“Robinson” Hòn Chuối

Thứ Sáu, 09/06/2006, 08:43

Mới 56 tuổi nhưng "Robinson" già như một ông lão thất thập cổ lai hi. Đôi bàn tay quen bới đất, lật cỏ tìm kế sinh nhai đã sạn chai đến mức cả một nồi lẩu đang sôi sùng sục ông chỉ dùng tay không bắc lên, bắc xuống. Hơn ba thập kỷ sống trên hòn đảo này, ông chưa biết ốm đau, bệnh tật là gì.

Đảo Hòn Chuối nằm trên vùng biển Tây Nam thuộc hải phận tỉnh Cà Mau. Vào những ngày nắng đẹp, đứng trên boong tàu từ khoảng cách 2-3 hải lý nhìn lại, hòn đảo này giống như một quả chuối xanh khổng lồ nằm phơi mình giữa biển khơi.

Cái đêm hôm ấy ... ra đi!

Tôi may mắn được theo các thủy thủ tàu HQ.627 - Vùng E Hải quân đi tuần tra trên vùng biển Tây Nam và ghé đảo Hòn Chuối vào một ngày nắng đẹp. Hòn Chuối hoang sơ đến bí hiểm. Xung quanh vách đá dựng đứng cao hàng chục mét. Ở đảo, ngoài Phân đội S.15, Vùng E Hải quân và Đồn Biên phòng B.04 chỉ có khoảng chục hộ dân.

Hầu hết các hộ dân đều dựng những căn chòi lá tạm bợ bên ghềnh đá tá túc qua ngày sau những chuyến đi biển, ngoại trừ một người đã gắn bó với đảo hơn 33 năm nay, đó là ông Ngô Văn Chiến, quê ở Cái Đôi Vàm, Cà Mau. Ông Chiến là người đầu tiên tìm đến Hòn Chuối sinh sống, được người dân vùng biển đảo này coi như một "Robinson". Câu chuyện của người đàn ông này đầy hoang sơ và huyền bí như chính sự huyền bí, hoang sơ của hòn đảo mà ông đã gắn bó gần trọn kiếp người…

Tôi gặp ông Chiến tại bữa cơm thân mật trên đảo do cán bộ, chiến sỹ Phân đội S.15 tổ chức. Ông Chiến được cánh lính trẻ gọi bố bố con con một cách thân mật. Mỗi lần có tàu ra đảo hoặc vào các dịp lễ, Tết, liên hoan, ông đều được mời dự như một bậc cha, chú trong đại gia đình.

Mới 56 tuổi nhưng "Robinson" đã già như một ông lão thất thập cổ lai hi. Gương mặt nhăn nheo, sạm đen, khắc khổ, mái tóc bạc gần hết. Đôi bàn tay quen bới đất, lật cỏ tìm kế sinh nhai đã sạn chai đến mức cả một nồi lẩu đang sôi sùng sục nhưng ông chỉ dùng tay không bắc lên, bắc xuống mà không hề biết… nóng. Hơn ba thập kỷ qua sống trên hòn đảo này, ông chưa biết ốm đau, bệnh tật là gì. Ông bảo: Dường như trời sinh ra thế.

"Robinson" rất ít nói. Và mỗi khi nói thì rất chậm rãi. Điều đó cũng không có gì lạ bởi mãi những năm sau này mới có người ra đảo sinh sống. Còn trước đó, suốt mười mấy năm, ông chỉ độc thoại với chính mình. Ngôn ngữ của thế giới xung quanh chỉ là tiếng xào xạc của lá rừng, tiếng rì rào của sóng biển… và sôi động, vui vẻ hơn một chút là tiếng hót của chim, tiếng kêu của thú… Ít nói nên mọi ngôn ngữ dường như lặn hết vào trong tâm can ông, cô đặc lại trong ký ức. Dẫu đời người đã qua bên kia sườn dốc nhưng những gì xảy ra ngày ấy, cái đêm định mệnh hôm ấy, cách đây hơn 33 năm thì với ông vẫn như mới hôm qua…

