Phú Yên: Một người bệnh bị xiềng xích gần hai năm

Thứ Năm, 16/04/2009, 14:59
Gần 8 năm về trước, tôi về xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên để chuyển quà cứu trợ của Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo CAND đến hàng trăm người dân đang đối mặt với khó khăn sau cơn bão lũ. Còn bây giờ, tôi trở lại nơi này khi biết tin một thanh niên bị xiềng xích gần hai năm trong căn chòi lá.

Trên đường đưa tôi đến hiện trường, y sĩ Lê Văn Bốn - Trưởng trạm Y tế xã Xuân Thịnh cho biết, nạn nhân trong câu chuyện thương tâm này là Trần Văn Dũng, 27 tuổi, trú ở làng Phú Dương, mắc bệnh tâm thần hơn 10 năm nay.

Trong căn nhà cấp bốn nằm ở khu vườn dừa, cụ Trần Kỹ, 73 tuổi, cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọt, 70 tuổi, kể lại trong nỗi xót xa: "Vợ chồng tôi có bảy người con, tất cả đều phải mưu sinh bằng nghề nông nên thiếu trước, hụt sau. Cách đây chừng mười năm, thằng Dũng bỗng dưng phát bệnh. Sau những cơn sốt li bì dài ngày, nó bật dậy trở chứng lảm nhảm nhiều câu nói vô nghĩa, rồi đi lang thang ngoài đường, quần áo xộc xệch trông hết sức thảm thương".

Trần Văn Dũng bị xiềng xích trong căn chòi lá gần hai năm nay. Ảnh: PV.

Dốc hết chút tiền dành dụm bấy lâu kết hợp vay mượn thêm những người thân quen, gia đình cụ Kỹ đưa cậu con trai đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần Bình Định, Biên Hòa khám và điều trị. Ở đâu, các y, bác sĩ cũng chẩn đoán bệnh nhân Trần Văn Dũng mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.

Mỗi đợt điều trị kéo dài hai, ba tháng, tình trạng sức khỏe tâm thần của Dũng tạm ổn, nhưng do gia cảnh khó khăn nên gia đình phải xin xuất viện để điều trị ngoại trú, nhưng về nhà được vài tháng thì bệnh tái phát.

Theo chỉ dẫn của vợ chồng cụ Kỹ, tôi bước về phía căn chòi nhỏ nằm chông chênh dưới gốc cây xoài. Mái và vách chòi đều che chắn bằng lá dừa. Khi cách căn chòi hai mét, tôi nghe người bệnh kêu la: "Thả tui ra, thả tui ra. Đừng trói tui nữa".

Bước đến sát cửa căn chòi, tôi nhìn vào bên trong và nhận ra đôi mắt vô hồn trên gương mặt xanh xao già trước tuổi, bệnh nhân ngồi trên chiếc chiếu lác, tay và chân đều bị xiềng bằng sợi dây xích sắt kết nối vào gốc xoài với bốn ổ khóa, cạnh đó là những chiếc đĩa nhựa, ly nhựa được cắt ra từ vỏ chai nước suối.

Cụ Kỹ nói với tôi bằng giọng trầm buồn: "Nhiều lúc vợ chồng tui cũng muốn tháo dây xích cho nó ra ngoài, nhưng nghiệt một nỗi khi thả ra là nó cầm cây gậy hoặc lùng tìm dao rựa để hành hung anh chị em trong gia đình. Thôi thì đành phải xích lại để khỏi gây ra chuyện dữ, chứ biết làm sao".

Được biết, từ năm 2006 đến nay, Trạm Y tế xã Xuân Thịnh đảm trách quản lý và điều trị theo Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhưng gần như bệnh trạng của Dũng không giảm, vì bệnh nhân thường xuyên từ chối uống thuốc.

Giữa tháng ba vừa qua, một tổ công tác của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sông Cầu đến tận nơi giám sát việc thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng quý 1/2009 để có hướng chỉ định điều trị, một thành viên trong tổ là y sĩ Phạm Thị Kim Thoa đã phải bật khóc khi chứng kiến hình ảnh bệnh nhân bị xiềng xích.

Hoàn cảnh gia đình cụ Kỹ hết sức nghèo khó, trong khi đó tại Phú Yên chưa có bệnh viện chuyên khoa tâm thần để quản lý và điều trị nội trú cho bệnh nhân. Nếu đưa Dũng đến các bệnh viện ở Biên Hòa, Bình Định thì gia đình không có khả năng thanh toán tiền viện phí cho một đợt điều trị vài ba tháng.

Mong sao có những tấm lòng bạn đọc và những nhà hảo tâm gần xa góp chút tình để cứu giúp một thanh niên còn trẻ điều trị bệnh để tái hòa nhập với cuộc sống đời thường. Mong sao Phú Yên sớm có bệnh viện chuyên khoa tâm thần chăm sóc và điều trị cho hàng trăm người bệnh tâm thần ở địa phương

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.