Quấy rối điện thoại của Cảnh sát 113

Thứ Năm, 31/05/2007, 10:17

Nội dung những cuộc gọi quấy rối CS 113 vô cùng đa dạng. Ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu được người gọi thản nhiên sử dụng. Cuộc gọi đến từ số 0978...: "Mày có thích bị đuổi việc không? Mày có tin tao đứng cách mày 50m không? Tao có thể đuổi việc mày đấy"...

Được mệnh danh Cảnh sát phản ứng nhanh, là địa chỉ được nhân dân tin cậy, song hàng ngày, hàng giờ, CS113 đang phải chịu nạn quấy rối qua điện thoại của một số người vô ý thức.

Không kể ngày hay đêm, cao hứng là họ gọi. Ngày ít thì 20-30 cuộc, ngày nhiều có khi lên đến hàng trăm cuộc. Ngán ngẩm nhưng chiến sĩ trực vẫn phải nhấc máy bởi nếu không nghe, biết đâu người gọi đang thực sự cần giúp đỡ.

Chí Phèo thời mobile

Trung tá Nguyễn Nam Bang, Đội phó Đội CS113 Công an Hà Nội ngày ngày tỉ mỉ ghi chép những cuộc gọi quấy rối. Nhắc nhở, răn đe khi họ tái phạm. Tuy nhiên, biện pháp này không mấy hiệu quả với những anh Chí thời mobile.

Trung bình mỗi ngày Trung tâm CS113 nhận hàng nghìn cuộc gọi. Phán đoán, xử lý nhanh là yêu cầu bắt buộc đối với các chiến sỹ tiếp nhận thông tin. Vậy mà nhiều lần vừa giải quyết xong cuộc gọi trước, nhấc máy nhận cuộc gọi tiếp theo lại nghe chửi.

Nhiều chiến sỹ trẻ mới nghe lần đầu... choáng. Họ không tin có người gọi đến đường dây nóng của Cảnh sát lại buông những lời lẽ vô văn hóa như thế.

Đồng chí Bang cho tôi nghe lại những cuộc gọi bất đắc dĩ phải tiếp nhận đã được hệ thống máy tính tự động ghi lại. Nội dung cũng vô cùng đa dạng. Ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu được người gọi thản nhiên sử dụng. Cuộc gọi đến từ số 0978...: "Mày có thích bị đuổi việc không? Mày có tin tao đứng cách mày 50m không? Tao có thể đuổi việc mày đấy"...

Tôi không tiện liệt kê ra đây những lời lẽ thóa mạ, chửi bậy, thách thức rất khó nghe. Chiến sỹ Cảnh sát khuyên họ chân thành: "Nếu không có việc gì làm thì anh ngủ đi". Nhưng mà người này nào có nghe. Rồi chiến sỹ Cảnh sát đe: "Anh không nên làm ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi. Như vậy là vi phạm pháp luật đấy". Hình như để ngoài tai, anh ta vẫn cứ tiếp tục bài chửi của mình.

Cũng số máy này từ 13h31'52" đến 21h53'28'' ngày 6/4 gọi đến 113 tới 29 cuộc. Lúc đầu, người này nói: "Có vụ đánh nhau". Do số máy này gọi gây rối nhiều lần nên chỉ hỏi vài câu, chiến sỹ tiếp nhận xác định ngay hoang báo.

Người chiến sỹ khuyên: "Nếu anh cứ đưa tin hoang báo như vậy, lúc cần ai sẽ giúp anh". Thế nhưng, người kia đáp lại: "Mày có muốn mất chỗ không?". 6 ngày sau, chủ nhân của số máy này lại gọi đến 113 đến 25 cuộc với lời lẽ tương tự.

Lại có những người gọi đến hát, gọi đến để cho CS113 nghe vợ chồng họ cãi nhau. Họ gọi thường xuyên và gây bức xúc đến mức chiến sỹ trực chỉ nhìn qua số máy là biết mình sẽ được nói chuyện với ai. Nhưng chuông reo không thể không nhấc máy.

