Rộn ràng búa bễ làng rèn Đa Sỹ

Thứ Năm, 01/02/2018, 13:12

Nếu bỗng dưng nói chuyện đánh án ma túy ở vùng cao Tây Bắc và chuyện làng rèn Đa Sỹ, chắc không ai thấy có mối liên hệ nào. Nhưng để ngăn chặn các toán vũ trang vận chuyển ma túy xâm nhập biên giới, anh em trinh sát Công an tỉnh Sơn La đã lặn lội hơn 300 km về làng Đa Sỹ đặt hàng… chông sắt, bẫy hổ. 

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, những vật dụng thủ công này được “bài binh bố trận” để nâng cao hiệu quả đánh án và giảm thương vong cho chính những kẻ vận chuyển ma túy có trang bị súng quân dụng đi theo tốp, toán xâm nhập qua biên giới…

Trung tuần tháng 10-2017, trong lần làm việc với Đại tá Phùng Tiến Triển (Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La) để thực hiện chuyên đề dài kì trên Báo CAND “Chuyển hóa vùng đất dữ Lóng Luông”, chúng tôi được biết: Vài năm trước, tội phạm ma túy ở khu vực Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) rất manh động. 

Làng rèn Đa Sỹ chiều cuối năm.

Chúng thường tổ chức thành từng toán, mỗi toán có hàng chục tên cùng lúc xâm nhập biên giới. Mỗi tên mang 1 ba lô chứa 20 bánh heroin và đều được vũ trang súng quân dụng (AK, súng ngắn, cạc bin, sămpơlếch), lựu đạn… và cả chó săn. 

Để nâng cao hiệu quả chiến đấu và hạn chế thương vong cho chính các đối tượng, chúng tôi đã dùng kế đặt chông sắt, bẫy hổ. Anh em trinh sát về làng rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt hàng và sử dụng phát huy tốt hiệu quả.

Vợ chồng ông Sử đã bền bỉ mưu sinh hơn 30 năm với nghề rèn.

Bị tò mò từ câu chuyện của Đại tá Phùng Tiến Triển, một ngày rét ngọt cuối đông năm Đinh Dậu, tôi trở lại thăm làng Đa Sỹ - vùng quê không hề xa lạ với tôi. Tròn 30 năm trước, tôi là học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Sơn Bình, nay thuộc Hà Nội). 

Ngôi trường này nằm ở hữu ngạn sông Nhuệ, liền với các làng Hà Trì và Đa Sỹ. Trong lớp tôi cũng có vài đứa người làng Đa Sỹ nên đã nhiều lần tôi tới chơi nhà bạn và chứng kiến cảnh chiếc bễ lò rèn hồng rực, tiếng quai búa chí chát đều đặn, nhịp nhàng hơi thở của một làng nghề. Ba mươi năm đã qua, tôi vẫn nhớ nét mặt ửng hồng vì thẹn thùng và hơi nóng từ chiếc bễ lò mà cô bạn gái cùng lớp đang quay để giúp cha nung thép rèn dao…

Nhà ông Hoàng Quốc Chính (61 tuổi), Chủ tịch Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ, nằm trong một ngõ nhỏ giữa làng. Ông Chính có thâm niên và từng nếm trải nhiều thăng trầm của nghề rèn. Nhớ về những năm tháng gian nan, ông kể: “Nghề rèn Đa Sỹ qua nhiều thăng trầm lắm anh ạ. Thời kì hợp tác hóa, các hộ sản xuất dồn vào Hợp tác xã Tiền Phong làm ăn tập thể nhưng ngày càng sa sút. 

Chúng tôi cũng được cấp tem phiếu mua lương thực, thực phẩm; lại có thời thợ rèn được tính… công điểm. Sản phẩm làm ra, từ dao kéo, cày bừa… được Nhà nước bao tiêu hết, nên nhiều năm mẫu mã, chất lượng chỉ giậm chân tại chỗ. Hết bao cấp, hợp tác xã phải giải tán. Trở lại làm ăn cá thể ở quy mô hộ gia đình, người dân năng động cải tiến mẫu mã, tìm đầu ra cho sản phẩm… Hiện, Đa Sỹ có khoảng 1.100 hộ sản xuất”.

