Quảng Ngãi: Nỗi niềm "vua rừng" nơi tâm bão đi qua

Thứ Tư, 28/10/2009, 11:25
Một cựu chiến binh dốc hết vốn liếng gia đình, cộng với tiền vay mượn ngân hàng đầu tư trồng hàng trăm héc-ta rừng trên vùng chiến khu xưa và đã được xưng tụng "vua rừng".

Nhưng trận bão số 9 đi qua, cánh rừng keo gần đến kỳ thu hoạch gãy, ngã gần hết, bỗng chốc hóa trắng tay. Điều làm ông day dứt, trăn trở, đó là làm sao để tiếp tục duy trì công việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm người Cor mà ông xem như người thân của gia đình mình...

Đó là ông Phạm Trung Trường, trú ở tổ 6, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Theo lời kể của ông Tấn, quê ông ở thôn Nhơn Hòa, xã Bình Tân, Bình Sơn. Năm 1992, được sự cho phép của chính quyền địa phương, ông dùng số tiền dành dụm của gia đình được 84 triệu đồng, đầu tư mở một con đường khoảng 5 cây số để ôtô đến được ngôi làng đồng bào Cor. Biết được việc làm của ông, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 20 triệu đồng...

Người dân vùng bão Bình Sơn hối hả thu hoạch keo.

Một năm sau, Chính phủ có chủ trương trồng 5 triệu ha rừng, ông xin tỉnh, huyện cho trồng 650ha rừng phủ xanh đồi núi trọc ở Thọ An. "Tui được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay 5,2 tỉ đồng, góp thêm 1 tỉ đồng thu được từ việc kinh doanh, xây dựng, tui đầu tư trồng cây keo lai. Bên cạnh đó, còn xin đầu tư trồng gần chục héc-ta cao su...".

Vừa triển khai trồng rừng, ông Tấn vừa chạy vạy xin các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác hỗ trợ kinh phí để cùng mình xây dựng trạm xá, trường học cho đồng bào người Cor ở Thọ An. Thậm chí, ông còn xin Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ bò giống cho đồng bào phát triển chăn nuôi. Xin được 57 con, thiếu 17 con, ông lại bỏ tiền túi mua cho (mỗi con trị giá khoảng 1,2 triệu đồng)... 

 Với những việc làm tràn đầy nghĩa cử của ông Tấn, bà con dân tộc Cor ở Thọ An đều ủng hộ ông trồng rừng. Và, ông Tấn lại thu nhận, giải quyết công việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Số lao động này chủ yếu là thanh niên trai tráng ở làng Thọ An.

Chỉ qua mùa mưa năm nay, ông Tấn thu hoạch cánh rừng keo lai bán cho các nhà máy xuất khẩu nguyên liệu giấy ở Dung Quất và Chu Lai, ước tính tổng số tiền trên 60 tỉ đồng. Bao nhiêu dự tính cho tương lai được đặt ra. Nhưng, nghiệt ngã thay, Thọ An đã nằm trong tâm bão số 9...

Bà con dân làng Thọ An càng nhớ ơn ông Tấn, vì khi bão sắp vào họ được lên ẩn núp trong ngôi nhà kiên cố của ông xây ở trang trại. Sau trận bão, nhà cửa của họ bị sập, tốc mái xiêu vẹo, lương thực dự trữ bị ướt hết; ông Tấn lại xuất kho 2 tấn gạo cứu đói cho đồng bào.

Nhưng điều làm cho ông Tấn mất ăn, mất ngủ là làm sao có tiền hoàn trả lại số vốn đã vay của ngân hàng; đảm bảo công ăn việc làm cho 200 lao động là đồng bào người Cor...

Để khắc phục hậu quả, ông Tấn đề nghị các ngân hàng xem xét cho được khoanh nợ, giãn nợ; đồng thời cho vay lại để tiếp tục đầu tư trồng mới lại rừng ở Thọ An, với hy vọng, chu kỳ trồng rừng lần 2 sẽ cho khai thác để trả nợ vay lần 1. Bởi, vì lần 1 ông đầu tư khoảng 20 tỉ đồng đã cho thu hoạch 60 tỉ đồng.

Nếu không bị bão tàn phá thì số tiền này chắc chắn đã làm cho "Vua rừng" thêm phát triển, thành đạt. Ngay sau bão số 9, lãnh đạo chính quyền huyện Bình Sơn và các cơ quan liên quan, đại diện ngành Ngân hàng đã kiểm tra cánh rừng của ông Tấn tại thôn Thọ An và xác nhận thiệt hại trên 60 tỉ đồng...

Long Vân
.
.
.