Những mái nhà tạm của ngư dân vên ghềnh đá đảo Hòn Chuối
Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra ác liệt khắp các vùng quê Nam Bộ. Cái Đôi Vàm là một vùng quê cách mạng nóng bỏng. Những thanh niên mới lớn như Chiến đều bị chính quyền Sài Gòn lùng sục bắt đi lính. Đầu năm 1971, ba của Chiến gọi con trai xuống hầm bí mật rồi bảo:

- Mày phải lấy vợ thôi. Ẩn nấp mãi thế này không ổn. Lấy vợ xong tao sẽ tìm cách cho mày đi theo cách mạng, chỉ cần mày sinh cho tao một đứa cháu nội. Tình hình ngày càng căng thẳng. Có chết thì cũng chết vinh quang cho cách mạng chứ không thể để bọn chúng bắt mày đi lính, bắn lại đồng bào mình rồi chết nhục.

Chiến có vợ. Đầu Xuân 1972 anh được làm cha. Nhưng chính vào thời điểm đó, Chiến lại bị Quân đội Sài Gòn lùng sục hết sức gắt gao. Chúng dọa sẽ bắt vợ con anh vào trại cho đến lúc nào Chiến ra trình diện, chấp nhận đi lính mới thôi. Tình hình nguy cấp, không thể giấu thân mãi chốn này được, ba của Chiến ghé tai con thì thầm:
- Phải trốn thôi con ơi. Ra biển, tìm đến một hòn đảo nào đó may ra mới được yên thân…
- Nhưng còn vợ con con…
- Đừng lo - người cha an ủi - Ba má sẽ nuôi cháu. Con trốn ra đảo thì may ra mới mong có ngày về mà nhìn mặt vợ con. Đêm mai ba sẽ đưa con đi.

Chiến nghẹn ngào nén cho nước mắt chảy vào trong. Đứa con đầu lòng vừa mới chào đời còn đỏ hỏn trong vòng tay người vợ hiền đang khóc nấc lên từng cơn. Chiến tranh. Ôi! Chiến bặm môi. Trăm mối tơ vò giằng xé tâm can. Mảnh đất quê đã hết chỗ dung thân. Ra đảo, nghĩa là đánh đổi mạng sống cùng trời biển. Nhưng ở lại mà bị bắt đi lính thì chết nhục. Thôi đành! Ra đi là cách tốt nhất.

Đêm 13/3/1972, Chiến lao lên khỏi cửa hầm ôm lấy vợ con lần cuối. Anh muốn hét toáng lên nhưng mọi âm thanh buộc phải dồn nén trong cổ họng. Gà gáy canh đầu, hai bóng đen lầm lũi xuống bến mang theo một bao tải to tướng được phủ tấm lưới đánh cá để ngụy trang. Trời đêm vắng vẻ đến rợn người. Trăng đầu tháng luênh loang mờ ảo. Thỉnh thoảng phía cuối ấp vọng lên tiếng chó sủa uể oải.

Chiếc xuồng đánh cá hướng mũi ra cửa sông. Mái chèo khua rất nhẹ, rất nhẹ. Khi bờ biển đã mờ dần sau lưng họ mới dám nổ máy. Họ nhắm phía trùng khơi lao đi… Đi mãi, đi mãi, bỗng từ xa xuất hiện một vệt xanh mờ. Ba của Chiến reo lên: "Nó đấy" rồi cho xuồng thẳng tiến. Chiếc xuồng nhỏ đưa hai cha con cặp vào ghềnh đá một hòn đảo.--PageBreak--

Chiến ngước lên, xung quanh vách đá dựng đứng cao quá đầu người. Cây rừng mọc ken dày trong từng hốc đá. Chiến như mở cờ trong bụng khi phát hiện ra hòn đảo này có rất nhiều chuối rừng. Những buồng chuối chín vàng ươm làm mồi cho đàn dơi hoang. Hai cha con khiêng chiếc bao tải lên bờ. Trong đó, ngoài gạo, muối, giống lúa, đậu, khoai… là một con dao, một lưỡi cuốc, vài cái xoong nhỏ, mấy chục hộp diêm.