Sau khi nghe, biết chính xác là đối tượng gây rối mới dám cúp máy. Họ lại gọi. Có khi suốt đêm anh em phải đánh vật với những người nhàn cư vi bất thiện này.

Đi tìm sự giúp đỡ

Chúng tôi hỏi đồng chí Bang về biện pháp ngăn chặn. Đồng chí cho biết, mỗi khi tiếp nhận đã khuyên răn họ không nên tái diễn. Nhưng để giải quyết thấu đáo, phải có sự giúp đỡ của nhà cung cấp dịch vụ.

Theo danh sách các số điện thoại thường xuyên gây rối thì thuê bao của các mạng 090, 091, 098, 095, 092... đều có mặt. Vậy là đã rõ, không chỉ có khách hàng của một hay hai nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động gây rối.

Đồng chí Bang cũng cho biết, đơn vị từng đánh công văn, cất công đến tận trụ sở của mạng 090 đề nghị xử lý những số thuê bao của mạng này gây rối. Tuy nhiên, kết quả xử lý không đến đầu đến cuối vì thủ tục phiền hà.

Phải làm cái gì đó có tầm bao quát hơn để ngăn chặn, nghĩ thế nên chúng tôi liền liên hệ với đơn vị bảo vệ bưu điện của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT). Người của đơn vị này giới thiệu chúng tôi đến Trung tâm Thông tin bưu điện.

Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc cho biết, để giải quyết từng trường hợp, CS113 nên có văn bản đề nghị và thống kê cụ thể từng số thuê bao gọi đến quấy rối. "Có thể áp dụng Pháp lệnh Bưu chính viễn thông để xử lý", ông khẳng định.

Ngay lập tức, CS113 đáp ứng yêu cầu này. Chính chúng tôi đã chuyển công văn đến VNPT, Công ty Viễn thông Quân đội (theo yêu cầu của người nhận, chúng tôi gửi qua fax).

Gần một tháng sau, tôi liên lạc lại thì được cô nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel cho biết đã dùng các biện pháp cảnh báo những thuê bao này như nhắn tin, gọi điện. Nếu cách làm này không ngăn chặn được việc quấy rối, họ sẽ có biện pháp mạnh hơn.

Còn phía VNPT, ông Việt cho biết, các số thuê bao gây rối đều là thuê bao trả trước. Vì thế, khó xác định ai là chủ thuê bao. Để bắt tận tay, day tận mặt chỉ còn cách là dùng phương pháp định vị.

Chúng tôi trở lại Trung tâm CS113 sau gần một tháng danh sách đen số điện thoại gây rối được chuyển đến một số nhà cung cấp dịch vụ. Tình hình không được cải thiện, bảng danh sách vẫn dài thêm. Chẳng nhẽ bó tay? Chúng tôi thấy day dứt vì nỗ lực của mình không giúp cải thiện tình trạng quấy rối này.

Đang trong tâm trạng buồn chán thì sáng 30/5, tôi nhận được điện thoại của ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chánh thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông. Ông cho biết đã nhận được công văn chúng tôi gửi do ông Việt chuyển đến. Qua đây, ông nhận thấy việc quấy rối CS113 có sự tham gia của khách hàng 6 nhà cung cấp dịch vụ di động.

Trong khi đó, VNPT không phải là cơ quan chủ quản của tất cả các nhà cung cấp này. Chính vì thế, để giải quyết tình trạng này, VNPT chuyển đến Thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông là đúng.

Ông Tiếp đề nghị chúng tôi làm cầu nối giúp lực lượng thanh tra xử lý vấn nạn này. Ông hứa sẽ triển khai và có biện pháp xử lý một cách quyết liệt trên cơ sở pháp luật.

Lời hứa của ông Phó Chánh thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông khiến chúng tôi và các chiến sỹ CS113 đều mừng.

Chắc chắn đây còn là tin mừng với lực lượng CS113 64 tỉnh, thành trong cả nước (CS113 các tỉnh, thành cũng đang chịu vấn nạn này). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kết quả xử lý của thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông

Nhóm PVPL
.
.
.