“Robinson” ở Phú Quốc

Thứ Bảy, 02/12/2006, 14:12

Ra đảo Mây Rút, xã Hòn Thơm (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) từ năm 1960, đến nay sau hơn 40 năm, vẫn còn hơn chục con người trong đại gia đình ông Phạm Văn Yên và bà Trần Thị Thêu tiếp tục sống trong cảnh không điện, không nước sạch, không học hành...

Biết chúng tôi định ra hòn Mây Rút, anh chủ nhà trọ sau một hồi hỏi đủ thứ nào là đã đi tàu biển bao giờ chưa, có biết bơi không... và khi thấy chúng tôi cái gì cũng lắc thì anh ta hạ một câu: “Thế thì phải thuê tàu lớn mà đi cho an toàn, chứ ghe nhỏ đi nguy hiểm lắm, ra ngoài ấy sóng lớn, không say sóng thì có khi cũng lật ghe”.

Bỏ đất liền ra biển làm... “Robinson”

Hôm sau, ở bến cảng An Thới, loanh quanh một hồi, chúng tôi mới tìm được một chiếc tàu du lịch, loại chở được khoảng 20 người. Mất một hồi mặc cả, cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận cái giá “ra hòn Mây Rút thì đúng 1,3 triệu đồng, không bớt một xu” của ông chủ tàu, bởi tàu khách chỉ ra tới xã Hòn Thơm, còn muốn rẻ hơn thì chỉ có những chiếc ghe câu bé tí, ra biển chẳng khác nào thả cái lá tre xuống sông.

Càng ra xa, những con sóng càng lớn khiến con tàu nghiêng ngả. Lúc này, chúng tôi mới thấy bỏ ra hơn triệu bạc thuê tàu cũng “đáng đồng tiền bát gạo”. Hai anh tài công bảo rằng vào những ngày biển động, ra được hòn Mây Rút, chỉ có dân đi biển chuyên nghiệp mới chịu nổi. Và phải mất 3 tiếng ngất ngư trên tàu, chúng tôi mới ra tới hòn Mây Rút khi tất cả “thực phẩm” của bữa sáng đều đã “trả” xuống biển.

Thế hệ "Robinson thứ ba" trên Hòn Mây Rút.

Không giống với những gì đã hình dung về một đảo hoang, Mây Rút có lẽ là một trong những đảo đẹp nhất ở quần đảo Phú Quốc. Nổi lên giữa bốn bề biển xanh mênh mông là hòn đảo rộng cả chục hécta với ghềnh đá xám bao quanh; sát mép biển là bãi cát và xác san hô trắng xóa; một vườn dừa um tùm chạy dọc đảo suốt từ sát biển vào tới giữa đảo; sau vườn dừa là dãy núi đá và rừng cây rậm rạp. Quả thực nếu chọn nơi này để thỉnh thoảng đi du lịch sinh thái thì khó có nơi nào hơn nơi này.

Căn nhà nằm dưới vườn dừa um tùm của gia đình “Robinson” dù chỉ là nhà xây cấp bốn nhưng khá chắc chắn và vẫn còn nồng mùi sơn mới. Nghe chúng tôi hỏi ông Bảy Yên, chị Phạm Thị Nữ, con gái thứ hai của ông bà Bảy, cho biết: “Ông già tui chết từ hồi tháng 5 rồi hai chú ơi. Hồi đầu năm, ổng bị bệnh, chẳng biết bệnh gì mà cả cái chân cứ bị tím đen lại, đi khám bác sĩ bảo phải cưa chân mới chữa được, vậy là ổng bỏ về luôn và bảo: "Tao sống tới 85 tuổi thế này là đủ lắm rồi", đến tháng 5 thì ông mất. Giờ chỉ còn bà già tui thôi”.

Vậy là chúng tôi đã đến chậm, nhưng dù sao cũng còn may mắn khi kịp gặp được thế hệ thứ nhất của đại gia đình “Robinson” này.

Năm nay đã 84 tuổi, sức khỏe của bà yếu lắm, hàng ngày chỉ đi được từ trong nhà ra tới ngoài hiên, mắt đã mờ tới mức nhìn ai cũng chỉ thấy là cái bóng mờ mờ. Nghe chúng tôi nói từ trong đất liền ra, bà bảo từ ngày ra đảo tới giờ, bà chưa quay lại đất liền lần nào.

Nhắc lại chuyện ngày xưa, bà bảo, hồi ấy cũng chỉ vì đói khổ quá mà phải đi thôi. Quê ông bà ở xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ngày ấy ông bà ngoài 40 tuổi và có tới 9 đứa con. Nhưng rồi chiến tranh, bom rơi đạn lạc, nghèo đói tới mức bệnh tật, 7 đứa con lần lượt theo nhau "bỏ" ông bà.

