Quảng Trị - đáy sông còn đó, bạn tôi nằm...

Thứ Tư, 02/05/2012, 19:06
Bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa hè đỏ lửa 1972, đất và người Quảng Trị đang hồi sinh theo năm tháng. Không gian thanh bình, yên ả, còn cuộc sống của người dân thì sôi động, bừng sáng hòa vào bức tranh tươi mới của đất nước sau 37 năm thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ.

Ký ức về “Mùa hè đỏ lửa”

Mỗi lần có dịp đến Quảng Trị - mảnh đất đau thương mà anh dũng, tôi không thể nào quên được thế hệ cha, anh sẵn sàng xả thân quyết chiến với kẻ thù trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972. Một mùa hè cho đến bây giờ, biết bao nhiêu cuốn sách, bài báo, những trang tư liệu lịch sử, nhiều hội thảo khoa học lớn tổ chức mà vẫn chưa thể nói hết được cuộc đụng đầu vô cùng ác liệt trên dải đất vĩ tuyến 17 bốn mươi năm trước.

Do có vị trí địa lý đặc biệt mà sông Bến Hải đã trở thành một địa danh khác hẳn với những địa danh khác. Suốt nhiều năm liền, hai đầu Bắc- Nam cầu Hiền Lương qua sông Bến Hải đã diễn ra những cuộc “đấu cờ”, “đấu loa” công suất lớn và rồi đỉnh cao là cuộc đấu mưu đấu trí giữa quân dân miền Bắc XHCN với chính quyền tay sai Sài Gòn diễn ra liên tục, căng thẳng. Dẫu vậy, khát vọng cháy bỏng Bắc - Nam sum họp một nhà đã thuộc về dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đầu hè năm nay, tôi lại có dịp đặt chân lên cầu Hiền Lương và nhiều địa danh lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị kiên cường anh dũng. Cầu Hiền Lương bây giờ không còn cảnh “bên nhớ bên thương” như những năm tháng đất nước bị chia cắt. Đứng trên cầu lộng gió, nhìn làn nước trong xanh nối nhau xuôi về Cửa Việt, đổ ra biển đông, tôi lại nhớ đến những câu thơ chan chứa tình người, mang nặng tình đồng đội của Lê Bá Dương “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”…

Trên địa bàn Quảng Trị có gần 6 vạn liệt sỹ yên nghỉ ở 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Lời thơ của Lê Bá Dương chính là nỗi lòng của ông gửi đến bất kỳ ai khi đặt chân đến Quảng Trị,  trên mảnh đất này còn có nhiều liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt do sự khốc liệt của chiến tranh để lại.

Các chiến sĩ trong địa đạo Vịnh Mốc.

Tri ân với Quảng Trị

Suốt ba ngày ở Quảng Trị, tôi rong ruổi đến khá nhiều những tên đất tên làng đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm. Từ Cồn Tiên, Dốc Miếu đến Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn. Từ Cột cờ Giới Tuyến, Thành Cổ rồi xuôi về Cửa Việt, Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc… Tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức lòng người. Hôm đến địa đạo Vịnh Mốc, chui vào đường hầm có nơi sâu đến 12m men ra sát bờ biển, một phóng viên Báo Phouthen Paxason (tiếng nói của Quốc hội Lào) cùng đi và níu chặt tay tôi. Ra khỏi cửa số 5 của “trận đồ bát quái Vịnh Mốc”, anh thốt lên “Nhân dân Quảng Trị thật anh hùng. Nếu không đến đây thì không thể hiểu tường tận vì sao Việt Nam đã làm nên kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm thời hiện đại”.

Từ những ngày chớm hè đến cuối tháng tư lịch sử này, du khách gần xa về với Quảng Trị ngày một nhiều. Trong dòng người tứ xứ, đến địa danh lịch sử nào ở Vĩnh Linh, Gio Linh hay các nơi khác, chúng tôi cũng gặp khá nhiều du khách nước ngoài, trong đó có cả những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến. Nhiều người trong số họ trở lại nơi đây vừa để có dịp suy ngẫm nơi mình đã may mắn thoát chết, vừa mong làm một việc gì đó góp phần nhỏ bé hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất này.

Đặc biệt, theo thống kê của các Ban quản lý các khu di tích lịch sử trên địa bàn thì chưa năm nào có nhiều cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về thăm Quảng Trị như năm nay. Họ là bộ đội Cụ Hồ đã từng vào sinh ra tử bây giờ có người mới có dịp trở lại mảnh đất thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào, đồng chí, đồng đội và của chính mình. Cảnh quan, cuộc sống đã đổi thay nhiều nhưng chiến trường xưa thì vẫn còn đó. Mỗi CCB hôm nay dù ở nơi đâu, làm gì, hoàn cảnh ra sao thì khi trở lại mảnh đất Quảng Trị, trong họ vẫn đầy ắp kỷ niệm không bao giờ phai mờ.

Tôi gặp CCB Trần Kim Chung, quê Nam Định, hiện sống ở Hà Nội. Như những CCB khác, ông bùi ngùi khi đặt chân trở lại mảnh đất mà mình và đồng đội đã được bà con cô bác che chở để đánh bại kẻ thù. Điều đặc biệt mà CCB Trần Kim Chung thổ lộ trong chuyến đi này là ông đã tìm thấy một số ngôi mộ của đồng đội (đều quê Xuân Thủy, Nam Định) hy sinh trong các trận đánh trên chiến trường Quảng Trị, mà lâu nay gia đình, người thân chưa biết... Quảng Trị là thế.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 15 triệu tấn bom, đạn của kẻ thù đã trút xuống vùng đất này. Đặc biệt, đối với mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh, tính trung bình mỗi người dân phải oằn mình hứng chịu 7 tấn bom, đạn. Hậu quả là cả tỉnh có hơn 15.500 người đã bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 13.000 người còn sống. Đây cũng là một trong những địa phương có đối tượng chính sách nhiều nhất cả nước, chiếm gần 1/10 dân số toàn tỉnh. Tất cả các đối tượng đã và đang cần sự cưu mang, đùm bọc của cộng đồng để họ vơi đi phần nào hậu quả chiến tranh tàn khốc để lại...

Hôm từ Cửa Việt lên TP Đông Hà, nhìn bạt ngàn cao su đang mùa trút lá, những vườn hồ tiêu xanh ngát, những ngôi nhà kiểu dáng đẹp mọc lên hai bên con đường nhựa uốn lượn, trong đoàn chúng tôi ai cũng vui. Bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa hè đỏ lửa 1972, đất và người Quảng Trị đang hồi sinh theo năm tháng. Không gian thanh bình, yên ả, còn cuộc sống của người dân thì sôi động, bừng sáng hòa vào bức tranh tươi mới của đất nước sau 37 năm thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ

Ghi chép của Xuân Báu - Văn Hùng
.
.
.