Phố Wall - nơi chúng tôi đã đến

Thứ Hai, 09/11/2009, 14:00
Phố Wall là Trung tâm điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ, nơi đặt sàn giao dịch chứng khoán New York, nơi mà hàng ngày chúng ta thường thấy nó trên bản tin tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh hưởng của nó không đơn thuần ở Mỹ mà còn tác động ít nhiều đến nền kinh tế thế giới. Nó nổi tiếng đến nỗi, một khi phố Wall bị "cảm cúm" thì ở các nơi khác trên hành tinh này xem ra cũng bị "sụt sịt".

Không xa xôi gì, ngay tại Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 300m, ở ngay đầu phố Lê Phụng Hiểu có một tòa nhà 5 tầng. Mặt trước của toà nhà, người ta trưng lên tấm biển với dòng chữ mạ vàng to tướng: "Sàn giao dịch vàng phố Wall". Còn mặt tiếp giáp với đường Trần Quang Khải là một tấm biển lớn khác với dòng chữ: "Chứng khoán phố Wall". Không rõ ở trên trái đất này còn có bao nhiêu địa danh mang tên phố Wall và đó có phải là văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của một tập đoàn tài chính nào đó ở phố Wall hay chỉ đơn thuần một cái tên mượn danh phố Wall?

Hỏi ra mới rõ, phố Wall là Trung tâm điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ, nơi đặt sàn giao dịch chứng khoán New York, nơi mà hàng ngày chúng ta thường thấy nó trên bản tin tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh hưởng của nó không đơn thuần ở Mỹ mà còn tác động ít nhiều đến nền kinh tế thế giới. Nó nổi tiếng đến nỗi, một khi phố Wall bị "cảm cúm" thì ở các nơi khác trên hành tinh này xem ra cũng bị "sụt sịt".

Hàn thử biểu của nền kinh tế thế giới

Anh Nguyễn Minh Phương, Trưởng ban quốc tế một tờ báo ở Hà Nội, người bạn đồng hành của tôi trong suốt chuyến đi kể rằng, trước ngày anh lên đường để bay sang New York, cậu con trai anh làm ở một công ty chứng khoán tại Hà Nội cứ dặn đi, dặn lại rằng: "Bố đến New York phải sắp xếp thời gian để tìm đến thăm được phố Wall, sau đó chụp vài bức ảnh đứng cạnh con trâu vàng để làm kỷ niệm".

Nghe theo lời cậu con trai, anh rủ tôi đến phố Wall, mặc dù lúc này đã hơn 10 giờ đêm, thời tiết cuối thu, đầu đông, nhiệt độ ngoài trời ở New York đã xuống khá thấp. Khác với nhiều khu phố ở thành phố New York, phố Wall giờ này xem ra vẫn còn khá sôi động bởi những dòng xe đan kín mặt đường và đủ loại ánh sáng thoát ra từ những cao ốc ở 2 bên đường.

Anh Trần Quốc Khoa - một Việt kiều của ta đang sinh sống và làm ăn tại New York, người đã dẫn chúng tôi đến thăm con phố này nói: Phố Wall là một tuyến phố thuộc quận Manhattan của thành phố New York. Nó chạy từ hướng Đông đại lộ Broadway tới phố South Street bên dòng sông East River xuyên qua các trung tâm lịch sử và tài chính của New York. Đó cũng là địa điểm mà Sở Giao dịch chứng khoán New York chọn làm nơi đặt đại bản doanh.

Tác giả và nhà báo Nguyễn Phương (bên phải) chụp ảnh lưu niệm trước con trâu vàng - biểu tượng của phố Wall.

Tại con phố này, ngoài trụ sở của sàn giao dịch chứng khoán New York còn là nơi hội tụ các tập đoàn tài chính và các ngân hàng xếp vào loại lớn nhất, nhì nước Mỹ như Nasdaq, Amex, Nymex và Nybot… Có lẽ vì thế mà phố Wall được nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới ví như là một "hàn thử biểu" của thị trường tài chính - tiền tệ của nước Mỹ và thế giới. Mỗi chỉ số Down Jones lên - xuống ít nhiều đều tác động đến thị trường chứng khoán ở nhiều nơi trên thế giới.

Sử sách còn ghi rằng, tên gọi của con phố này xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII. Lúc đầu nó chỉ được đánh dấu bởi những chiếc cọc và hàng rào gỗ thô sơ. Về sau, người chủ Công ty Dutch West India đã chỉ đạo các cư dân người Hà Lan và các nô lệ người châu Phi dựng lên tại đây một hàng rào vững chắc.

Đến năm 1653, hàng rào này được thay thế bằng một bức tường xây dầy, cao 4m. Cũng chính bức tường này về sau đã trở thành chiến lũy vững chắc giúp cho người dân địa phương chống lại các cuộc tấn công của các bộ lạc khác. Sau đó vào năm 1685, các nhân viên địa chính đã vẽ lại bức tường chạy dọc theo khu vực và đến năm 1699 thì bức tường ấy bị chính quyền của thực dân Anh phá đổ.