Đau đớn vì đàn con chết trong cảnh túng quẫn, nghèo đói. Ông bà nghĩ nếu cứ sống lay lắt ở quê mãi chắc rồi sẽ không còn đứa nào trông cậy lúc tuổi già. Ông theo cách mạng và bị địch bắt đi tù, sau đó ông được thả. Biết rằng có ở lại cũng không yên vì bị o ép, sau nhiều ngày tính toán, cuối cùng ông bà quyết định phải đi thật xa, và chỉ còn một nơi là ra biển, coi như đánh bạc với số phận, may mắn thì kiếm được nơi yên ổn.

Vào một ngày cuối năm 1960, vợ chồng bà với 2 đứa con, đứa lên mười, đứa lên tám, quyết định ra đi. Bám theo một chiếc thuyền đánh cá của người quen, thẳng hướng ra biển mà chưa biết sẽ dừng lại ở đâu. Mất mấy ngày vật vã trên biển, cuối cùng người ta thả cả gia đình xuống một hòn đảo hoang, cây cối um tùm không có người ở mà dân đi biển gọi là hòn Mây Rút.

Thấy sống ở đây thỉnh thoảng còn gặp được tàu đánh cá đi qua nên có thể đổi được gạo muối, ông bà quyết định chọn hòn đảo này làm nơi an cư với vốn liếng chỉ là mấy con dao, cái cuốc, chiếc bật lửa đá, túi đậu giống với ít gạo muối mà những người đi biển sẻ cho, và cuộc đời “Robinson” bắt đầu.

Ngày đó, ở hòn đảo bên cạnh cũng có một gia đình sinh sống trước cả gia đình bà nhưng không dám “bén mảng” sang hòn Mây Rút vì nó quá rậm rạp, lắm rắn rết. Những ngày đầu chưa dựng xong lều, đêm đêm ông bà phải đốt lửa rồi thay nhau thức canh cho con ngủ vì sợ rắn rết thấy hơi người bò đến. Để có nước ngọt, ông hì hục đào giếng, và cũng may là có nước để ăn, dù đó là thứ nước lờ lợ.

Những ngày đầu còn gạo thì chỉ bắt cua, ốc trong hốc đá ven đảo, hái rau rừng về nấu là có thức ăn. Nhưng gạo mang theo cũng cạn dần, không đủ nấu cơm nữa thì nấu cháo, và rồi đến gạo nấu cháo cũng không còn. Hoa màu thì mới bắt đầu trồng.

Để kiếm cái ăn sống qua ngày, ông bà và hai đứa con lên rừng đào củ khoai, củ mài mang về nấu cháo với rau rừng. Cũng may ngày ấy trên đảo rất nhiều cây to, vậy là để có tiền, ông bà chặt cây đốt than bán cho dân đi biển, cứ 150đ một bao than hoặc đổi than lấy gạo. Nhưng có đợt than bị ế nên lúc nào cũng lo đói. Sống ở biển mà có những đợt muối chẳng có ăn vì biển động, cả tháng trời không tàu ghé qua.

Cuộc sống gần như người nguyên thủy giữa biển khơi ấy cũng có lúc khiến ông bà thấy nản lòng. Nhưng đã ra đến đây thì muốn sống được chỉ còn cách phải chống chọi với tất cả và vượt qua. Cũng may mà sống trong cảnh ấy nhưng cả mấy con người không hề ốm đau.

Mất một năm đầu khốn khó rồi cuộc sống cũng tạm ổn khi những thứ trồng cấy cho thu hoạch; rồi những người đi biển biết trên đảo có người sống nên cũng hay ghé qua mua than củi, đổi chác. Thậm chí nuôi được cả lợn, gà; ông bà còn đóng được một cái ghe nhỏ để có thể chở những thứ trồng cấy được vào đảo Hòn Thơm bán, mua gạo mắm.

Đưa tay chỉ ra vườn dừa mấy trăm cây khắp đảo, chị Nữ bảo vườn dừa này là của cha đạo cho giống. Sau những lần vào đảo Hòn Thơm mà ông Bảy Yên quen được cha đạo; thấy tình cảnh vợ chồng ông khổ quá, cha cho tiền mua giống dừa về trồng, sẵn đất, ông bà cứ trồng khắp những nơi có thể trồng được.

Từ nơi dựng lều ở sát biển ban đầu, ông bà khai hoang, lấn sâu vào trong đảo thêm hai bãi nữa để trồng hoa màu và trồng dừa. Ông tự đặt tên cho hai nơi ấy là Mây Rút, bãi giữa và bãi trong. Cứ mỗi bãi ông lại dựng thêm một cái chòi. Mùa biển lặng thì sống ở bãi ngoài, biển động thì rút vào trong. Bây giờ, cả ba bãi đều là rừng dừa, mỗi năm cũng thu được vài triệu.

