Nhân ngày Truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2014):

Ra đi theo tiếng gọi non sông

Thứ Ba, 15/07/2014, 09:36
Một sáng trung tuần tháng 7, trong cơn mưa dông tầm tã, tôi tìm tới nhà của ông Trần Nguyên Minh (Nhất Nguyên) ở một con ngõ nhỏ phố Linh Lang (Ba Đình - Hà Nội). Lúc gặp ông, tôi mới biết rằng, ông từng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an Viễn Chi, đã từng động viên ông lên đường chiến đấu vì bình yên của Tổ quốc.

Một thời để nhớ

Ông Trần Nguyên Minh  nay đã ở tuổi cổ lai hy (70 tuổi), nhưng vẫn nhanh nhẹn và lãng mạn yêu đời. Dường như chất lính trong ông vẫn không vơi cạn, sau khi nghỉ hưu, ông lại bắt tay vào viết sách, viết báo và ông viết nhiều những bài viết xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của người cha thân yêu (cố Thứ trưởng Viễn Chi)…

Lần giở những bài viết, những cuốn hồi ký về một thời thanh xuân đã từng in đậm trong trái tim, ông Minh kể. Năm 1960, chàng thanh niên Trần Nguyên Minh là học sinh Trường Trưng Vương II, là một học sinh giỏi của Thủ đô, là cháu ngoan Bác Hồ. Năm 1963, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Minh đã tạm biệt cha mẹ, thầy cô và bè bạn, cùng với 1.000 bạn trẻ học sinh và giáo viên Thủ đô, Minh có mặt trong “Đội thanh niên Tháng Tám” Thủ đô xung phong đi xây dựng kinh tế miền núi làm giàu cho Tổ quốc thân yêu. Khó có thể kể hết những khó khăn gian khổ khi rời mái ấm gia đình, cậu học trò bắt đầu một cuộc sống mới, lao động và phấn đấu hết mình…

Nhớ lại những ngày ấy, ông Minh sôi nổi hào hứng hẳn lên: “Chúng tôi rời Hà Nội, đi tàu xuống Hải Phòng là nỗi nhớ nhung tràn ngập, xa phố phường Thủ đô mà dũng cảm nhìn thẳng vào những khó khăn thử thách, thiếu thốn của đất nước để vượt qua và chiến thắng”. Với ý chí và quyết tâm “đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Từ nay chúng tôi sẽ là những người “trồng rừng”, giường ngủ là những chiếc dát giường tre kê dưới đất, lúc mưa bão phải thức để hứng nước nhà dột. Hằng ngày dậy sớm vác cuốc lên đồi trọc để đào hố trồng cây, thông trồng trên đồi cao, bạch đàn trồng dưới thung lũng. Mỗi ngày, làm việc bắt đầu từ 5h30 sáng đến 4h30 chiều mới về. Cứ trồng cây tới khi bụng đói thì rủ nhau về. Để giữ sức, buổi trưa phải chui đầu vào gốc sim, còn cả thân mình trải dài dưới nắng làm một giấc ngon lành.

Lực lượng TNXP góp phần mở đường, xây dựng quê hương mới.

Tháng 10 năm đó, ông được điều động vào Hoành Bồ (Quảng Ninh) để làm đường vận chuyển lâm sản. Từ lâm trường Yên Lập đến công trường làm đường khoảng 17km. Để đến nơi, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong Thủ đô đã phải “cuốc bộ”, trên vai lỉnh kỉnh nào cuốc, xẻng, cuốc chim, xà beng. Ở Hà Nội, gia đình có người giúp việc, nên Trần Nguyên Minh không phải vất vả  làm lụng, mà chỉ tập trung vào học hành và trông em. Cho nên, lúc phải gánh gồng vất vả, chàng thanh niên Thủ đô đã cố gắng chịu đựng và vượt qua.

“Hồi đó tôi nặng 45kg thế mà đã gánh 60kg và đi 17km, ì ạch mãi từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mới đến nơi. Khi đến, mọi người bảo trong rừng chúng tôi vừa qua có hổ dữ, thật là hú vía…”, ông Minh sợ hãi. Thế rồi, mọi nỗi sợ hãi, hiểm nguy cũng trôi qua, từ những bàn tay cầm bút, nay phải quai búa tạ để xẻ núi làm đường, rồi học cách gài mìn, đốt dây cháy chậm để nổ mìn phá đá… thanh niên Hà Nội chỉ quen cầm bút mực,  sách vở, nay quai búa, đục đá, san lấp, vận chuyển đất đá làm đường là cực kỳ vất vả, mệt nhọc. Tay mọi người bật máu vì bong da nhưng rồi lòng dũng cảm, kiên cường đã giúp họ vượt qua.

