Quần đảo Nam Du tháng tư này...

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:38

Quần đảo Nam Du từng oằn mình trong tang thương khi bão số 5 (11/1997) ập đến. Cả nước đau đớn chịu tang. Thế nhưng sau bão, Nam Du đã đứng lên bằng tiềm năng hải sản của mình. Tôi thật sự choáng ngợp khi chứng kiến trên 400 chiếc thuyền câu rời bến vào mỗi buổi sớm tinh mơ hoặc vào lúc ráng chiều.

Đến thị xã Rạch Giá thì trời đã tối mịt. Dẫu vậy, tôi vẫn chạy ngay xuống bến tàu cạnh đền thờ Nguyễn Trung Trực hỏi chuyến đi Nam Du. Anh thuyền trưởng tàu N.T cho biết: "Đúng 9 giờ sáng mai tàu xuất bến! Bây giờ ngày nào cũng có một chuyến chứ đâu phải như hồi trước!". Vậy là chuyện đến Nam Du - quần đảo xa xôi nhất nằm ở vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc không khó như tôi nghĩ.

1. Đọc họ tên, số giấy CMND cho chị nhân viên quầy vé ghi lại, tôi bước xuống tàu N.T - một chiếc tàu sắt mà theo lời anh thuyền trưởng, là chiếc lớn nhất trong số tàu chạy tuyến Nam Du, chịu được gió giật trên cấp 6. Đúng giờ G. tàu xuất bến, mang theo khoảng 40 khách và khá nhiều rau xanh, củ quả, trái cây. Hơn 11h, tàu đến Hòn Tre. 2h sau, tàu đến Lại Sơn. Và gần 3h, tàu cặp vào Củ Tron - hòn đảo trung tâm của quần đảo. Các phương tiện cả trên bộ lẫn dưới mặt biển nhộn nhịp.

Một góc quần đảo Nam Du hôm nay.

"Anh ơi, đi hòn Ngang hay hòn Mấu?". Tiếng một cô gái đứng trên mũi ghe vọng lại và tiếng cô gái khác ngọt ngào: "Ghe em sang hòn Nồm nè anh ơi!". Lời chào mời gắn với những tên đảo là lạ làm tôi muốn xiêu lòng dù chẳng biết là những nơi nào, cách hòn chính này bao xa. Tôi cười đáp lại bằng cái lắc đầu và hỏi đường, cuốc bộ về hướng trụ sở UBND xã cách cầu tàu non 1km.

Nắng chiều vẫn gay gắt, làm rát cả da mặt nhưng điều khiến tôi chăm chú nhất là sự nhộn nhịp của cái chợ mà tôi vừa đi ngang qua. Người mua, kẻ bán xôm tụ, hàng hóa cũng phong phú chẳng khác nào trong đất liền. Tôi bước vào sân trụ sở UBND xã thì bất chợt chiếc máy điện thoại di động của tôi đổ chuông. Thấy tôi ngạc nhiên, một chị ở Văn phòng UBND nói: Điện thoại bàn thì có đến gần 600 máy! Còn điện thoại di động, tuy mới phủ sóng hôm trước Tết, nhưng như anh thấy đó, có khác gì trong Rạch Giá… “Còn điện sinh hoạt?” - tôi hỏi luôn. Chị cho biết: "Có máy phát của Nhà nước đầu tư!". Chị thông báo cho tôi lịch phát điện mỗi ngày: "Chiều từ 17 - 23h; trưa từ 10 - 12h. Khoảng thời gian còn lại thì bà con sử dụng máy phát điện riêng anh ạ".

Chủ tịch UBND xã An Sơn Trần Hoàng Khôn vốn có "máu" văn nghệ và hết sức nhiệt tình với khách, sau khi giới thiệu tóm tắt về Nam Du như vậy, anh cùng tôi vượt chặng đường trên 3km đồi dốc đến khu vực cao nhất của cả quần đảo. Đây cũng là nơi đóng quân của Trạm Rada 600 thuộc Hải quân vùng E. Từ độ cao 309m so với mực nước biển, anh Khôn trỏ tay xuống con đường ngoằn ngoèo mà tôi và anh vừa đi qua giới thiệu: Đó là Bãi Chệch, kia là Bãi Ngự… Tổng số dân trên quần đảo đến thời điểm này là 8.853 khẩu, tập trung tại hòn Củ Tron, hòn Ngang và hòn Mấu.

