Phát hiện mới về bãi cọc Bạch Đằng

Chủ Nhật, 20/12/2009, 11:02
Bãi cọc Bạch Đằng - chứng tích cho lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, minh chứng cho tinh thần bất khuất của nhân dân cùng mưu lược của 3 thiên tài quân sự: Ngô Quyền, Lê Hoàn và Anh hùng dân tộc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn dần hiện lên rõ nét hơn qua những phát lộ mới sau kết quả mới được công bố trong cuộc khảo sát gần đây. Nhiều hạng mục phục vụ khách thập phương đã được đầu tư xây dựng, song việc bảo tồn di tích này chưa xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có.

Hé lộ dấu tích dòng chảy cổ

Qua hàng trăm năm bồi lấp, chuyển dòng, những lớp cọc trên Bạch Đằng Giang dần được phát lộ. Đầu năm 2009, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp với các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Hàng hải tại Texas A&M (Mỹ), Đại học Flindes (Australia), Trung tâm Khảo cổ học Hàng hải, Đại học Southampton (Anh) tiến hành khảo sát thực địa tại các địa điểm có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Đoàn đã tiến hành khảo sát trên sông, trên mặt đất, phỏng vấn nhân dân, khảo sát bãi cọc Đồng Má Ngựa, làm hồ sơ di vật, ghi chép, ghi hình tư liệu...

Theo các nhà khoa học, lần này đoàn tiến hành phương pháp mới là phỏng vấn người dân quanh khu vực bãi cọc để xác định thêm vị trí. Khi có thông tin đều được đánh dấu bằng máy định vị để tìm kiếm. Những điểm đã khai quật cũng đánh dấu vào bản đồ. Sau đó dùng khung ảnh, nối các điểm đã đánh dấu để có cái nhìn tổng quan.

Với phương pháp mới, các nhà khoa học kết luận, sông Bạch Đằng đã thay đổi rất nhiều, có chỗ bị vùi lấp, nhiều đoạn giờ đã cạn thành ao hồ, đầm, ruộng. Theo ông Trịnh Công Lộc, Trưởng Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho hay bước đầu đã phác họa được địa điểm các bãi cọc, dấu tích dòng nước cổ và các ghềnh đá thể hiện dòng chảy của lòng sông Bạch Đằng thế kỷ XIII. Dựa theo kết quả nghiên cứu trước đây khẳng định, bãi cọc được cắm xen kẽ giữa nhiều điều kiện tự nhiên khác nhau như giữa dòng sông, khu vực có đá nổi.

Qua phỏng vấn người dân, đoàn khảo sát phát hiện thêm nhiều khu vực có cọc nằm sâu trong các vùng dân cư. Về dấu tích của dòng chảy cổ, TS. Lê Thị Liên - Viện Khảo cổ học Việt Nam thành viên đoàn khảo sát cho biết, đoàn đã tiến hành khoan một số điểm, kết quả chứng minh được những dòng chảy cổ mà các nhà nghiên cứu địa chất đã vạch ra. Đặc biệt hơn đã phát hiện thêm nhiều cọc gỗ tại bãi cọc Đồng Má Ngựa. Đoàn đã xác định diện tích phát lộ của bãi cọc, kiểm kê số cọc gỗ, kiểm tra địa tầng của ao... Qua đó khẳng định, cha ông ta đã lợi dụng điều kiện tự nhiên, kết hợp với những tính toán về đường nước về thủy triều để bố trí bãi cọc một cách khéo léo.

Trước đó, từ năm 1953 đến năm 2005, đã có hai bãi cọc được phát hiện. Năm 1953, một bãi cọc nằm trong đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) được phát hiện khi nhân dân đào đất đắp đê. Bãi có hàng trăm cọc, một số được cắm thẳng đứng, đa số cắm chếch theo hướng đông 15, theo hình chữ "chi". Cọc được làm từ những loại gỗ chắc, có nhiều trên đất Yên Hưng chủ yếu là lim và táu. Những cọc phát lộ, đầu dưới được vát nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình các cọc từ 2 - 2,8m; có cọc dài tới 3,2m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8m đến 1 m. Đầu trên của cọc nằm vùi dưới đất khoảng 0,5m đến trên 1,5m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2m, nhô cao từ 0,2 đến 2m.

Cọc gỗ phát hiện tại cánh đồng Vạn Muối (xã Nam Hoà, Yên Hưng).

Năm 2005, tại cánh đồng Vạn Muối (xã Nam Hoà, Yên Hưng) phát hiện bãi cọc với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100m, dài 300m. Tại đây chủ yếu các loại cọc đường kính 7 - 10cm, có loại to 20 - 22cm, dài trên 2m được cắm xiên 45 theo nhiều thế hiểm. Tại đây các nhà nghiên cứu mới chỉ đào thám sát 4 hố, tổng diện tích 100m2, phát hiện một số lượng cọc khá dày, hố nhiều nhất có tới 20 cọc. Tổng cộng đã phát hiện 51 chiếc cọc Bạch Đằng. Trong quá trình làm ruộng, nuôi cá trên cánh đồng này, người dân đã chạm đến cọc và nhổ đi rất nhiều mang về làm nhà, đánh cây rơm...

