Phú Yên, Khánh Hòa:

Phòng chống bão lụt trên hai tuyến giao thông huyết mạch

Thứ Bảy, 07/10/2006, 08:03

Vật tư, nhân lực và thiết bị máy móc kỹ thuật đã sẵn sàng nên BQL 2 tuyến đường giao thông huyết mạch là đường sắt Bắc Nam và tuyến QL1A đi qua địa phận hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa luôn trong tư thế chủ động đối phó với bão lũ, bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra…

Trên địa bàn hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, tuyến đường sắt dài 245km với nhiều đoạn xung yếu, đi qua 11 hầm đã hình thành hơn nửa thế kỷ, trong đó có hầm Babeuno 1.119m, dài nhất trên tuyến đường sắt Việt Nam, đặc biệt cung đoạn Hảo Sơn - Đại Lãnh uốn lượn dưới chân đèo Cả, một bên vách núi cao, bên vực sâu nối liền vịnh biển Vũng Rô. Còn tuyến QL1A qua hai tỉnh này dài 283km và phải vượt nhiều đèo dốc, vòng cua khuất tầm nhìn như đèo Cả, Quán Cau, Cổ Mã, Rọ Tượng…

Chính vì vậy, công tác phòng chống bão lụt (PCBL) trên hai tuyến giao thông huyết mạch nêu trên luôn được các Công ty Quản lý đường sắt (QLĐS), Xí nghiệp Vận tải đường sắt (VTĐS) Phú Khánh, Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ (QLSCĐB) Phú Yên và Khánh Hòa thuộc Phân khu quản lý đường bộ 5 chú trọng bằng nhiều biện pháp.

Mùa mưa năm ngoái, một số sự cố đã xảy ra gây ách tắc giao thông. Chỉ trong 5 ngày gần cuối tháng 10/2005, mưa lớn đã làm đá rơi, nước ngập, cát tràn, sạt lở chân nền trên đường sắt tại 38 điểm. Lần thứ hai trong hai ngày cuối tháng 12/2005, thêm 23 điểm sạt lở, đá rơi khác xảy ra, nước lũ đã làm nền đường ở km 1171+800 đến 1172 bị biến dạng.

Trước mùa bão lụt năm nay, ngoài việc rà soát, tiến hành đầu tư trên 3 tỷ đồng xây lắp, gia cố nền đường, chống đá rơi ở 25 vị trí thường xảy ra sạt lở tại những cung đoạn xung yếu, nạo vét khai thông hệ thống cống rãnh dọc tuyến đường sắt, Công ty QLĐS Phú Khánh còn chú trọng tăng cường công tác kiểm tra trạng thái cầu đường để chủ động xác lập cảnh báo từng lý trình cho tài xế xe lửa, kịp thời phát hiện và báo cáo điều chỉnh tốc độ chạy tàu tạm thời ở những cung đoạn phát sinh hư hỏng đột xuất.

Bên cạnh việc thực hiện chế độ tuần đường xuyên suốt ngày đêm, ở những đoạn xung yếu sẽ tăng cường thêm tuần đường phụ ban 3 đi ngược hành trình tuần đường chính, hai giờ một lượt. Các tiểu ban PCBL ở các cung đường, đội đường phải kiểm tra phạm vi quản lý của mình, đồng thời huy động 100% công nhân thường trực trong mùa mưa bão để ứng cứu khi có mệnh lệnh điều động.

Mặt khác, một khối lượng vật tư dự phòng khá lớn đã được tập kết đến từng cung đường để thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ, gồm 2.000m3 đá dăm, 1.291 thanh tà vẹt, 3.646m ray, 4.000 lít dầu, 330 thanh, trụ pale và hàng chục thiết bị máy móc như máy phát điện, xe goòng, xe cẩu, xe đào, ủi, xúc…

Xí nghiệp VTĐS Phú Khánh cũng đã xây dựng phương án chuyển tải hành khách khi mưa lũ gây gián đoạn giao thông trên từng cung đoạn cụ thể, đồng thời có kế hoạch phối hợp với Công an các địa phương trên tuyến triển khai phương án bảo vệ an toàn tài sản của hành khách ở những điểm chuyển tải.

Trên tuyến QL1A, các Công ty QLSCĐB Phú Yên, Khánh Hòa cũng đã chuẩn bị 600 rọ đá, hơn 1.500m3 đá hộc, 2.000m3 đá dăm, hàng chục dầm cầu và nhiều phương tiện thiết bị xe cơ giới như xe đào, xúc, ủi và xe tải ben vận chuyển đất đá tại các vị trí xung yếu. Điểm sạt lở nghiêm trọng nhất trong mùa mưa bão năm ngoái ở km 1360+200 đèo Cả hiện đang được đầu tư khắc phục với quy mô lớn.

Đơn vị trúng thầu giai đoạn 1 tổng giá trị xây lắp 6,4 tỷ đồng là Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Khánh Hòa. Đến thời điểm này đã đào 14.700m3 đất mái ta luy dương và đang xây lắp hai đường cống thoát nước, hệ thống tường chắn trên triền núi dài 128m để điều tiết nước mưa từ trên núi đổ xuống mương rãnh, đồng thời xây dựng tường chắn dưới chân taluy dài 120m, cao 4m.

Riêng đoạn sụt lún nền đường QL1A ở km 1295, 1296 xã An Dân, huyện Tuy An từng gây ách tắc giao thông nhiều ngày liền trong mùa mưa bão năm ngoái, dù đã được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, nhưng cho tới nay vẫn chưa thi công khắc phục xong, trong khi đây là vị trí xung yếu, kết cấu địa tầng có mạch nước ngầm, nguy cơ tái diễn sụt lún, tắc đường dễ xảy ra nếu như mưa bão kéo dài nhiều ngày

Hữu Toàn
.
.
.