Nhân khánh thành cầu dây văng Rạch Miễu trên QL 60:

Quê hương Đồng Khởi sẽ cât cánh

Thứ Hai, 19/01/2009, 09:58
Trong nắng xuân ấm áp, nhiều người dân ba dãy cù lao ngút ngàn màu xanh của dừa phấn khởi bộc bạch với tôi: "Tưởng chuyện xây cầu vượt sông Tiền, phá thế ốc đảo của Bến Tre chỉ là điều trong mơ hoặc nếu làm được phải chờ thêm nhiều năm nữa. Ai dè nay điều đó đã là sự thật. Rồi quê hương Đồng Khởi sẽ khá lên cho mà coi...".

Trước ngày 19/1 - cầu Rạch Miễu khánh thành, đưa vào sử dụng, PV Báo CAND đã về xứ dừa Bến Tre và ghi được nhiều câu chuyện thể hiện niềm tin mãnh liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây trước cơ hội mới.

Cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó phần chính là cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối từ bờ Mỹ Tho sang cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) dài 1.878m, khổ cầu rộng 12m, tĩnh không thông thuyền 37,5m và trụ tháp cao 106m. Ngoài ra, còn có một cầu bê tông dự ứng lực dài 990m, nối cù lao Thới Sơn với xã An Khánh (Bến Tre).

Dự án này còn có 4 nút giao và phần đường nối hai đầu cầu dài 5.162m. Tổng vốn đầu tư (từ nguồn BOT) hơn 1.400 tỉ đồng. Để thi công phần quan trọng, phức tạp về kỹ thuật, trong đó có hai trụ tháp chính vượt sông, CIENCO 1 đã huy động hai đơn vị trực thuộc mạnh, giàu kinh nghiệm là Công ty Cầu 12 (3 lần Anh hùng), Công ty Cầu 14 (2 lần Anh hùng) tới công trường.

Ông Mai Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thạch, xã mà từ hàng trăm năm nay, cùng với những chuyến phà qua lại sông Tiền đã hoàn thành sứ mệnh "đưa khách sang sông" của mình, kể rằng cũng như 1,4 triệu người dân ở xứ dừa này, ông cứ xốn xang, thậm chí mừng đến quên ăn, quên ngủ và nôn nao chờ ngày cầu dây văng đẹp như... trong tranh chính thức đưa vào sử dụng. Xứ dừa, quê hương Đồng Khởi sẽ không còn là ốc đảo, muốn tới phải lụy phà khó khăn và tốn thời gian.

Tôi hỏi về "số phận" của những người dân vốn bao đời nay "ăn theo" bến phà Rạch Miễu, ông Dũng cho biết, đó là thuộc ấp 8 của xã. Có tất cả khoảng 100 hộ dân và khoảng 250 người trực tiếp mua gánh, bán bưng. Thật ra, từ khi cầu Rạch Miễu mới bắt đầu khởi động (30/4/2002), bà con cũng đã tự lo cho cái ngày cầu hoàn thành rồi nên không ai cảm thấy "khó xử".

Vẫn theo lời ông Dũng, mấy ngày trước khi cầu dây văng khánh thành, lãnh đạo địa phương có xuống tìm hiểu thêm lần nữa kế hoạch "thích ứng" của bà con. Qua đó được biết có khoảng 20% bà con nói sẽ chuyển nghề, về nhà để chăm sóc mảnh vườn, thửa ruộng; 20% có điều kiện sẽ tiếp tục công việc mua bán phục vụ khách thập phương bằng cách tìm mua những vị trí đất thích hợp cặp Quốc lộ 60 mới (nối với đường dẫn cầu Rạch Miễu) thuộc ấp 5 và 6 xã An Khánh, cùng thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre).

Với số bà con còn lại (khoảng 50 người), chính quyền xã đã định hướng tham gia vào lao động tại Nhà máy đông lạnh thủy sản 22, vào 12 cơ sở thuộc làng nghề thủ công mỹ nghệ ở ấp 10 (tức cồn Phụng) của xã và 18 điểm du lịch sinh thái, du lịch xanh trên địa bàn xã.

Ông Dũng kể thêm rằng, Tân Thạch là xã Anh hùng lực lượng vũ trang; mấy năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả xã đồng lòng, dốc sức vào công cuộc xây dựng quê hương và đã đưa vị thế của xã vào tốp 3 xã khá của huyện. Cầu Rạch Miễu hoàn thành, bến phà không còn, xã đang chuẩn bị đón cơ hội phát triển mới, trong đó có các dự án du lịch xanh. Sông Tiền đoạn này có 4 cồn mang tên 4 vật tứ linh là Long, Lân, Quy, Phụng. Long và Lân thuộc TP Mỹ Tho (Tiền Giang), 2 cồn còn lại là Quy (thuộc ấp 3) và Phụng (ấp 10) - nằm ngay dưới chân cầu Rạch Miễu từ trước tới nay đúng là ốc đảo nay sẽ có cơ hội "phất cờ".