"Ba phải về ngay không chúng nó nghi. Con ráng sống ở đây. Khi nào thuận lợi ba sẽ tiếp tế thêm lương thực" - người cha nói với con bằng giọng run run. Hai cha con ôm nhau tạm biệt trên ghềnh đá. Chiến nhìn theo chiếc xuồng của cha cho đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ mất hút giữa trùng khơi rồi mới bám theo những mỏm đá leo lên đảo. Anh chọn một hang đá sâu, chặt cây rừng lợp thành lán để ở, bắt đầu một cuộc sống của "Robinson" giữa chốn trùng khơi.

Được cái trời cho là đất đai ở đảo có những khu vực rất tốt. Cây cối gieo trồng cứ xanh um. Khi lương thực mang theo đã cạn, Chiến sống chủ yếu bằng quả chuối rừng cho đến khi sắn khoai, lúa, đậu anh gieo trồng được thu hoạch. Một vụ, hai vụ, rồi nhiều vụ trôi qua, lương thực anh làm ra chất hàng đống nhưng chờ mãi, đợi mãi chẳng thấy bóng dáng người thân. Chiến cứ sống như thế. Mỗi khi bình minh bắt đầu tỏa sáng, anh lại nhặt một hòn sỏi bỏ vào một cái hố.

Hàng ngày Chiến vẫn leo lên những mỏm đá hướng mắt ra biển mênh mông ngắm những chiếc tàu lẻ loi lam lũ đánh cá phía xa xa. Thỉnh thoảng vẫn có những con tàu của ngư dân cặp vào đảo. Có bóng người leo lên các mỏm đá dưới ghềnh nghỉ ngơi, nấu ăn. Chiến biết nhưng không dám xuống gặp họ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ dậy lên trong anh. Những năm ở đảo đã biến chàng thanh niên đô con ngày nào thành một "người rừng" thứ thiệt. Tóc râu tua tủa phủ hết cả mặt, tràn xuống ngực, phủ xuống lưng. Khi hố sỏi đã đầy tràn, Chiến vốc ra đếm. Hơn một ngàn viên tất cả. Chiến bấm đốt ngón tay, thế là đã 3 năm có lẻ trôi qua. Bóng dáng người cha với con xuồng nhỏ ngày nào vẫn bặt vô âm tín.

- Sau này tui mới biết ba tui nhiều lần chở đồ tiếp tế cho tui nhưng không tìm tới hòn đảo này được. Muốn đi phải có sơ đồ, sa bàn. Ba tui đâu có quen đi biển. Giữa chốn mênh mông, biết đâu mà tìm - ông Chiến ngửa cổ uống cạn li rượu rồi "khà" một tiếng khoan khoái - Thời gian đầu tui buồn lắm. Về sau quen dần. Tui lấy công việc làm vui. Cho đến một ngày, tui biết tin miền Nam đã giải phóng hoàn toàn, tui chạy nhảy, hét vang khắp đảo…

Cái ngày ấy nắng rất đẹp. Chiến ngóng ra biển và bỗng thấy một khung cảnh rất lạ. Tàu ghe từ đâu tràn ra biển rất nhiều. Trên các nóc ghe ấy đỏ rực màu cờ. Nhiều ghe tàu ghé vào đảo. Ngư dân leo lên các phiến đá mở to radio. Họ hát theo các ca khúc được phát trên đài. Họ vui sướng hô vang: "Giải phóng rồi. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng rồi". Chiến bật dậy như một chiếc lò xo. Anh rẽ cây rừng lao như tên bắn xuống ghềnh đá. Vừa chạy vừa hô: "Giải phóng rồi. Miền Nam giải phóng rồi". Từ hôm ấy, Chiến trở lại làm người bình thường. Anh được các ngư dân giúp cắt tóc, cạo râu và qua họ bắt liên lạc về nhà. Không lâu sau đó, cha của anh đã theo tàu ra đảo đón con. Chiến trở về nhà sau những tháng năm dài sống kiếp người hoang.

