Quảng Trị: Hướng Phùng khát nước

Thứ Năm, 17/12/2009, 08:41
Sống giữa bạt ngàn đồi núi, nhưng thật khó hình dung rằng, bà con nhân dân xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải nâng niu từng giọt nước sạch, chẳng khác như đang sống giữa… sa mạc là mấy. Nhiều năm qua, những công trình nước được xây dựng rồi cũng lần lượt "chết" đi vì thiên tai, vì mực nước ngầm quá thấp.

Nguồn nước tự nhiên nơi đây cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. "Uống nước suối, nước sông sợ bị bệnh lắm nhưng phải liều uống thôi. Chẳng còn cách mô nữa", chị Hồ Thị Tư ở thôn Doa Củ cho biết.

Cả xã chờ… mưa giông

Xã Hướng Phùng là nơi sinh sống của hơn 85% đồng bào người Vân Kiều. Toàn xã có hơn 4.000 nhân khẩu thì khoảng 70% dân số phải sống trong tình trạng "chạy nước từng bữa". Hướng Phùng vốn là nơi cao nhất của huyện Hướng Hóa nên mạch nước ngầm hạ xuống rất thấp. Muốn có nước sạch để dùng, bà con phải đào giếng không dưới 50 - 60m mới có, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên không đủ khả năng tự khoan giếng được.

Trước tình hình đó, năm 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức UNICEF đầu tư xây dựng ở Hướng Phùng một số công trình nước sạch tự chảy. Đường ống được kéo về từng thôn bản, phủ qua các thôn như Mã Lai, Cợp, Cheng, Xơ Ry… Tưởng những ngày "cầu mưa" đã qua, ai ngờ mùa khô đến, dân bản lại buồn rầu "khát" nước bên công trình bạc triệu.

Anh Hồ Văn Truyền, Trưởng thôn Mã Lai ngao ngán: "Không có nước sạch, dân bản lại dắt nhau gánh nước suối để uống. Thế nhưng, nước suối có còn mát trong như ngày xưa nữa mô…". Đúng như lời anh nói, mạch nước ngầm của Hướng Phùng đang ngày một ô nhiễm. Nước vẩn đục, có vị mặn và bốc mùi khó chịu. Vậy mà do thiếu nước, người dân Hướng Phùng phải "gạn đục lấy trong" để nấu ăn.

Giải thích về tình trạng "nước treo người chết khát", ông Hồ Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng lắc đầu: "Bà con mình vốn có đời sống khó khăn, thu nhập chính phụ thuộc vào rẫy cà phê. Nhưng dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật lâu lại ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Thêm vào đó là tình trạng khai thác vàng và chặt phá rừng bừa bãi nên nguồn nước suối ở Hướng Phùng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng".

Vào mùa mưa là Hướng Phùng sướng nhất vì người dân không thấp thỏm do thiếu nước. Qua mùa mưa, lo lắng "khát" lại ám ảnh họ, trong tâm thức họ, chỉ mong những cơn mưa giông đến. Khi đó, trẻ em tha hồ tung tăng dưới mưa còn người lớn thì thi nhau lấy xô chậu lấy nước Yàng ban để dự trữ.

Bao giờ cho đến tháng mười(!?)

Trong số các thôn "khát" nước ở xã Hướng Phùng thì thôn Tân Pun là nơi khổ nhất. Thôn được thành lập vào năm 2003 theo chính sách di dân lập vùng kinh tế mới. Nhưng đã 6 năm qua, 76 hộ dân trong thôn phải dùng nước suối ô nhiễm. Đã nhiều lần, dân bản thử đào giếng đến độ sâu hơn 30m vẫn chưa thấy mạch nước. Anh Trần Hữu Nam, Trưởng thôn Tân Pun thật thà: "Ở vùng sâu thiếu thốn đủ bề, có thiếu nữa cũng không sao. Nhưng cứ thiếu nước mãi thì khổ lắm".

Còn theo lời ông Hồ Mời - Trưởng thôn Doa Củ thì trong mùa khô vừa qua, số người mắc các bệnh như ghẻ lở toàn thân, đau mắt, bệnh về đường ruột như tiêu chảy, đau bụng... do sử dụng nước ô nhiễm tăng lên nhiều. Năm 2003, dân bản Doa Củ được hỗ trợ gần 25 triệu đồng để xây dựng 6 giếng nước.

Giếng đào xong vào đúng mùa mưa, ai cũng ngỡ chuỗi ngày mỏi mòn chờ mưa đã qua. Nhưng vừa bước vào mùa khô, giếng đã trơ đáy. Những giếng nước có độ sâu trung bình khoảng 16 - 17m không thể "với tới" mạch nước ngầm nên đành bỏ hoang.

Ông Hồ Văn Đang, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Hướng Phùng nằm trên đồi núi cao, về mùa mưa rất dễ xảy ra lũ quét. Đã nhiều lần, hệ thống ống dẫn nước bị đất đá chôn vùi hoặc làm đứt đoạn. Công trình nước tự chảy chỉ hoạt động được vài bữa đầu".

Hiện trong nhiều nhà dân vẫn còn cất giữ nhiều đoạn ống bị đứt, họ đang chờ một dự án mới để có dịp đem số ống này ra dùng lại.Hiện nay, mơ ước lớn nhất của người dân Hướng Phùng là được sử dụng nguồn nước sạch, không còn nhắm mắt uống nước ô nhiễm nữa

Hoàng Sơn
.
.
.