Cũng trong những ngày cận Tết Kỷ Sửu, PV Báo CAND cũng đã được nghe nhiều bộc bạch của lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Hôm dự lễ khánh thành sân bay Cần Thơ, ông Hùynh Văn Be - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, sung sướng nói điều kỳ vọng với tôi rằng: "Đồng bằng đã có sân bay Quốc tế, còn xứ dừa thì có cầu Rạch Miễu và tới đây là xong cầu Hàm Luông... kinh tế sẽ cất cánh, đời sống của người dân sẽ được nâng lên".

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thái Xây cũng phấn khởi bộc bạch: "Với người dân Bến Tre đây là sự kiện rất trọng đại. Cả người dân và chính quyền đều quá vui mừng khi ước mơ giờ đã thành hiện thực".

Lãnh đạo Bến Tre còn kể thêm rằng, để chuẩn bị cho ngày cầu Rạch Miễu khánh thành, đưa vào sử dụng, tỉnh đã rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư vào 2 KCN hiện có là An Hiệp và Giao Long, ưu tiên các ngành nghề khai thác vùng nguyên liệu sẵn có. Ngay từ những ngày đầu năm 2009, tỉnh đã cấp phép cho dự án đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện cho công nghiệp đóng tàu của Malaysia và dự án xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng xe ôtô của Nhật Bản.

Tỉnh cũng đã thuận chủ trương cho một nhà đầu tư tại TP.HCM triển khai 2 dự án xây dựng khu đô thị mới ở ngoại ô thị xã Bến Tre và khu du lịch, nghỉ dưỡng gần khu vực cầu Rạch Miễu, với tổng mức đầu tư lên tới  1.000 tỉ đồng.

Sau khi cầu Rạch Miễu và Hàm Luông hoàn thành, đường từ Bến Tre đến Trà Vinh, Sóc Trăng theo Quốc lộ 60 sẽ ngắn hơn theo quốc lộ 1A (qua cầu Mỹ Thuận) gần 100 km. Từ Bến Tre đến Vĩnh Long theo quốc lộ 60, tỉnh lộ 884 (Bến Tre) và quốc lộ 57 sẽ ngắn hơn đi theo quốc lộ 1A được 45km.

Trong tâm trạng "vưi mừng không tả xiết" cùng với người dân Đồng Khởi đi qua chiếc cầu mới, tôi bỗng nhớ lời của Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức tại buổi lễ hợp long cầu Rạch Miễu.

Ông nói rằng: "Cầu Rạch Miễu là thành tựu quan trọng của ngành Xây dựng cầu Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Xây dựng giao thông nước ta, người Việt Nam đã tự thiết kế, tự thi công, giám sát và hoàn thành loại cầu dây văng hoàn toàn bằng công sức, trí tuệ và đồng vốn của Việt Nam. Những người thợ Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới và xây dựng được một cây cầu dây văng hoàn hảo".

132 nhân viên bến phà phải nghỉ việc

Ông Phạm Văn Long - Giám đốc Sở GTVT Bến Tre cho biết, sau khi cầu Rạch Miễu khánh thành thì bến phà Rạch Miễu cũng chính thức chấm dứt nhiệm vụ lịch sử hơn 100 năm đưa khách qua sông Tiền. Có 132 nhân viên bến phà phải nghỉ việc hẳn. Theo kế hoạch, Xí nghiệp phà Bến Tre chỉ có thể bố trí việc làm (tại những bến phà khác trong tỉnh) cho 50 nhân viên.

Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu đồng ý tiếp nhận 60 nhân viên của bến phà này sang làm công nhân vệ sinh và bán vé. UBND tỉnh Bến Tre sẽ chi khoảng 6,5 tỉ đồng để giải quyết chế độ nghỉ việc cho số nhân viên thất nghiệp và nghỉ hưu.

Đối với "số phận" 14 phà, từ ngày 19/1 tỉnh Bến Tre đã điều động 8 chiếc tới bến phà Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) và Hàm Luông (thị xã Bến Tre - Mỏ Cày); 6 chiếc còn lại để lại bến phà Rạch Miễu làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT, AN - QP thời điểm trước, trong và sau Tết Kỷ Sửu 2009. Sau đó, Bộ GTVT sẽ điều động sáu chiếc phà này đi nơi khác phục vụ.

Thái Bình
.
.
.