Cha-con gặp nhau nơi chiến trường khói lửa

Trong món ăn hằng ngày của những thanh niên xung phong “phá đá mở đường” ngày đó, thực đơn chủ yếu là ít cá khô bị mốc, gạo mọt, ớt “chỉ thiên” dầm muối. Đặc biệt là mùa đông tái tê nơi biên giới nước cũng phải đóng băng, áo chỉ có 2 chiếc mỏng manh khiến bệnh tật cứ triền miên…5 năm làm lụng ở Quảng Ninh đã “tặng” cho ông căn bệnh viêm họng mãn tính cứ ho khùng khục mỗi khi trời lạnh cho tới tận bây giờ. Sống ở nơi rừng thiêng nước độc, họ không biết rằng nguồn nước dùng để nấu cơm, nước uống tắm giặt là của thượng nguồn con suối, nơi có rừng lim bạt ngàn. Khi lá lim rụng xuống gặp nước bị thối rữa cuốn trôi theo dòng chảy. Người dân bảo, nước này có độc tố cao, nếu ăn uống, tắm rửa đều bị ghẻ lở hắc lào, nhưng đó là nguồn nước duy nhất nên chúng tôi đành phải… chịu. Đáng thương và trân trọng nhất là các bạn nữ, những cô gái là thanh niên, học sinh Hà Nội, sống cảnh rừng thiêng nước độc vẫn gắng vượt qua. Khổ cực, thiếu thốn đã khiến nhiều người đổ bệnh, những người còn lại phải lê chân từng bước mà vẫn hát vang bài “Tiến bước dưới quân kỳ” và bài “thanh niên sôi nổi” mà khi làm đường sắt xuyên Xiberi, Paven, các bạn của anh vẫn thường hay hát… Điều quan trọng nhất, cuối cùng con đường đã hoàn thành trước kỳ hạn…

Như đã hứa, những thanh niên tình nguyện đã đem hết sức lực tuổi thanh xuân tham gia phát triển kinh tế và văn hóa miền núi, đem lòng nhiệt tình, hăng say của tuổi trẻ cũng như tâm hồn, nhiệt huyết và đạo đức, văn hóa của Thủ đô đến với vùng rừng núi hoang vu. Họ biến những nơi này thành những ruộng lúa, rừng chè, nương sắn tốt tươi. Họ đã xây dựng những con đường mới để đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Với những thành tích xuất sắc, Trần Nguyên Minh đã được cơ quan cho phép về học dự bị đại học, năm 1969, thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội (khoa chế tạo máy). Năm 1971, khi học hết năm thứ hai, Tổ quốc lâm nguy và kêu gọi thanh niên, sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng ấy, tại hội trường C2, Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội, Trần Nguyên Minh đã đại diện cho hàng trăm sinh viên Đại học Bách khoa cũng như thanh niên cả nước hứa với các thầy cô, gia đình và nhân dân “ra đi giữ trọn lời thề, đánh xong giặc Mỹ mới về Bách khoa”.

Được huấn luyện quân sự 3 tháng, Trần Nguyên Minh xung phong tham gia chiến dịch Trị Thiên mà cực điểm là bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Hai năm liền 1972 và 1973, người lính xuất sắc ấy đã được bầu là Chiến sĩ Thi đua, được Bộ Tư lệnh mặt trận Trị Thiên tặng Bằng khen và chi đoàn (Trần Nguyên Minh là Bí thư) được tặng Cờ Nguyễn Văn Trỗi là phần thưởng cao nhất đối với tập thể chi đoàn lúc bấy giờ. Và, niềm vui bất ngờ đã đến với ông giữa chiến trường khói lửa. Tháng 3 năm 1972, trên đường vào Quảng Trị công tác, cha ông (Thứ trưởng Bộ Công an Viễn Chi) đã có dịp gặp đứa con trai yêu dấu. Hai cha con chỉ gặp nhau trên một chuyến phà, sau đó họ chia tay để tiếp tục vào chiến đấu vì miền Nam ruột thịt… Đầu năm 1973, ông được vinh dự kết nạp Đảng, đầu năm 1975 tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đất nước thống nhất, non sông liền một dải, khi đó người lính trở về tiếp tục nghiên bút học tiếp Đại học Bách khoa và trở thành kỹ sư chuyên ngành chế tạo máy chính xác. Kế tục truyền thống gia đình, ông tiếp tục công tác trong lực lượng Công an nhân dân tới ngày nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Bây giờ, niềm vui lớn nhất của ông là gia đình hạnh phúc, con trai lớn đang học tập tại Pháp, con gái chăm ngoan học giỏi… là điều ông hằng mong ước

Kim Quý
.
.
.