2. Huyện Kiên Hải không có thị trấn mà chỉ có 3 xã. Từ đất liền ra khoảng 30km là đến xã Hòn Tre - trung tâm huyện. 30km nữa là đến Lại Sơn và cả quần đảo Nam Du này thuộc xã An Sơn xa nhất, cách đất liền gần 100km. Đây là quần đảo hiện có số dân sinh sống đông nhất của nước ta dù rằng những ngày mới giải phóng, số dân chỉ vài chục hộ.

Trước khi ra Nam Du, tôi chỉ nhớ mang máng: Quần đảo này từng oằn mình trong tang thương khi bão số 5 (11/1997) ập đến. Cả nước đau đớn chịu tang. Sau bão, Nam Du đã đứng lên bằng tiềm năng hải sản của mình. Tôi thật sự choáng ngợp khi chứng kiến đoàn tàu lưới bao, câu thu, câu mực lá, lưới ghẹ óc mực… trên 400 chiếc rời bến vào mỗi buổi sớm tinh mơ hoặc vào lúc ráng chiều. Một bức tranh đẹp không thể diễn tả hết bằng lời.

Sự miệt mài của người dân Nam Du mang lại sản lượng 8.500 tấn mỗi năm, tương đương giá trị 75,4 tỉ đồng. Mà Nam Du đâu phải chỉ có đánh bắt. Tôi theo chân anh Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã đến thăm rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả khác gắn với biển. Dắt tôi xuống một lồng bè nuôi cá mú bên hòn Ngang, anh Hải cho biết: "Đây là mô hình mới đang được nhân rộng. Trên 20 hộ tiên phong đã thắng đậm!". Mức sống người dân đã thay đổi rất nhiều so với vài năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7,23 triệu đồng/người/năm”. Tỉ lệ hộ nghèo của cả xã đã được kéo xuống chỉ còn 1,28%. "Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, chúng tôi đang dồn sức để "khai tử" con số này vào cuối năm nay" - anh Khôn cho biết.

3. Mùa này là mùa Nam, biển vẫn lặng im. Đoàn tàu từ ngoài khơi trở về mang đầy ắp cá, mực. Thiếu tá Liên, cán bộ Công an huyện phụ trách xã đã đến An Sơn công tác và "nằm lại" gần 3 tuần qua, kể: "Mỗi lần tàu cặp bến, quần đảo này lại có thêm hàng ngàn cư dân từ khắp nơi đổ lên. Sự phức tạp dù chẳng ai muốn nó cũng lại đến! Lực lượng Công an, Đồn Biên phòng 742 và Cảnh sát biển của Hải quân vùng 5 phối hợp tuần tra". Mừng là phong trào quần chúng đã có cái "nền": 19/44 tổ tự quản đạt danh hiệu văn hóa, 1.304 hộ (đạt 80%) được công nhận gia đình văn hóa. Ban chỉ đạo ANTT các ấp cũng vừa được Công an huyện, xã củng cố. "Địa bàn rộng, mình không dựa vào thế trận lòng dân là rối!" - anh Liên tâm sự. 

4. Trước khi chia tay với quần đảo Nam Du thân yêu, tôi gặp anh Lê Minh Công - Bí thư Đảng ủy xã. Thật bất ngờ khi đúng những ngày tháng tư lịch sử này, anh cũng như tôi, mới tròn tuổi 30. Nhà anh ở trong đất liền, sát mé rừng U Minh Thượng, thuộc huyện Vĩnh Thuận. Anh kể: Vừa học xong phổ thông (1993), anh đã tình nguyện ra đây làm Công an viên. Năm 1995, khi tròn 20 tuổi, anh đã là Phó Công an xã và cuối năm sau, anh là Trưởng Công an xã trẻ nhất của Kiên Giang lúc bấy giờ. Anh đảm trách Bí thư Đảng ủy xã từ tháng 7/2003.

Ông Huỳnh Hữu Thiện - Phó Chủ tịch UBMTTQ kiêm Chủ tịch Hội Người cao tuổi, nói: "Người có thâm niên, kinh nghiệm không phải là ít, nhưng chúng tôi nhất trí gửi trọn niềm tin vào lớp trẻ". Ở Nam Du, hàng loạt các chức danh Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an, Xã đội trưởng, Bí thư xã đoàn, Hội trưởng phụ nữ và rất đông cán bộ, chiến sĩ của Hải quân vùng 5, của Bộ đội biên phòng cũng "cùng lứa" như thế… Ở tận vùng lãnh thổ xa xôi này, những người con sinh ra sau ngày giải phóng đã biết lấy sự xa xôi, thiếu thốn để trui rèn bản thân mà vượt lên và đã khẳng định được mình

Thái Bình
.
.
.