Quảng Bình: Nỗi đau của một "làng ung thư"

Thứ Sáu, 29/07/2011, 14:46

Nhiều năm nay, người dân ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sống trong nỗi lo lắng, sợ hãi khi ngày càng có nhiều người chết trẻ bởi các bệnh ung thư quái ác. "Làng ung thư" Thanh Thủy đang phải kêu cứu từng ngày

"Làng"… chết trẻ

Men theo QL 1A, chúng tôi đến chợ Mai rồi tiếp tục hỏi đường về xã Thanh Thủy, xã ven biển "nổi tiếng" nhất của huyện Lệ Thủy khi có nhiều người chết trẻ vì các bệnh ung thư. Một không khí ảm đạm bao quanh khi dọc hai bên đường bê tông dẫn vào xã là những ao nước có màu vàng đục đặc quánh bốc lên thứ mùi ngai ngái sộc thẳng vào mũi rất khó chịu.

Ông Văn Đình Thành (52 tuổi), người dân thôn 2 Thanh Mỹ vừa dẫn đường vừa tâm sự: "Tháng nào ở đây cũng có người chết, mà toàn người chết trẻ vì ung thư chứ người chết vì tuổi cao thì ít lắm…".

Không có nước sạch nên nhiều hộ gia đình ở xã Thanh Thủy phải sử dụng nguồn nước bẩn này.

Chị Hồ Thị Nguyệt, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Thủy là người có "nhiệm vụ" bảo quản và ghi chép sổ "tử" của trạm xá xã khi có trường hợp chết bởi bệnh ung thư. Cầm trên tay số liệu mà chị Nguyệt lưu giữ được trong 3 năm gần đây, chúng tôi mới thật sự bàng hoàng và hiểu rõ vì sao nhiều người gọi Thanh Thủy là "làng chết trẻ".

Chị Nguyệt cho biết: "Ba năm trở lại đây, số người nhiễm bệnh và chết đi vì ung thư phần lớn ở độ tuổi 35 đến 40. Nhiều khi có đến 2 người chết do ung thư trong cùng một ngày. Giờ mà nói đến ung thư là người dân ở đây sợ lắm".

Nghe người dân ở đây kể về những cái chết thương tâm do căn bệnh ung thư mang đến mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng và thương cảm cho những số phận đang "giành giật" mạng sống với thần chết mỗi ngày. Nhiều trường hợp chết "đôi" do ung thư như vợ chồng anh Trần Bình, nguyên Bí thư xã Thanh Thủy và chị Nguyễn Thị Em.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sung (ung thu gan) và Lê Thị Phới (ung thư não), anh Nguyễn Văn Ấm (em ruột anh Sung) và Nguyễn Văn Diễn (cháu ruột anh Sung)… đều chết do bệnh ung thư. Chính vì thế mà tin tức người mắc bệnh ung thư, người chết do ung thư được người dân Thanh Thủy nắm bắt một cách nhanh nhạy như thông tin thời sự trên tivi.

Nguyên nhân từ đâu?

Gần 10 năm trở lại đây, người dân ở thôn Thanh Mỹ và nhiều thôn khác của xã Thanh Thủy không thể sử dụng nước giếng khoan do bị nhiễm phèn quá nặng. Nhiều hộ gia đình xây đến ba, bốn bể lọc bằng cát, đá và than nhưng nước lọc ra vẫn có màu vàng đục đặc quánh. Vì không có nước sạch dùng nên nhiều người đã tìm cách khoan giếng để dẫn nước từ động cát ở sau làng (nơi chôn cất mồ mả của xã Thanh Thủy) mới có nước dùng.

Đây được xem là nguồn nước "sạch" nhất mà 1.300 hộ dân với 5.800 nhân khẩu của xã Thanh Thủy có được trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng, nguồn nước này cũng trở thành "nguy cơ" gây nên nhiều căn bệnh quái ác khi nó chưa hề được kiểm định độ an toàn và lượng khí độc có trong nước.

"Không biết nguồn nước này có "sạch" hay không nhưng vì không có nước sử dụng nên chúng tôi đành làm liều dùng nguồn nước này. Không dùng thì chúng tôi cũng không biết lấy nước ở đâu để sinh hoạt", anh Nguyễn Tấn Minh (44 tuổi), thôn 2 Thanh Mỹ, Thanh Thủy búc xúc.

Nhờ anh Minh dẫn đường ra động cát nằm ngay phía sau thôn, trước mắt chúng tôi là hàng trăm ngôi mộ nằm san sát và ngay phía dưới là những đường ống dẫn nước về làng. Kể từ khi người dân đồn nguồn nước bị nhiễm độc từ những ngôi mộ trên nên việc chôn cất người chết đã được di dời ra khỏi vùng có nguồn nước.

Đề cập đến chuyện nước nhiễm phèn, nhiễm "bẩn" gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm trên địa bàn, trong đó có bệnh ung thư, ông Hồng Quang Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dẫn đến số người mắc bệnh ung thư trong xã cứ tăng lên mỗi năm, chỉ biết những người này đều có sử dụng nguồn nước chảy từ động cát về. UBND xã cũng đã kết hợp với huyện để lấy 7 mẫu nước thử tại 7 thôn trong xã đem đi kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng".

Nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân ở Thanh Thủy mắc bệnh ung thư có phải do nguồn nước hay không vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải nhưng việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, mong muốn có nước sạch để dùng là niềm mong mỏi lớn nhất của hàng trăm hộ dân đang sống tại "làng ung thư" ngay lúc này.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Thanh Thủy, 3 năm trở lại đây, năm 2008 có 34 người chết, trong đó có 6 người chết do ung thư gan. Năm 2009 có 23 người và năm 2010 có 34 người, trong đó phần lớn người chết đều ở trong độ tuổi 35 - 40

Anh Khoa
.
.
.