Từ miếng sắt nhíp xe ôtô, sau nhiều công đoạn tỉ mỉ, sẽ thành con dao chặt rất bền và sắc.

Ngồi góp chuyện với chúng tôi, ông Lê Hồng Tung, một thợ cơ khí bậc cao, gia đình có nhiều đời làm nghề rèn tâm sự: Ở Đa Sỹ, chúng tôi dùng than xỉ (than đã qua lửa 1 lần) để nung thép. Thép dùng rèn dao to (chặt, thái), tốt nhất là nhíp ô tô loại 5 lá. Thép làm dao thái (loại nhỏ) thì từ tanh lốp ô tô Zin 130 là tốt nhất… Riêng lưỡi bào thì phải làm từ nhíp “sườn bò”. Nghề này vất vả nhưng nếu chịu khó thì thu nhập cũng ổn định. Thợ lành nghề được nuôi cơm 1 bữa và tiền công 200.000 đồng/ngày.

Ông Tung tận tình đưa chúng tôi đến thăm một thợ rèn có tiếng của làng Đa Sỹ là ông Nguyễn Văn Sử. Nhà ông Sử ngay gần đình làng, một ngôi đình cổ phía mặt trước là chiếc ao rộng có bờ được kè đá và xây hàng rào chắc chắn. Vợ chồng ông Sử đang hối hả rèn một cặp dao chặt của khách đặt. Một tay ông dùng kìm kẹp miếng thép đặt lên đe lật đi lật lại, một tay dùng búa đập; bà Phúc, vợ ông dùng 1 chiếc búa lớn hơn. 

Hai ông bà nhịp nhàng đập, nắn cho miếng thép dần thành hình con dao. Khi miếng thép đã nguội, ông lại vùi vào lò nung đỏ trở lại… “Xưởng” rèn của ông Sử đặt ngay trước sân nhà, trông ra ao đình, chỉ rộng chừng 8 mét vuông, ngổn ngang những vật dụng, đồ nghề. Giữa khung cảnh bộn bề đó, có đến gần chục chú mèo nằm lim dim khắp chỗ để sưởi ấm nhờ chiếc lò than đang hồng rực.

Phút giây thảnh thơi của người thợ rèn Nguyễn Văn Sử

Ông Sử năm nay 61 tuổi, là một cựu binh từng nhiều năm chiến đấu bảo vệ biên cương tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Ngừng tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nho nhã chả có tí “dáng dấp” nào của một thợ rèn, ông Sử vui vẻ châm trà mời khách và bộc bạch: “Chè này của thằng bạn cựu binh người Tuyên Quang. Cứ uống gần hết, tôi lại nhắn nó gửi theo xe khách xuống bến xe Mỹ Đình. Tôi hơi cổ điển và lạc hậu, uống trà đã vậy mà làm nghề rèn cũng vậy. Tôi chỉ làm hàng thủ công thôi, không làm bằng máy móc. Hàng của nhà tôi đều là khách đặt trước, làm ra đến đâu bán hết đến đó”.

Người cựu binh – thợ rèn rất cởi mở dù mới lần đầu tiên gặp khách. Ông cười rổn rảng, tự hào khoe: “Cánh lính chúng tôi ví Vị Xuyên như một “Lò vôi thế kỉ”, bởi đạn pháo của địch dội xuống đêm ngày, đến mức “chín” cả đá. Có những cánh rừng nghiến không còn một gốc cây nào nguyên vẹn. 

