Lại thêm một trường hợp "cô gái" biến thành "bà già" tại TP Hội An:

Phải có cái nhìn cảm thông với "cô gái"

Thứ Sáu, 21/10/2011, 08:41
Dư luận bạn đọc và y học đang rất quan tâm đến câu chuyện đầy bi kịch của chị Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi, tại thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã mắc phải căn bệnh "kỳ lạ" khiến chị từ một phụ nữ trẻ đẹp bỗng chốc trở thành một "cụ già" già đi mấy chục tuổi.

Cùng thời điểm này tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam một cô gái chỉ mới 27 tuổi cũng phải mang hình hài một bà lão ngoài 60 vì mắc phải căn bệnh không khác chị Phượng. Cô gái ấy là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, trú tại số nhà 21 - đường Trần Quang Khải, khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Nhiều năm nay, chị Ngọc Mai ngoài sự bất hạnh về bệnh tật, gia cảnh quá khó khăn thiếu thốn, chị còn phải sống trong sự "ghẻ lạnh" của người dân quanh vùng vì bị nghi là "sida"… Nỗi đau của một cô gái bị "kỳ thị" đang cần lắm cái nhìn cảm thông của cộng đồng, sự quan tâm và hỗ trợ y tế của các cấp chính quyền!

Ngày 20/10, nhận được thông tin tại phường Cẩm Châu, TP Hội An cũng xuất hiện một trường hợp "cô gái" biến thành "bà già", PV Báo CAND đã trực tiếp gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Mai cùng gia đình để tìm hiểu sự thật.

Nếu không hẹn gặp trước thì có lẽ tôi không thể tưởng tượng người phụ nữ già nua như đã ngoài 60, với gương mặt nhăn nheo, gày gò, da nổi đỏ khắp người lại là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai năm nay mới 27 tuổi (27 tuổi).

Vợ chồng chị Mai (ngồi) và bố mẹ đẻ chị Mai.

Lấy tay gạt nước mắt chị tâm sự: "Từ khi mới 12 tuổi tôi đã luôn sống trong tủi phận và mặc cảm với hình hài của mình. Mới học đến lớp 5, một hôm đi học về thì phát bệnh. Ban đầu xuất hiện nhiều chấm đỏ trên da tay, ngứa ngáy khắp người, rồi sau đó các chấm đỏ xuất hiện dày đặc cơ thể. Khuôn mặt cũng dần biến dạng, sưng tấy…".

Thương đứa con gái duy nhất trong gia đình có 3 người con, mặc dầu gia cảnh lúc đó quá khó khăn, nhưng bà Nguyễn Thị Mứt (50 tuổi) và ông Nguyễn Đình Phước (56 tuổi) đã chắt chiu, gom bán từng vật dụng có giá trị nhất của gia đình để đưa con gái đi khám hết ở Bệnh viện Hội An, Bệnh viện tỉnh Quảng Nam rồi cuối cùng là ra Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Đi đâu các bác sĩ cũng chỉ kết luận chị Mai bị bệnh... mề đay. "Nghe các bác sỹ nói tôi bị bệnh mề đay rồi họ cũng cho thuốc uống nhưng không khỏi mà bệnh ngày càng nặng thêm", chị tâm sự. 

Hoang mang trước bệnh lạ của con, gia đình đã chạy vạy khắp nơi mua thuốc. Uống đủ các loại thuốc từ Đông y, Tây y nhưng tất cả đều không khỏi. Trái lại, nhiều đợt uống thuốc xong cơ thể chị Mai bị phù lên, một vài ngày sau lại xẹp xuống. Về nhà nghe hàng xóm, bà con ai bày cho thuốc gì, gia đình chị cũng cố tìm mua thuốc đó mà không khỏi…

Nhưng đau lòng nhất là sự kỳ thị của những người dân xung quanh: "Khi tôi phát bệnh, bạn bè, hàng xóm họ đều đồn tôi bị... siđa. Mọi người đều xa lánh. Hồi đó tôi học hết lớp 5, chuẩn bị sang lớp 6. Bạn bè cùng lớp nhìn thấy tôi già hơn... cô giáo nên sợ hãi và xa lánh. Quá mặc cảm với hình hài của mình nên tôi không dám đến trường, đành bỏ học giữa chừng".

Giấy CMND mang tên Nguyễn Thị Ngọc Mai sinh ngày 28/2/1984.