Mãi đến cuối thế kỷ 18, các nhà buôn trong khu vực mới cùng nhau ký một thỏa thuận mang tên Buttonwood, tiền đề cho sự ra đời Sở Giao dịch chứng khoán New York. Theo đó, năm 1789, tòa thị chính thành phố New York và phố Wall đã trở thành nơi chứng kiến những hoạt động quan trọng của vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ - đó là George Washington.

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tại khu phố này, văn hóa doanh nghiệp ở New York dần dần trở thành trung tâm của những công trình kiến trúc chọc trời và mang sắc thái riêng biệt của một trung tâm tài chính.

Trong số các công trình ấy, tòa nhà hiện vẫn còn mang số 23 ở phố Wall được biết đến với tên gọi "Nhà của Morgan" và trong suốt thời gian tồn tại hàng thế kỷ, trụ sở chính của ngân hàng này đã trở thành một địa chỉ tài chính quan trọng nhất trên thị trường tài chính Mỹ mà chúng ta thường được thấy nó trên tivi.

Đọng lại những câu chuyện buồn

Có một chi tiết khá thú vị mà chúng tôi có được khi thu thập tư liệu để viết bài này là đầu năm 2009, ở Mỹ người ta đã phát hiện ra một thông tin rất quan trọng liên quan đến việc hình thành phố Wall.

Đó là cách nay 400 năm, toàn bộ khu Manhattan ở New York đã được mua từ tay người da đỏ bản xứ với giá siêu sốc là 24 USD. Giấy tờ chứng thực duy nhất cho vụ chuyển nhượng kỷ lục này có kích cỡ tờ A3 và bị xé ở góc trái. Đấy là chuyện của 400 năm về trước, còn giờ đây quận Manhattan là một khu vực giàu có nhất nước Mỹ với mức thu nhập bình quân đầu người là hơn 200.000 USD/năm.

Phố Wall và khu vực quận Manhattan hấp dẫn là thế, vậy mà các cư dân ở đây đã phải chứng kiến những sự kiện đau lòng. Một trong những sự việc đau buồn đó là ngày 16/9/1920, một quả bom đã phát nổ trước cửa một ngân hàng lớn ở phố Wall, giết chết gần 40 người và làm nhiều người khác bị thương.

Ngay lập tức các nhân viên FBI đã vào cuộc điều tra, nhưng thật đáng tiếc ròng rã suốt 20 năm, hồ sơ vụ án chất chồng hàng vạn trang, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Vụ trọng án trên không ngờ là sự mở đầu cho sự xuống giá dữ dội của thị trường chứng khoán New York và đánh dấu cuộc đại suy thoái của nền kinh tế Mỹ vào đầu những năm ba mươi, thế kỷ XX.

Kể từ sự kiện đó mãi đến năm 2008, người dân phố Wall cũng như các cư dân thành phố New York và mở rộng ra toàn nước Mỹ, người ta mới lại chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính xảy ra trên đất Mỹ, bắt đầu từ thị trường nhà đất kéo theo sự sụp đổ của hàng trăm ngân hàng và các công ty tài chính khác. Kinh tế Mỹ suy thoái đã kéo theo sự suy giảm đến tệ hại nền kinh tế của các quốc gia trên hành tinh. Có một điều rất lạ là bất chấp những khó khăn của thời khủng hoảng, các đại gia ở phố Wall xem ra vẫn kiếm bội tiền từ các khoản tiền lương, tiền thưởng.

Nguồn tin Bloomberg cho biết: Sau 2 tháng đạt lợi nhuận và trả tiền cứu trợ cho chính phủ, Hãng Goldman Sachs đã chi 11,36 tỷ USD cho các khoản tiền lương, tiền thưởng. Các khoản chi này trong 6 tháng đầu năm 2009 đã tăng 33% so với cùng kỳ năm 2008. Nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính Mỹ xác định: Cũng vì những món nợ khổng lồ mà giới lãnh đạo các tổ chức tài chính tại phố Wall đã lao vào các phi vụ đầu tư mạo hiểm, đẩy hệ thống tài chính Mỹ lâm vào khủng hoảng.

Có lẽ vì thế mà ngày 31/7/2009 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật hạn chế mức lương thưởng trong lĩnh vực tài chính. Dự luật trên đã được Tổng thống Mỹ ủng hộ. Kênh truyền hình CNN dẫn lời phát biểu của Tổng thống Mỹ tại New York vào một ngày gần đây cho hay: "Nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ đang ổn định trở lại, nhưng đó không phải là cái cớ để phố Wall lại lao vào con đường dẫn đến suy thoái".

Ông Obama còn chỉ trích: "Thay vì học từ Lehman và cuộc khủng hoảng, một số người tại phố Wall lại cố tình phớt lờ chúng. Phố Wall không thể quay lại hành động một cách mạo hiểm mà không tính đến hậu quả và hy vọng lần kế tiếp, người đóng thuế Mỹ sẽ lại phải ra tay tiếp tục cứu họ".