Những thời điểm ngưng tiếng súng, nhớ nghề rèn tôi lại tìm mảnh đạn H12 (một loại tên lửa, đầu đạn nổ tước như vỏ quả chuối) để rèn dao. Anh em mỗi đứa một tay, đứa quạt lò, đứa quai búa. Bền bỉ vậy rồi cũng thành hình hài con dao lá lúa rất sắc tặng anh em… Trong một lần về phép năm 1980, tôi tranh thủ… lấy vợ. Năm 1986, sau 10 năm quân ngũ, tôi được phục viên, hưởng chế độ bệnh binh hạng II”.

Bà Phúc cũng là người gốc làng Đa Sỹ nên trước khi về làm dâu đã rất thạo việc quay bễ, quai búa. Hai tay nhịp nhàng quai búa giúp chồng, bà vui vẻ kể: “Hồi ông ấy chưa ra quân, tôi ở nhà phụ việc cho bố mẹ chồng. Ông cụ cũng là một thợ rèn có tiếng trong làng. Thi thoảng chồng tôi mới về thăm nhà… Mỗi lần ông ấy về phép, tôi lại đẻ được 1 đứa; đến khi có đứa thứ 3 thì ông ấy về hẳn. Năm 1997, tôi sinh đôi thêm được một trai, một gái nên nhà có tới 5 đứa!”.

Theo lời vợ chồng ông Sử, dùng máy móc thì năng suất lao động tất nhiên sẽ cao nhưng chất lượng sản phẩm không bằng làm thủ công. Những con dao được làm thủ công, từ thép nhíp hoặc tanh lốp ô tô thì sẽ rất bền, ít bị gỉ, khách đã mua về dùng thì không thể quên được. 

Quy trình làm một con dao là phải chọn thép tốt, nhất là nhíp hoặc tanh lốp ô tô; nung thép đủ độ; rèn xong phải ủ vào tro bếp (tro củi) để thép nguội từ từ (nếu nguội nhanh thép sẽ giòn). Ủ cho nguội mới đàn, vỗ cho nhẵn, căng. Tiếp đó là sạt (rũa lưỡi), tôi (tui)... 

Ông Hoàng Quốc Chính (bìa phải), Chủ tịch Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ và ông Lê Hồng Tung, những người thợ rèn có tiếng của làng.

Lưỡi dao sắc, sáng đẹp hay không quan trọng là công đoạn tôi. Một con dao được coi là sắc khi chạm vào ống chân, đẩy nhẹ một cái là “đứt lông” chân! Riêng các mặt hàng nhà ông Sử đều được làm thủ công tất cả các công đoạn và có dập chìm chữ số “22”.

Yêu nghề, nghề chẳng phụ. Hai vợ chồng ông Sử đã cặm cụi, bền bỉ mưu sinh bên chiếc lò rèn suốt hơn 30 năm qua. Mùa hạ nóng như rang hay ngày đông tháng giá, họ đều đổ mồ hôi bên lò rèn - theo đúng nghĩa, để nuôi dạy 5 người con khôn lớn… Lại một mùa xuân mới sắp về. 

Bên bễ lò rèn và ấm trà nóng, câu chuyện của vợ chồng người chủ lò rèn với chúng tôi thật rôm rả. Trong ánh than rừng rực, nét mặt ông Sử, bà Phúc thêm hồng hào, đôn hậu. “Ra giêng, chọn ngày lành tháng tốt, người làng tôi làm một cái lễ nhỏ, gọi là lễ “đỏ lò”. Lò sẽ được nhóm lên cho hồng rực. 

Thường thì tôi rèn một vật dụng gì đó để lấy may. Năm nay, tôi sẽ rèn một cây đinh, rồi đóng vào cột gỗ trong bếp, với ý nghĩa “chắc như đinh đóng cột” – Người thợ rèn Nguyễn Văn Sử nói và siết chặt tay tôi, hẹn: “Giêng hai hôm nào lễ hội đình làng, tôi sẽ điện mời anh tới dự xem rước kiệu tổ nghề rèn nhé!”.

Trần Duy Hiển
.
.
.