Khi cuộc sống đỡ cơ cực thì bà lại tiếp tục... sinh con, mà sinh thêm những 4 đứa nữa chứ không ít. Sống giữa biển khơi, mỗi lần bà sinh, bà đỡ không ai khác mà chính là ông. Tự ông đỡ đẻ, cắt rốn cho 4 đứa con. Và hình như trời cũng thương cho cuộc sống Robinson mà cả 6 đứa hầu như chẳng bệnh tật gì, cứ ăn cứ lớn. --PageBreak--

Như một lẽ tự nhiên ở đời, khi các con lớn thì chúng cũng lần lượt lấy vợ lấy chồng, mà toàn người ở đất liền. Không chỉ 4 anh con trai lấy vợ rồi ở lại đảo, 2 cô con gái lấy chồng, chồng cũng ở lại luôn chứ chẳng ai về đất liền. Bây giờ, ông bà có tới 32 đứa cháu nội ngoại vì các con đều “chịu khó” đẻ như cha mẹ, chỉ có chị Nữ không có con nên xin 1 đứa con nuôi. Ông bà cũng có tới 5 đứa chắt, mà toàn ở đảo, xa nhất cũng chỉ ngay đảo Hòn Thơm đi ghe mất chừng 1 tiếng.

Sau ngày giải phóng, ông Yên lên huyện xin được sở hữu hòn đảo này và không nhận bất cứ khoản trợ cấp nào dành cho người theo kháng chiến. Và đề nghị ấy được chấp nhận. Sau mấy chục năm khai phá, bây giờ, có thể nói không quá rằng, Mây Rút là hòn đảo nhiều dừa nhất và cũng đẹp vào loại nhất nhì Phú Quốc. Mấy năm nay, người ta đi du lịch ra Phú Quốc càng nhiều, và có những người sau một lần tình cờ ghé lên đảo đã mê luôn cái cảnh hoang sơ này nên gạ mua đứt.

Chị Nữ kể rằng, năm ngoái có mấy người ở Sài Gòn đi tàu ra đây gặp gia đình, đề nghị mua lại toàn bộ đảo, giá bao nhiêu cũng được. Khi thấy ông không đồng ý thì lại gạ ông bà bán cái bãi rộng nhất, ban đầu trả 800 triệu, khi ông từ chối thì họ trả luôn 1 tỉ nhưng ông vẫn không bán. Họ đành ra về nhưng vẫn để lại số điện thoại và dặn chị bao giờ bán thì gọi điện, họ sẽ ra ngay.

Hồi ông còn sống, thỉnh thoảng lại có một nhóm khách du lịch, tây có, ta có đi tàu ra đảo tắm; nhưng trời ạ, họ ra đây để... “tắm tiên”, rồi cứ nằm phơi trên bãi cát, ông già nổi đóa, đuổi thẳng và cấm tiệt từ đấy.

Nghe chúng tôi hỏi lẽ nào lại chê khoản tiền lớn như vậy; sao không bán đi rồi về đất liền, hay ít ra cũng vào trong Phú Quốc sống cho vui? Chị Nữ bảo: “Sáu anh em tui bây giờ toàn nghèo cả chứ có giàu có gì mà bảo chê tiền tỉ, nhưng đây là công sức ông bà già bỏ cả đời mới được thế này, giờ mộ của ông già cũng đặt ở đây nên không nỡ bán, mà sống mãi ở đây cũng thấy quen rồi”.

Đảo “nhiều không” và những robinson thất học

Dù bây giờ hòn đảo đã có giá tới tiền tỉ, nhưng Mây Rút vẫn là hòn đảo “nhiều không”: không điện, không nước sạch (vì thường xuyên ăn nước không sạch nên tất cả những người trong gia đình này đều bị hỏng răng; đứa con thứ 4 của chị Út năm nay đã 10 tuổi mà vẫn không mọc được răng cửa) và nhất là không được học hành. Trong 6 người con của ông bà Bảy Yên chỉ có một người biết chữ nhờ ngày đi bộ đội được học xóa mù.

Ngấm cái khổ của người thất học nên sau này, 4 anh con trai khi lập gia đình đều lần lượt dời nhà vào đảo Hòn Thơm, chấp nhận sống khốn khó, chật chội hơn để con được đi học. Vì thế bây giờ chỉ hai gia đình chị Nữ và chị Út ở lại. Mấy năm trước, chị Nữ cũng gửi đứa con trai vào trong Hòn Thơm cho đi học. Nhưng mới hết cấp 1 thì nó kêu chán nên bỏ học, về đi biển với bố.

òn 7 đứa con của vợ chồng chị Phạm Thị Út, dù 6 đứa đang ở tuổi đi học nhưng chưa bao giờ chúng được nhìn thấy trường học vì bố mẹ chúng không có tiền để mua đất, làm nhà trong Hòn Thơm; cũng không thể gửi 6 đứa vào đó để đi học.

Năm ngoái, vợ chồng chị cũng đã mời một cô giáo mới ra trường nhà ở Phú Quốc chưa xin được việc làm ra đây dạy học cho bọn trẻ với mức lương 1 triệu đồng/tháng và nuôi cơm. Nhưng mới được 1 tuần, không chịu nổi cái buồn của đảo nên cô giáo xin thôi. Để lo cho tương lai của 7 đứa con không học hành, vợ chồng chị Út đã khai phá thêm một hòn đảo hoang nữa

Nguyễn Thiêm - Thuận Thiên
.
.
.