Được biết, Tổng thống Mỹ Obama đang thúc đẩy kế hoạch thắt chặt các quy tắc, luật lệ của ngành tài chính Mỹ. Hãng thông tấn AP cho biết: Ông Obama muốn đặt ra các quy định về dự trữ tiền mặt chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng, vì cho rằng việc các ngân hàng đổ tiền mua các sản phẩm tài chính mạo hiểm mà không giữ đủ tiền mặt trong quỹ dự trữ là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Do vậy Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo sự minh bạch tại các thị trường, nơi các ngân hàng giao dịch các sản phẩm phức tạp nhất.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng muốn giao cho Cục Dự trữ Liên bang thêm quyền giám sát và đặt nhiều điều kiện để ngăn chặn các công ty tài chính phình to quá mức. Ông Obama cũng muốn thành lập một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để quy định về các sản phẩm tài chính, giúp người dân hiểu rõ sản phẩm mà họ định mua.

Sau những quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ, các tập đoàn tài chính ở phố Wall đã ngấm ngầm có cuộc phản công lại qua việc vận động hành lang để cản trở kế hoạch của ông Obama. Họ quyết loại bỏ hoặc ít nhất cũng làm suy yếu ý tưởng về cơ quan bảo vệ người tiêu dùng với lý do mà họ nêu ra là sẽ làm tăng chi phí cho chính người tiêu dùng.

Các tập đoàn tài chính ở phố Wall cũng đang tìm cách ứng phó với các quy định mới của những giao dịch tài chính phức tạp. Họ viện lý do là các giao dịch ấy sẽ cản trở các quan hệ thương mại hợp pháp.

Những "con sói ở phố Wall"

Trong lịch sử, các vụ án mua bán trao tay các thông tin hoặc cổ phiếu để hưởng chênh lệch giá ở Mỹ nổi trội lên với nhiều "gương mặt đen" nổi tiếng như Ivan F.Boesky, Dnnis Le Vine, Michael… Những người dân nơi đây thường gọi họ là "những con sói phố Wall". Một trong "những con sói ở phố Wall" đã bị bắt giữ trong thời gian vừa qua là Ivan Boesky. Hắn là một tay kinh doanh cổ phiếu để ăn chênh lệch giá vào cỡ bự ở phố Wall. Chỉ riêng những vụ cá cược đã đem về cho Boesky hơn 200 triệu USD.

Qua kết quả điều tra của các cơ quan chức năng của thành phố New York cho hay: Hắn giàu nhanh như vậy là do những vụ mua bán các thông tin từ nội bộ. Nhờ mánh lới này, Boesky đã thực hiện thành công việc mua về các cổ phiếu với giá rất hời chỉ sau vài ngày trước khi công ty có thông báo chính thức bị thôn tính.

Bị bắt giữ, Boesky thú nhận, trước đó đã hợp tác với một số tay trong của công ty SEC. Boesky đã bị tòa tuyên phạt 42 tháng tù, nộp phạt 100 triệu USD và cấm kinh doanh chứng khoán suốt đời.

Trong đường dây làm ăn bất chính của Boesky cũng có một nhân vật khá nổi tiếng về các khoản mua bán thông tin nội bộ. Đó là Dennis Levine, sinh năm 1953. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Baruch, Levine nhanh chóng trở thành một tên trùm về mua bán các thông tin nội bộ ở phố Wall.

Công việc của y là ngày ngày ôm chiếc điện thoại phát triển mạng lưới mua bán các thông tin từ nội bộ các công ty chứng khoán ở phố Wall. Levine tỏ ra khôn ngoan hơn người khác khi y sử dụng các tài khoản ngân hàng nước ngoài, chủ yếu là ngân hàng Leu có hội sở tại quần đảo Bahamas để giao dịch mua bán các thông tin nội bộ của nhiều công ty chứng khoán có trụ sở tại phố Wall, trong đó có công ty chứng khoán mang tên Merrile Lynch.

Trong hồ sơ còn ghi nhận rằng, trước đó Công ty Merrile Lynch phát hiện Levine móc nối với 2 nhân viên môi giới của mình để hoạt động bất hợp pháp. Merrile Lynch liền báo cho SEC biết. Cuộc điều tra được tiến hành, kết quả là Levine đã bị bắt giam. Mới đây, ngày 5/11/2009 văn phòng FBI ở  New York đã cáo buộc 14 đối tượng ở phố Wall có liên quan đến vụ nội gián của tập đoàn GaLLeon. 

Phố Wall là thế. Chúng tôi rời con phố này khi kim đồng hồ đã chỉ qua con số 1 giờ 30 phút ngày hôm sau của một đêm đầu Đông nước Mỹ. Dòng xe chạy qua phố Wall cũng thưa dần. Chị Tâm, vợ anh Khoa bảo: Ở Mỹ hơn 30 năm, mải lo làm ăn nên đêm nay mới được đến chiêm ngưỡng phố Wall. Còn chúng tôi, điều mà tôi quan tâm là cho đến nay vẫn còn quá ít, hoặc nói là chưa có một doanh nghiệp Việt Nam nào đăng ký lên sàn giao dịch chứng khoán ở phố Wall

L.V.
.
.
.