Phát huy trí tuệ, trách nhiệm và thể hiện bản sắc đại biểu Công an

Thứ Hai, 08/08/2011, 10:00
Các đại biểu Quốc hội thuộc lực lượng Công an phải nghiên cứu, chuẩn bị để tham gia thảo luận ở đoàn và ở hội trường về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề có liên quan công tác an ninh - trật tự, Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận xét.

Quốc hội khoá XIII có 5 đại biểu thuộc cơ quan Bộ Công an và nhiều đại biểu công tác tại Công an các tỉnh, thành phố, ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương. Trong đó, có một số đại biểu tái cử, còn lại phần lớn là đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội. Phát huy các thành quả và kinh nghiệm có được trong các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Công an bày tỏ niềm tin, ý chí, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần xây dựng Quốc hội vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.  

Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Thắng thắn, không né tránh

- Thưa Trung tướng, hoạt động tại Quốc hội - cơ quan dân cử cao nhất, có đặc điểm là dân chủ trong thảo luận nhưng quyền lực và ý chí tập trung. Vậy, đại biểu Công an cần phát huy những điểm gì để thể hiện vai trò trong thảo luận, đóng góp ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời thể hiện được bản sắc là đại biểu lực lượng vũ trang?

Tôi cho rằng, cách đặt vấn đề như vậy rất thiết thực. Như chúng ta biết, hoạt động của Quốc hội trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, từ công tác lập pháp đến giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong thảo luận các dự án luật, pháp lệnh, các công trình, dự án quan trọng quốc gia cũng như hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề… đã có nhiều đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả, được cử tri đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng đó, đại biểu Công an tham gia các kỳ họp Quốc hội căn cứ nội dung bàn luận cụ thể tại Quốc hội để đóng góp ý kiến, thể hiện tính dân chủ, cởi mở, sâu sát. Đó là điểm chung. Còn nói về bản sắc, tất nhiên đại biểu Công an với tính chất là lực lượng vũ trang, quá trình công tác nghị trường cũng thể hiện bản sắc riêng của mình.

- Cụ thể như…?

Tôi lấy ví dụ, khi Quốc hội thảo luận những dự án luật, pháp lệnh liên quan đến công tác an ninh, rõ ràng những ý kiến của đại biểu Công an rất có chiều sâu bởi họ là những người có kinh nghiệm, nắm chắc vấn đề này. Hay khi Quốc hội thảo luận, xem xét các công trình, dự án quan trọng, nếu như các đại biểu công tác ở ngành, lĩnh vực khác nắm sâu về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa… thì ý kiến của đại biểu Công an lại làm nổi bật những vấn đề liên quan an ninh trật tự. Các ý kiến đó bổ trợ cho nhau, giúp chúng ta có cách nhìn đầy đủ, toàn diện trước khi quyết định thông qua hay không thông qua. Đây là vấn đề quan trọng bởi các công trình, dự án có tầm quốc gia không thể chỉ thiên về kinh tế hay lợi ích cục bộ mà phải đặt trong tổng thể, có tính chiến lược, phải hài hòa các lợi ích về kinh tế - xã hội và phải đảm bảo vững chắc về an ninh.

Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đại biểu Quốc hội.

- Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, trong đó có sự luân chuyển một số người từ cơ quan này sang cơ quan khác. Trung tướng có quan điểm như thế nào về việc bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp?

Chúng ta thấy rằng, quyền lực nhà nước ở Việt Nam là thống nhất, tập trung, là sự phân công phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nên bản thân người làm ở hành pháp cũng hiểu được công việc của lập pháp, tư pháp và ngược lại. Người làm ở công tác lập pháp cũng có nhiều năm thực tế ở hành pháp, hay người làm ở cơ quan hành pháp có kinh nghiệm lập pháp bởi các dự án luật, pháp lệnh hầu hết do cơ quan hành pháp chuẩn bị. Do đó, sự luân chuyển nhân sự giữa các cơ quan nói trên là việc làm bình thường.

Nhận thức ý nghĩa, quan trọng của công tác nhân sự cấp cao, đại biểu Công an cũng như tất cả đại biểu Quốc hội cần phát huy cao nhất trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, góp phần vào sự thành công chung của Quốc hội.

- Trung tướng có đánh giá gì về việc thảo luận và chất vấn tại Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đại biểu Công an sẽ tham gia thảo luận và chất vấn như thế nào?

