Rừng Lưỡi Hái sắp thành sa mạc

Thứ Ba, 19/04/2005, 07:08
"Lưỡi Hái rộng 20.000ha, đồi "ông sư" phải chiếm 4.000 - 5.000ha. Sáu, bảy năm trước, cũng là rừng đấy, chặt phá hết gỗ, rồi dân lên đốt nương, làm rẫy, phát quang sạch", anh Tuấn, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xã Tân Minh, xót xa.

Rừng tự nhiên Lưỡi Hái, nằm trên núi Lưỡi Hái, cao gần 2.000m so  với mặt nước biển, thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Dân bản địa đồn rằng, trên rừng có cây đa nghìn năm tuổi, chu vi 6 người ôm, là nơi trú ngụ của “thần rừng”, nên không ai dám chặt phá, gỗ quý còn vô kể. Vượt qua hàng trăm đèo dốc cheo leo, thung lũng hiểm trở, ngót nửa tháng trời tôi đã đặt chân tới Ba Gò, đỉnh cao nhất của rừng Lưỡi Hái, mới hay sự thật không như nhiều người nghĩ…

Thật khó tưởng tượng, giữa rừng núi rậm rạp này, lại có nhiều dốc "sa mạc" đến vậy, bề rộng hơn 20m, cát lạo xạo trắng phau, nham nhở, chằng chịt những đường rãnh sâu hoắm, lốc chốc, lô nhô, không có lấy một nhánh cây để bấu. "Trước năm 90, rừng ken dày, giáp mặt người cũng chẳng nhìn thấy, nhưng rồi chặt phá ghê quá, mưa lũ, xói mòn, không cây nào mọc nổi", anh Tuấn nói.

"Lâm tặc" đi… mót gỗ

Chúng tôi đến dòng suối Cha Cái. Thỉnh thoảng lại có hai ba người kéo gỗ đi qua, họ nhìn anh Tuấn chằm chằm, thứ giọng của người Dao sền sệt, nằng nặng, xa xa, bốn bề văng vẳng tiếng rìu chặt gỗ, lách cách, chát chúa. "Họ đi "mót" gỗ đấy. Trước năm 90, gỗ nhóm 1 (sến, táu, pơmu) còn nhiều, giờ thì nhóm 7, nhóm 8 (sồi, rẹc, bung bét, vanh…) cũng hiếm. Rừng bị rút ruột hết rồi, gỗ sáu, bảy năm tuổi khó kiếm lắm, cây nào được bốn, năm năm bị "săn", chặt ngay", anh Tuấn tâm sự.

Lần theo ven suối, xung quanh chằng chịt giang, nứa sắc lẹm, gỗ tạp một, hai năm tuổi ken dày từng dãy, lớp lớp gốc cây chặt lâu ngày xỉn màu, vỏ đã tróc ra, bám đầy ròi bọ, khó lắm tôi mới nhìn thấy vài thân gỗ chừng ba, bốn năm, khác hẳn với hy vọng trước lúc đi, được chiêm ngưỡng nhiều loài gỗ quý.

Đến thượng nguồn con suối, những mảnh phay gỗ vanh to bằng hai bàn tay lấp đầy dòng nước, tắc nghẹn. Cạnh đó là một chiếc bếp đen nhẻm, bắc bằng ba tảng gỗ sồi mục, khói vẫn còn loe hoe, nóng hầm hập, tiếng rìu khua rộn rã, dồn dập trên đồi Gò Giữa.

Anh Tuấn ra hiệu cho tôi im lặng, nằm nép xuống sườn núi. "Đông lắm, cẩn thận đấy". Cây đổ rào rào. Bốn cái tai chúng tôi giỏng lên. Đột nhiên có tiếng ù ù như máy bay phản lực dội ra từ lòng đất, anh Tuấn vội đẩy tay hất mạnh người tôi, hô lớn: "Lăn đi. Gỗ đấy". Cái trọng lượng hơn 50 cân của tôi rơi tòm xuống suối, đá cuội đập vào lưng, đau điếng, ngẩng lên, đã thấy lù lù trước mắt ba thân gỗ vanh, dài hơn 3m, vài khúc nữa vẫn còn đang tuồn từ đỉnh đồi xuống.

"Đứng lại". Một gã tay lăm lăm ống điếu, tay kia đánh phập cái rìu ngậm chặt vào thân cây, quát lớn. "Đưa đứa em đi picnic ấy mà. Bữa nay kiếm được chỗ khá vậy?", anh Tuấn chống chế. Chưa kịp định thần, ba tay "lâm tặc" khác tiếp tục kéo xuống. Họ ngồi bắn thuốc lào sòng sọc, tám con mắt ốc nhồi xoáy vào người tôi.

Lùi hai bước ra sau một tảng đá, tôi im lặng. "Thôi, bỏ qua đi. Rừng còn gì đâu mà bắt. "Mót" được vài cây vanh, bọn tao không lấy, đứa khác cũng xơi". Một gã tên Dung, tôi nghe họ gọi thế, cất giọng khàn khàn. "Dạo này L.V. thu gom được nhiều không?", anh Tuấn hỏi. "Nghe nói được sáu, bảy khối rồi, chắc mai kia đưa đi", vẫn tay, Dung nói.

Theo chuyến hàng đêm…

Xuống đến chân núi, trời tối mịt mùng. Qua đồi Đá Cạn, đến gò Máng Lao, chiếc Win 100 của anh Tuấn khựng lại. Phía trước, chừng 20m, khoảng 40 người đang trần mình vác gỗ chất cứng chiếc xe Hyundai, biển 28. Xe lăn bánh, gã tài ngồi trên cabin có gương mặt hầm hố, sắt như đá, phóng như bay, những vòng cua tay áo, gấp khúc, cheo leo, công - tơ - mét chỉ trên vạch 65.

Ra khỏi địa bàn Tân Minh, chiếc Huyndai rẽ vào Văn Miếu, chúng dùng thêm 1 chiếc xe khác, biển 19 đánh lạc hướng, kìm chân, để dứt "đuôi". "Tay này là L.V., chuyên thu gom gỗ, hắn có đội quân khoảng 50 người và hàng chục điểm tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành", anh Tuấn cho biết. Đồng hồ đã điểm 11h đêm.

Phần lớn những cơ sở thu gom gỗ nằm trên địa bàn xã Hương Cần, nơi có trạm kiểm lâm chốt giữ, nhưng hầu như việc vận chuyển và mua bán gỗ trái phép vẫn diễn ra vô cùng dễ dàng, nếu không muốn nói là công khai. Nếu tình trạng này không sớm có biện pháp ngăn chặn, một hai năm nữa, kể cả những loại gỗ tạp vài ba năm tuổi cũng khó mà tìm thấy. Đáng sợ hơn, là đồi "ông sư" và dốc "sa mạc" sẽ xuất hiện dày thêm, mưa xuống, lũ về, xói lở, người Dao, người Mường biết chống chọi sao đây?

Thiêu Anh
.
.
.