà Nội sau nửa tháng ra quân với 644 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm.


Rượu “nhiều không” giá cực rẻ

Để tìm mua những loại rượu trôi nổi, rượu không nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi đã tìm đến các cửa hàng tạp hóa, quán cơm bình dân quanh khu vực bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai- địa bàn sinh sống của nhiều người lao động phổ thông cũng như sinh viên từ các tỉnh về thuê trọ. 

Tấm biển “Bán rượu quê” được treo rất to và thu hút người mua tại một cửa hàng tạp hóa đường Giáp Bát. Khi chúng tôi hỏi mua rượu quê giá rẻ, ông chủ cửa hàng liền vào trong nhà mang ra những chai nhựa vẫn còn nguyên nhãn mác của những hãng nước uống đóng chai: “Rượu quê đảm bảo chất lượng an toàn đây. Giá rẻ chỉ 30.000 đồng/lít”. 

Rượu không nguồn gốc đóng trong chai nhựa bán 20.000đ/lít tại chợ cóc Ngọc Khánh.

Thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của rượu, ông chủ quán bèn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Rượu này nhà mình nấu ở Hà Nam mang lên. Để dễ bán mình đóng thành các chai 0,5l như thế này thôi”. Đi tiếp đến một cửa hàng tạp hóa khác cũng trên đường Giáp Bát, khi hỏi mua rượu trắng, bà chủ quán liền hỏi chúng tôi: “Mua rượu loại nào? Loại 40.000 đồng/lít hay loại 30.000 đồng. Đắt hơn nữa cũng có”. 

Tôi hỏi loại rượu giá rẻ thì bà chủ quán mang ra nửa lít rượu trắng đã được đóng trong chai nhựa: “Loại này 30.000 đồng, rẻ nhất rồi”. Quán cơm bình dân trên đường Giáp Nhị, quận Hoàng Mai trưa 20-3 rất đông khách là người lao động từ các tỉnh về Hà Nội làm thuê. Mỗi đĩa cơm tại đây chỉ khoảng 20.000 đồng. Trên một số bàn ăn là các lao động nam, chai rượu nhựa màu trắng nửa lít đang được họ rót ra từng chén. 

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội, thợ phụ hồ kể: “Hôm nay trời mát nên mấy anh em rủ nhau làm chén rượu”. Khi hỏi giá loại rượu không nhãn mác này, anh Tuấn cho biết, quán cơm bình dân nên giá rượu cũng bình dân chỉ 20.000 đồng/lít. 

“Giá thế này chúng tôi mới dám uống, đắt hơn lấy tiền đâu gửi về quê cho vợ con”, anh Tuấn phân trần. Tiếp tục, chúng tôi tới một số quán cơm bình dân ở phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy và thấy rượu bán cho khách đều là rượu không rõ nguồn gốc đựng trong những chai nhựa. Hỏi mua rượu giá rẻ ở một hàng tạp hóa tại chợ cóc Ngọc Khánh, chủ hàng vào trong quầy lấy ra 2 chai nhựa đựng rượu trắng bảo “20.000đ/lít”.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Hà Nội cho biết, qua kiểm tra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, kinh doanh rượu không nguồn gốc nhiều nhất là tại các quán cơm bình dân, quán thịt chó, quán nhậu. Rượu ở đây đều có giá rất rẻ, chỉ 15.000 -18.000đ/lít. 

Đối tượng chủ yếu là người lao động, sinh viên. Theo lời khai của người kinh doanh thì rượu này họ lấy từ Hưng Yên, Bắc Ninh về bán. Điển hình Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu của ông Nguyễn Văn Khương, ở phường Mỹ Đình 1 đã phát hiện và tạm giữ 1.090 lít rượu không rõ nguồn gốc.

Kiểm tra không xuể

Chưa khi nào ngộ độc rượu lại trở nên nghiêm trọng như thời gian vừa qua, chỉ trong vòng 22 ngày (từ 22-2 đến 14-3) Hà Nội có 25 bệnh nhân độ tuổi từ 20 đến 60 vào viện liên quan đến uống rượu. Trong đó, 3 bệnh nhân nặng đã tử vong tại nhà, 4 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, 18 bệnh nhân đã ra viện. Hai quận có nhiều bệnh nhân là Đống Đa (10 trường hợp), Cầu Giấy (10 trường hợp). 

Từ các vụ ngộ độc rượu liên tiếp này mới cho thấy sự buông lỏng quản lý dẫn tới nhiều cơ sở kinh doanh rượu trôi nổi, không nguồn gốc hoạt động ngang nhiên, đã và đang đầu độc tính mạng con người. Chỉ tới khi số người tử vong và cấp cứu vì rượu tăng mạnh, Hà Nội mới vào cuộc một cách khẩn trương, huy động nhiều lực lượng tiến hành kiểm tra, thu giữ, xử lý cơ sở, cá nhân kinh vi phạm.

Hoàn Kiếm là địa bàn có số hộ kinh doanh rượu và kinh doanh ăn uống lớn của Hà Nội. Quán nhậu đêm vỉa hè trên phố Mã Mây đông nườm nượp. Rượu bán cho khách được đựng trong chai Vodka hoặc Men, nhưng chỉ có vỏ, còn bên trong là rượu sản xuất ở đâu thì không ai biết. 

Rất nhiều quán nhậu vỉa hè ở Hà Nội bán rượu ngâm các loại củ đựng trong chai nhựa hoặc vỏ chai Men, Vodka nhưng người uống không ai biết đó là rượu gì. Chính vì mua rượu trôi nổi trên thị trường về nhà uống mà nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã bị ngộ độc phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. 

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trong 15 ngày (từ 4-3 đến 19-3) Đội QLTT số 2 đã kiểm tra, xử phạt 16 tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu vi phạm. Qua kiểm tra cũng đã phát hiện tại nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống đang bán rượu không rõ nguồn gốc. 

Tại cơ sở kinh doanh ăn uống ở 65 Lý Nam Đế, Đội QLTT số 2 đã thu giữ 110 lít rượu không rõ nguồn gốc, cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Nhà hàng ăn uống tại 1A Đặng Thái Thân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, kinh doanh 19 lít rượu táo mèo, 20 lít rượu sim đất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Nhà hàng “Nhớ - ngỗng 9 món” ở 1A Đặng Thái Thân cũng bị phát hiện kinh doanh rượu ngâm thảo mộc không rõ xuất xứ. Có nhà hàng khi kiểm tra đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm như tại số 18A Hàng Cót, kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không có đăng ký kinh doanh, bán 40 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Hà Nội mới chỉ đang tiến hành kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh rượu, còn rượu nấu trong dân, trong các cơ sở sản xuất gần như kiểm tra rất ít. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ gia đình nấu rượu tự phát mọc lên, phần lớn nói rằng nấu rượu để uống nhưng thực chất là bán. Đội QLTT số 25 mới đây kiểm tra phát hiện cơ sở nấu rượu thủ công của ông Lại Văn Bằng, ở thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. 

Tại thời điểm kiểm tra, trong xưởng nhà ông Bằng có 3.800 lít rượu và đã bị tịch thu. Hay như cơ sở kinh doanh cồn rượu ở thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên bị Đội QLTT số 17 kiểm tra và tạm giữ 61 phuy loại 160 lít, tương đương 9.760 lít cồn cũng cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xem lượng cồn rượu này hàng ngày được bán cho cơ sở nấu rượu nào để có khuyến cáo cho người tiêu dùng.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.