Năm 16 tuổi, Mai cố gắng vượt qua mặc cảm, tự học nghề may vá rồi xin vào làm thợ gia công cho một số công ty may mặc trong phố cổ Hội An để không là gánh nặng của cha mẹ. Nhưng rồi Mai lại tiếp tục gặp phải sự "hắt hủi" của chủ. Mai kể, ban đầu Mai còn được nhận vào may vá nhưng với điều kiện phải ngồi khuất phía sau xưởng kẻo "xấu mặt tiền" của tiệm. Nhưng sau gần 7 năm còm cõi chăm chỉ kiếm cơm, căn bệnh lạ quái ác lại ngày càng nặng, khuôn mặt và thân thể Mai càng ngày càng khó nhìn hơn, chính vì vậy Mai cũng đành phải "bỏ cuộc mưu sinh"!

Thế rồi số phận đã phần nào bù đắp cho Mai, qua mai mối của người bác họ, anh Trần Thanh Thương (SN 1976) cũng đã từng lỡ làng một lần đò, cảm thông và đồng cảm với chị. Năm 2005, Mai và Thương nên nghĩa vợ chồng, đám cưới chỉ đơn sơ là một mâm cỗ nhỏ cùng sự "chia vui" duy nhất là sự hiện diện của 2 bên gia đình.

Đùm bọc, thương nhau vượt qua tất cả, 2 vợ chồng Mai - Thương đã đơm hoa kết trái 2 đứa con một gái 4 tuổi, một trai 2 tuổi kháu khỉnh. Mỗi ngày cùng với cuộc sống chật vật từ vài chục ngàn tiền chạy xe ôm nuôi cả gia đình của anh Thương và nhìn 2 đứa con ngây thơ lớn dần, hàng đêm Mai vẫn giấu chồng, giấu nỗi lo không biết các con của anh chị liệu sau này có mắc căn bệnh kỳ lạ như chị?

Mấy hôm nay, sức khoẻ chị Mai yếu hẳn, không còn đi may thuê được nữa. Bản thân anh Thương chồng chị cũng tái phát căn bệnh thần kinh cũ nên cũng khó kiếm đủ cơm mỗi bữa của gia đình…!. Ông bà Mứt - Phước bố mẹ của Mai lại một lần nữa gánh nặng cưu mang 2 cháu ngoại cùng đôi vợ chồng bệnh tật Mai - Thương…!

Bà Mứt, mẹ Mai tâm sự với tôi: "Gia đình có 3 người con, riêng chỉ có cháu Mai là con gái duy nhất, nhưng lại gặp phải căn bệnh lạ quái ác, còn anh trai và cậu em út thì  đều khoẻ mạnh và không có bệnh tật gì. "Khi biết con Mai bị bệnh từ 12 tuổi, tôi buồn lắm. Cả nhà không ai biết nó bị bệnh gì. Chạy chữa khắp nơi mà cũng không khỏi. Bây giờ đi ra ngoài đường thấy 2 mẹ con đi với nhau mà như 2 chị em", bà Mứt nói.

Tiếp lời, chị Mai cho biết: "Mấy bữa trước, xem tivi tôi thấy ở Bến Tre có chị Nguyễn Thị Phượng cũng mắc căn bệnh lạ giống tôi. Xem xong tôi chỉ biết khóc thôi, cứ ngỡ trên đời này chỉ có 1 mình mình bị bệnh lạ này, ai ngờ ở tận trong miền Nam cũng có người bị như tôi. Qua những thông tin trên đài, tôi thấy các triệu chứng và bệnh án của chị rất giống với tình trạng bệnh của tôi đang mắc phải mặc dù về mức độ cũng như thời gian tiến triển bệnh của tôi có phần nào đó nhẹ hơn chị Phượng. Bệnh của tôi bộc phát từ năm tôi mới 12 tuổi đến nay đã trải qua khoảng thời khá dài, bây giờ tôi đã 27 tuổi. Thời gian gần đây bệnh của tôi lại bắt đầu trở nặng hơn trước. Tôi và gia đình nghĩ rất có khả năng căn bệnh của tôi lâu nay chính là căn bệnh mà chị Phượng đang mắc phải. Và thấy bệnh lạ của chị Phượng rất được các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu. Chính vì vậy mà mong muốn của tôi bây chừ là mong sự giúp đỡ và có thể giúp tôi được tiếp cận với những phương pháp điều trị hiệu quả để hy vọng phần nào giúp tình trạng bệnh tật của tôi được khá lên. Mọi người xung quanh không còn nhìn tôi với con mắt lạ lẫm, kỳ thị, tôi được trở lại cuộc sống của một con người bình thường!".

Nhân sự việc thương tâm của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Báo CAND cũng kêu gọi sự quan tâm của các ngành chức năng, cũng như sự sẻ chia của cộng đồng để phần nào giúp chị Mai vượt qua bệnh tật. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, số 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc gia đình chị Mai, số nhà 21 - đường Trần Quang Khải - TP Hội An - tỉnh Quảng Nam, điện thoại: 05106287114 - 01214 686 286.

Hoài Thu
.
.
.