Quy định rõ về hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Thứ Năm, 20/07/2006, 13:25

Hoạt động bảo vệ là công việc đối mặt với những nguy hiểm, phải tiếp xúc và cảnh giác với mặt trái của xã hội như côn đồ, trộm cướp... Thế nhưng, Nhà nước chỉ cho phép bảo vệ được sử dụng gậy gỗ (dài không quá 60cm), bộ đàm và máy dò kim loại.

Xã hội hiện đại kéo theo hàng loạt vấn đề có thể chi phối ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, quá trình làm ăn, sản xuất kinh doanh của từng cá nhân, đơn vị. Họ cần một môi trường an toàn để tự giải quyết các quan hệ ở mức chưa cần đến pháp luật. Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã ra đời và có vẻ phát đạt. Đến nay, sau 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 14/CP về việc quản lý hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ đặc biệt này đã có trên 300 doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ bảo vệ.

Tuy nhiên, đây là loại dịch vụ rất nhạy cảm, liên quan đến sự an toàn của đối tượng bảo vệ và cần được bảo vệ. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn nghị định hầu như còn rất sơ sài là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, hoạt động có xu hướng biến tướng. Trong đó, ranh giới giữa bảo vệ và vi phạm pháp luật không rõ ràng, không biết ai đang bảo vệ ai đang là nguy cơ số một đe dọa tới trật tự an toàn xã hội.

Ra đường gặp... nhân viên bảo vệ

Đi tiên phong trong lĩnh vực này là 2 thương hiệu lớn: Thăng Long và Hoàng Gia. 5 năm trước, hình ảnh những nhân viên bảo vệ tại các "mục tiêu" đã khiến nhiều người kinh ngạc và không biết họ thuộc lực lượng nào, của Quân đội hay Công an. Chỉ thấy họ cũng sao mũ, hàm, hiệu, bộ đàm, gậy điện, trang phục, đi đứng nghiêm nghỉ theo kiểu nhà binh. Không có một quy chuẩn nào về sắc phục nên tất cả na ná như nhau. Mỗi doanh nghiệp có cách giải thích khác nhau nhưng họ giống nhau về ý tưởng: Phải làm sao cho dữ dằn là được.

Trước chỉ có những công ty lớn mới thuê nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp. Còn nay, mở một quán phở, tiệm cà phê, cửa hàng uốn tóc, gội đầu cũng nghĩ tới việc cần phải có nhân viên bảo vệ. Chẳng biết họ tác nghiệp như thế nào, chỉ thấy ngày ngày bắc ghế ngồi trước cửa, tay nhí nhoách điện thoại di động, hết giờ đổi ca hệt như lực lượng chính quy.

Một chủ tiệm phở ở đường Đinh Tiên Hoàng (Hải Phòng) giãi bày: Có nhân viên bảo vệ ăn mặc chỉnh tề túc trực bên ngoài cũng làm hạn chế những kẻ lưu manh, nghiện ngập, bén mảng. Nếu không có việc gì làm thì... trông xe cũng tốt chứ sao. Và đó là lý do khiến chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã có tới trên 300 công ty, tập trung rất nhiều ở các đô thị lớn. Ngay ở Hải Phòng, đến giờ cũng đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký hành nghề có khả năng cung cấp không hạn chế nhu cầu về nhân viên bảo vệ.

Theo Nghị định 14/CP, nhân viên bảo vệ là người có đầy đủ phẩm chất của một công dân, nắm vững kiến thức cơ bản về pháp luật, được huấn luyện nghiệp vụ và thực hiện những công việc theo khuôn khổ pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, có rất ít doanh nghiệp hành nghề bảo vệ đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu, chung chung này.

Trong khi đó, hoạt động bảo vệ hiểu theo nghĩa đen thôi đã thấy là công việc đối mặt với những nguy hiểm, phải tiếp xúc và cảnh giác với... mặt trái của xã hội như côn đồ, trộm cướp... Thế nhưng, Nhà nước chỉ cho phép bảo vệ được sử dụng gậy gỗ (dài không quá 60cm), bộ đàm và máy dò kim loại, ngoài ra không được phép sử dụng bất kỳ công cụ hỗ trợ nào khác.

Với những công cụ hỗ trợ đó, họ có bảo vệ được chính bản thân mình hay không? Năm 2004, tại quán bar Đông Dương, Lạch Tray, Hải Phòng, những nhân viên của Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu bị những đối tượng quá khích tấn công làm mấy nhân viên bị thương phải đưa đi cấp cứu...

Nhiệm vụ nguy hiểm là vậy, nhưng quyền lợi của bảo vệ chuyên nghiệp cũng chưa được Nhà nước quy định rõ ràng. Hiện bảo vệ của doanh nghiệp nào thì hoạt động theo quy chế, hưởng quyền lợi theo quy định của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, chẳng ông chủ nào dám và đủ tư cách đảm bảo quyền lợi cho nhân viên bị thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Vậy là, nếu có xảy ra rủi ro, bị thương hoặc thiệt mạng thì mọi chế độ, quyền lợi của họ phải trông chờ vào lòng tốt của doanh nghiệp?

Nhà nước chưa giám sát chặt chẽ

Rõ ràng bảo vệ là nghề nguy hiểm và rất nhạy cảm. Nếu nhân viên bảo vệ không biết giữ mình hoặc làm quá phạm vi là trở thành người bảo kê. Thậm chí trở thành đối tượng phạm tội. Bằng chứng đắt giá nhất là vụ 2 vệ sỹ của Công ty Bảo vệ Yuki Sepre đã lợi dụng danh nghĩa để bắt cóc tống tiền và đã phải lĩnh án phạt tổng cộng 30 năm tù. Cứ đà này mà diễn thì không bao lâu nữa, xã hội sẽ đặt câu hỏi: Ai bảo vệ ai?

Vì sao hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ cho đến nay vẫn chưa thực sự đi vào nề nếp. Đó chẳng qua là sự thiếu sót của cơ quan ban hành văn bản pháp quy. Cho phép hoạt động từ năm 2001 nhưng mãi đến 4 năm sau mới có văn bản về chế tài xử phạt hành chính về lĩnh vực này. Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa có chương trình đào tạo cụ thể, thống nhất đối với lực lượng bảo vệ.

Hiện giáo trình đào tạo nhân viên bảo vệ đều do doanh nghiệp tự "sáng chế", sau đó trình cơ quan chức năng kiểm duyệt. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp đào tạo một kiểu. Có nơi tập trung dạy võ, có chỗ lại thiên về nghiệp vụ "tình báo", "điều tra" bằng cách cho nhân viên xem thật nhiều phim thể loại trinh thám, hình sự...

Không những thế, việc tuyển dụng nhân viên cũng rất tùy tiện, tuyển dụng nhân viên bảo vệ chưa đủ 18 tuổi. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự nhập nhèm này để tuyển sinh đào tạo theo kiểu lừa đảo, thu tiền của người lao động. Thậm chí, công việc này không có tiêu chí rõ ràng để sàng lọc các phần tử xấu. Đã có nhiều người phản ánh rằng: "Hôm trước còn thấy hắn phất phơ, láo liếc ở... bến xe, nay đã thấy hắn cân đai mũ mão, mặt vếch ngược. Thật chẳng hiểu ra sao?". 

Minh Lê
.
.
.