Quảng Trị: Một bến đò ngang nguy hiểm

Thứ Tư, 18/10/2006, 14:20

Ngoài việc đò chở quá tải, điều kiện an toàn cho người đi đò lại hoàn toàn thiếu. Trên đò có tới gần 50 người nhưng lại chỉ có khoảng 10 chiếc phao cứu sinh.

Có mặt tại bến đò An Cư, thuộc Bắc Phước, Triệu Phước, Triệu Phong trong một ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy, dường như vụ đắm đò kinh hoàng ở Chôm Lôm (Nghệ An) mới đây cũng không làm cho chủ đò và người đi đò ở Bắc Phước lo lắng lắm.

Gần 50 người, trong đó chủ yếu là học sinh, đang chen chúc nhau trên một chiếc đò ngang. Ai cũng muốn được là người sang sông trước. Người dân ở hai bờ sông cho biết, ngày nào cũng có hàng chục chuyến đò đông đúc như thế này.

Bắc Phước gồm 3 làng là Hà La, Duy Phiên và Dương Xuân với khoảng 3.700 nhân khẩu đang sinh sống. Đây là một vùng đất biệt lập bởi bao bọc bốn bề là sông. Hoạt động giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì muốn ra khỏi vùng, chỉ có cách duy nhất là sử dụng đò ngang.

Có tới cả ngàn lượt người hàng ngày phải qua lại bằng con đò ngang này. Đặc biệt, toàn bộ học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 của Bắc Phước đều phải sử dụng đò sang trung tâm xã, huyện để học. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 800 lượt học sinh phải qua khúc sông dài hơn 300 mét này bằng đò.

Hầu hết các học sinh ở Bắc Phước đều đi học sớm hơn mọi nơi. Tại bến đò, chúng tôi chứng kiến hơn trăm học sinh Trường THCS Triệu Phước học ca chiều đã có mặt tại bến đò từ 10h30' sáng. Theo các em, ngoài việc phải qua sông bằng đò, số học sinh này phải đi bộ gần 2km nữa mới đến trường nên để tránh đi muộn, các học sinh này phải đi sớm để kịp giờ học chiều. Trong những ngày mưa lũ, tất cả học sinh này đều phải nghỉ học vì việc đi lại bằng đò không đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, trong những ngày khô ráo, việc qua sông bằng đò ngang cũng chưa phải đã an toàn. Hầu như chuyến đò nào chở học sinh cũng đều quá tải. Chuyến nào ít cũng chục người và có chuyến đò chúng tôi đếm được tới 46 học sinh chen nhau trên đò đông đến nỗi không có chỗ ngồi mà phải chen nhau đứng.

Em Nguyễn Phi Khai, học sinh lớp 7, Trường THCS Triệu Phước cho biết: Mặc dù biết là đi đò đông rất nguy hiểm nhưng vì sợ trễ học nên các em vẫn cố chen nhau lên đò để được qua sông.

Ngoài việc đò chở quá tải, điều kiện an toàn cho người đi đò lại hoàn toàn thiếu. Trên đò có tới gần 50 người nhưng lại chỉ có khoảng 10 chiếc phao cứu sinh. Thử hỏi nếu có điều gì bất trắc xảy ra, không hiểu số phận của gần 50 học sinh này sẽ ra sao? Câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng.

Ông Nguyễn Lâm Tiếu - Chủ nhiệm HTX Dương Xuân cho biết: Bến đò An Cư đã có từ lâu. Chiếc đò này do chính quyền địa phương đầu tư để giúp người dân đi lại. Mặc dù để đảm bảo an toàn cho người đi đò thì chính quyền địa phương cũng có nhiều biện pháp như: yêu cầu người lái đò phải có bằng lái, đò phải có đăng kiểm chất lượng; khi mùa mưa lũ thì chính quyền cắt cử người phụ giúp lái đò đưa người qua sông, phân bổ số học sinh qua đò hợp lý… nhưng thú thực để đảm bảo an toàn hàng ngày thì việc làm này thực sự khó khăn.

Ngoài việc học sinh phải hàng ngày qua đây, người dân ở Bắc Phước bao đời nay vẫn phải dùng duy nhất một loại phương tiện này để đi lại với các vùng bên ngoài. Một số gia đình có điều kiện mua sắm phương tiện đi lại thì chỉ có cách duy nhất là gửi lại ở một số quán ở bên kia sông. Vì vậy, ngoài việc phải mưu sinh, người dân ở đây còn phải lo toan những thứ tiền như gửi xe, đi đò...

Hơn nữa, từ 6h tối đến 6h sáng, chiếc đò này ngừng hoạt động nên người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Mặt khác, nếu có người phải đưa đi cấp cứu ban đêm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Người dân Bắc Phước đang rất cần có một cây cầu. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là hàng trăm học sinh phải qua đò hàng ngày, trước mắt, Ban An toàn giao thông cần có sự kiểm tra việc hoạt động của bến đò này; cần nghiêm cấm việc chở quá số người quy định; đồng thời, phải trang bị thêm hệ thống phao cứu sinh, áo phao cho bến đò An Cư...

Hồng Nhung- Kiều Hảo
.
.
.