Về nhà rồi. Sống trong cảnh hòa bình, hạnh phúc bên mái ấm gia đình nhưng lòng dạ Chiến cứ ngổn ngang. Anh nhớ đảo. Nhớ da diết. Mọi thứ ở đất liền với Chiến bỗng trở nên xa lạ. Điều kiện làm ăn ở mảnh đất quê cũng khó khăn. Ra đảo khai hoang, trồng trọt cũng dễ sống lắm. Thế rồi Chiến lại tìm đường trở lại Hòn Chuối…

Tóc trắng, rừng xanh, một kiếp người

Hơn 33 năm trôi qua. Một số hộ gia đình đã theo "Robinson" lần lượt ra đảo làm rẫy, trồng trọt. Xong vụ thu hoạch, họ lại về đất liền. Còn ông thì ở riết từ bấy đến nay. Mỗi lần ra đảo về là vợ ông lại sinh thêm cho ông một đứa con. Cả thảy là 7 đứa. Đứa nào cũng ở đất liền ăn học. Vài năm một lần các con ông mới theo tàu ra đảo thăm cha.

Từ năm 1991, Phân đội S.15 Vùng E Hải quân và Đồn Biên phòng B.04 lần lượt ra đảo xây dựng doanh trại đóng quân thực hiện nhiệm vụ. Bộ đội ở đảo trở thành điểm tựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Bãi ghềnh đá trở thành nơi neo đậu của ghe tàu. Một số hộ dân dựng những căn chòi tạm bợ mở các dịch vụ phục vụ người đi biển. Hòn Chuối không còn hoang vu. 

Ông Chiến dẫn tôi đi tham quan khu vườn và những khu vực trồng cây lâu năm trên đảo. Những cánh rừng xanh ngút mắt làm cho không gian đảo mát rượi. Vườn của ông giờ đây đủ các loại cây ăn trái và rau, củ. Con dao ngày ấy đã mòn vẹt, mỏng tang như lá lúa. Lưỡi cuốc chỉ còn lại vòng khâu. Mỗi ngày, khi một cây xanh được trồng cũng là lúc mái đầu ông thêm sợi bạc. Hơn 3 thập kỷ sống ở đảo, dường như ông không hề biết đến sự ganh đua, suy tính thiệt hơn, không chịu bất cứ một áp lực nào (bởi có ai đâu để mà cạnh tranh). Thế nên cái nghĩ của ông cứ trong veo như nước suối, lời nói cứ thẳng tuột như cây rừng. Ông yêu quý hết thảy mọi người, dù mới chỉ gặp lần đầu. Có ông, những người lính đảo như được sưởi ấm hơn trong không khí gia đình.

Hiện nay, Hòn Chuối không chỉ là một hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển Tây Nam mà còn mang giá trị to lớn của một khu bảo tồn sinh quyển giữa trùng khơi. Những mảng rừng ông Chiến trồng đã và đang góp phần làm giàu thêm giá trị ấy. Các con ông giờ đã trưởng thành. Chúng nằng nặc xin ông về đất liền để gia đình sum họp nhưng ông không thể rời xa hòn đảo này được. Cạn với tôi một li, ông bảo: Tui ở đây quen rồi. Mỗi người sinh ra đều có số mệnh. Có lẽ kiếp người của tui đã thuộc về hòn đảo này. Mai này có chết đi thì cũng xin được gửi nắm xương già ở chốn này thôi…

Phan Tùng Sơn
.
.
.