Có hai hình thức thảo luận, đó là thảo luận tại hội trường và thảo luận tại tổ, đoàn. Thảo luận tại hội trường mang tính tập trung nhưng do thời gian hạn hẹp nên dĩ nhiên số lượng ý kiến không được nhiều, ngược lại thảo luận ở tổ cho phép nhiều ý kiến tham gia hơn. Các đại biểu Quốc hội Công an cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị để tham gia thảo luận ở đoàn và ở hội trường về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề có liên quan công tác an ninh - trật tự. Về chất vấn, phải căn cứ điều kiện cụ thể để đại biểu lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm. Chúng ta cần khuyến khích sự thẳng thắn, chân tình, cởi mở trong thảo luận, chất vấn…

- Tức là cần sự hiểu biết lẫn nhau, thưa Trung tướng?

Không khí thảo luận, chất vấn cần sự cởi mở và tin cậy, hiểu biết giữa các bên. Bởi, mục đích cuối cùng là Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước tìm được tiếng nói thống nhất, đảm bảo sự đồng thuận để giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc cử tri quan tâm. Ngoài phát biểu tại hội trường, đại biểu cũng có thể chuyển ý kiến bằng văn bản để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, như vậy là thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh.

Chân tình để lắng nghe tâm tư nguyện vọng nhân dân

- Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất cũng như của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an có chủ trương gì nhằm đảm bảo các đại biểu Công an phát huy cao nhất trí tuệ, năng lực, tinh thần trách nhiệm tại Quốc hội? 

Ngay trước phiên khai mạc kỳ họp, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ đã gặp gỡ các đại biểu Công an tham gia Quốc hội khóa XIII. Tại cuộc gặp gỡ này, lãnh đạo Bộ Công an đề nghị các đại biểu cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước, xác định rõ vinh dự, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát huy năng lực, trí tuệ, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đồng thời với việc tập trung thời gian nghiên cứu, nắm vững thông tin trên các lĩnh vực, cần dành thời gian thích đáng để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri, chú ý làm tốt chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội.

- Theo Trung tướng, điều quan trọng của đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri là gì?

Đại biểu Quốc hội do cử tri bầu ra và đều bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Do đó, khi tiếp xúc cử tri phải thực hiện được phương châm "nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin". Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, cần thái độ chân tình, sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, để cử tri có thể nói thẳng, trình bày thẳng với đại biểu. Kiến nghị nào của cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách mà mình có thể giải quyết được thì quan tâm giải quyết, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền cơ quan khác thì tổng hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc báo cáo các cơ quan chức năng của Quốc hội vì cũng phải tranh thủ thời gian để nói cho dân hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cử tri hiểu và thực hiện tốt. Những điều này, các đại biểu Quốc hội tiền nhiệm làm rất tốt, được cử tri tín nhiệm. Vì vậy, cũng như 500 đại biểu Quốc hội khoá XIII, tôi và các đại biểu Công an tiếp tục kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu đó.

Chuẩn bị dự án luật phải kỹ càng, đủ độ "chín"

- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có nhiều dự luật, pháp lệnh liên quan công tác an ninh - trật tự. Những dự luật này sẽ được chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thông qua như thế nào, nhất là không để các dự án chậm trễ?

Theo chương trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, thời gian tới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua một số dự án luật, pháp lệnh liên quan công tác an ninh - trật tự. Trong đó, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật CAND (sửa đổi). Hiện, Bộ đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về dự án luật này, trong đó tập trung vào các vấn đề: thực tiễn thi hành Luật CAND và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách và quyền hạn của CAND; thực trạng tổ chức, hoạt động của Công an xã và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung…

- Nhưng với sức ép lộ trình, liệu có dẫn tới sự chuẩn bị vội vàng, thiếu độ "chín" không, thưa Trung tướng?

Những năm gần đây, Bộ Công an tích cực xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ trình Quốc hội, UBTV Quốc hội xem xét, thông qua nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý trong CAND. Mới đây, UBTV Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Thời gian tới, ngoài dự án Luật CAND thì những dự án luật khác như Luật Tổ chức điều tra hình sự (Bộ Công an chủ trì), Luật Giám định tư pháp (Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Công an phối hợp), ngoài ra có dự án Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Phòng, chống rửa tiền… cũng sẽ được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động CAND cũng như lĩnh vực tư pháp nói chung.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ là tất cả các dự án luật dù chủ trì hay tham gia phối hợp đều phải chuẩn bị kỹ, đảm bảo tính lý luận, thực tiễn, tức phải có độ "chín" trước khi trình Quốc hội, không để chậm trễ nhưng cũng không vì sức ép tiến độ mà làm vội vàng, thiếu khoa học.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phạm Miên - Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.