Ông Trịnh Công Lộc, Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Với những phát lộ mới trên, Ban Quản lý đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh cho phép khai quật khảo cổ học, lập hồ sơ xếp hạng di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa tại xã Nam Hoà, huyện Yên Hưng. Lập quy hoạch tổng thể khu di tích chiến thắng Bạch Đằng. Đoàn đã đưa ra kiến nghị khảo sát, khai quật tổng thể các điểm phát lộ mới để tìm hiểu thêm các hiện vật về trận đánh. Trước mắt cần tiến hành lập hồ sơ bổ sung bãi cọc Đồng Má Ngựa vào Cụm di tích chiến thắng Bạch Đằng".

Bất cập trong quản lý

Với những phát lộ ban đầu, cùng những giá trị lịch sử vốn có, bãi cọc Bạch Đằng được Bộ Văn hoá - Thông tin (Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) cấp bằng công nhận di tích lịch sử (năm 1988) nhân dịp kỉ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-1988). Đến nay, bãi cọc Bạch Đằng đã được đầu tư nhiều hạng mục như: Đường dẫn, nhà bảo vệ, điều hành, một ao nhỏ có cọc lộ thiên được kè đá bao quanh để phục vụ du khách đến tham quan. Tuy nhiên, mỗi khi du khách đến tham quan đều không khỏi cám cảnh với hiện trạng của bãi cọc. Bãi nằm giữa một khu đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm như một cánh đồng hoang.

Theo chỉ dẫn của người dân chúng tôi đến một ao nhỏ được kè đá được cho là điểm có cọc dành cho khách tham quan nhưng rất khó để quan sát đám cọc chìm trong nước đục. Theo tìm hiểu được biết, ngày nắng hố cọc biến thành bể bơi cho lũ trẻ chăn trâu, mùa hè càng đông hơn. Rất nhiều cọc đã bị chính các em giãy đạp rồi nhổ lên để thuận tiện cho việc bơi lội. Hố cọc này được kè đá năm 1988, nhân dịp kỉ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Đằng để nhằm bảo quản số cọc lộ thiên phục vụ khách tham quan. Một người dân nhà kề bãi cọc cho biết, trước đây trong ao có đến 70 chiếc cọc nhưng không được bảo vệ, mùa hè trẻ con quanh vùng chiều đến lại kéo đàn kéo đống ra tắm, đạp giãy làm bong cọc.

Anh Ngô Quang Tính (thôn 7, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng) nhà đối diện bãi cọc than thở: "Có nhà bảo vệ to oành nhưng khi bãi cọc bị xâm hại lại không thấy ai ra ngăn cấm. Nhiều đoàn đến tham quan không giấu nổi sự thất vọng vì chỉ được ngắm đầm tôm, bãi cỏ và… hố cọc bé tẹo. Không ít đoàn đến từ TP HCM, tìm mãi không thấy cọc, chạy vào nhà tôi hỏi. Đem họ ra tận nơi, chỉ vào hố cọc liền… bị mắng là "nói xạo" vì thực tế khác xa với mường tượng trong tâm trí họ về bãi cọc tua tủa hàng ngàn chiếc".

Tìm hiểu về việc quản lý, khai thác cụm di tích bãi cọc Bạch Đằng, ông Lê Đồng Sơn, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Yên Hưng cho biết: "Trước đây cụm di tích được giao cho Ban quản lý di tích của địa phương. Năm 2007 cụm di tích thuộc quyền quản lý của Ban quản lý di tích trọng điểm của tỉnh". Khi hỏi hiện trách nhiệm quản lý thuộc cấp nào thì ông Sơn cho biết, hiện thuộc trách nhiệm của Ban quản lý di tích xã Yên Giang. Trước thông tin, có thời điểm bãi cọc bị đầm tôm lấn chiếm, ông Sơn cho biết bao quanh khu vực 1 (nơi có cọc được bảo vệ) là đầm nuôi tôm. Theo quan sát của phóng viên và phản ánh của người dân, việc bố trí ao nuôi tôm, dùng các chất xử lý ao sẽ không tránh được những ảnh hưởng xấu đến bãi cọc.

"Nhiều lần ao được hút nước phơi nền, có không ít cọc lộ ra, việc phơi nắng cả tháng trời làm sao mà tránh cọc không bị mủn nát" - một người dân giấu tên gần bãi cọc cho biết.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện phần lớn diện tích bãi cọc đang nằm trong lòng đất, mới chỉ cho lộ thiên một phần. Hố lộ thiên được hình thành từ năm 1988. Phòng đã đề xuất lên UBND huyện về việc thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện và ban này sẽ trực tiếp điều hành công tác bảo vệ các cụm di tích trên địa bàn.

Trao đổi về phương pháp bảo vệ trên khu vực bãi cọc, ông Trịnh Công Lộc, Trưởng Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho hay: "Về mặt khoa học là hoàn toàn chưa ổn, ở đó hiện đang rất cấp thiết cần một dự án là một bảo tàng ngoài trời. Trong đó phải có các hạng mục giữ và bảo quản các cọc gỗ một cách lâu bền"

Anh Quốc
.
.
.