Ôsin thời công nghệ 4.0

Đào tạo ôsin chuyên nghiệp thời hội nhập

Thứ Bảy, 16/06/2018, 08:00
Ôsin thời hiện đại không chỉ dừng lại ở việc biết dùng máy móc, công nghệ mà đòi hỏi phải trang bị rất nhiều kỹ năng. Quan trọng nhất vẫn là sự chịu thương chịu khó, trách nhiệm, biết yêu thương, hết lòng với các thành viên gia chủ.


Đẩy lùi quan niệm “ở đợ thì cần gì phải học”

Bây giờ, nghề giúp việc không còn là một nghề mạt hạng, tự phát và tạm bợ mà nó là một công việc rất “hot”, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, có tay nghề. Thời hội nhập, việc ôsin phải thành thạo các kỹ năng làm việc nhà, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, thậm chí cả kỹ năng ngoại ngữ và hiểu biết về pháp luật trở thành vấn đề sống còn. Nó không chỉ giúp người giúp việc làm tốt công việc, tăng thu nhập mà còn bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng, thực tế ở Việt Nam không có nhiều trung tâm đào tạo nghề giúp việc nhà. Chủ yếu vẫn là các dịch vụ giới thiệu việc làm, trung tâm, công ty đóng vai trò môi giới, thỏa thuận về mức lương, hợp đồng làm việc và mọi việc kết thúc khi có hộ gia đình nào ưng thuận nhận người giúp việc. Chỉ có một số trung tâm, công ty có khóa đào tạo người giúp việc chuyên nghiệp như Vinhomes, Jupviec.vn...

Các khóa đào tạo này dạy những kỹ năng cơ bản như: Kiến thức về giúp việc gia đình; hướng dẫn cách thức và quy trình lau dọn nhà cơ bản; cách chăm sóc trẻ, nấu ăn cơ bản; cách phân loại, gấp, là quần áo; cách sử dụng máy móc thiết bị gia dụng... 

Thậm chí, có công ty còn tuyển hẳn sĩ quan Công an, bác sĩ, chuyên gia tâm lý… để giảng dạy cho học viên cách đảm bảo an ninh ở nhà gia chủ, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng ứng xử với các thành viên trong gia đình cũng như giao tiếp với người lạ. Cả khóa học kéo dài từ vài tháng đến một năm.

Từng thuê một ôsin được đào tạo bài bản, chị Hoàng Ánh Tuyết, quận 5 vui vẻ cho biết: “Cô bé còn trẻ mà rất ý tứ, làm việc gì cũng có giờ giấc khoa học và chỉn chu. Mấy lần trước, nhiều bà, cô ở quê lên đụng cái gì cũng lóng ngóng lại hay đi buôn chuyện, nói xấu chủ. Mình góp ý thì lại dỗi, đòi bỏ về”.  Thế nhưng, số ôsin chuyên nghiệp này vô cùng khan hiếm.

Tâm lý “ở đợ thì cần gì phải học” nên dù nhiều khóa học miễn phí hoàn toàn vẫn không mấy hấp dẫn học viên. So với các nước trong khu vực, thị trường Việt Nam vô cùng thiếu người giúp việc có năng lực, kỹ năng bài bản dẫn đến mức lương cũng rất thấp. Đa số người giúp việc nước ta vẫn làm theo kinh nghiệm nên thường xảy ra xung đột với chủ khi kinh nghiệm đó không phù hợp.

Buổi thực hành của học viên tại một trung tâm đào tạo người giúp việc chuyên nghiệp.

Tiện ích thời 4.0 thay đổi nghề giúp việc

Để nghề giúp việc trở nên chuyên nghiệp thì nhất thiết phải có đào tạo về kỹ năng, nghề… nhưng hầu hết gia chủ cần người có kinh nghiệm, chất phác, thật thà và có chút hồn quê trong từng món ăn, lời nói, cư xử. Chỉ khi nào làm việc đơn lẻ, thông qua các trung tâm, công ty giới thiệu như mô hình vệ sĩ thì người giúp việc mới trang bị cho mình những kỹ năng sống, tự bảo vệ, ứng xử, ẩm thực, kể cả ngoại ngữ khi giúp việc cho những hộ gia đình người nước ngoài.

Ôsin hiện đại phải biết điều khiển các thứ vật dụng trong gia đình bằng điện tử, biết lái ôtô, trang bị kiến thức về sơ cấp cứu y tế, phòng cháy chữa cháy…

Hiện tại, người giúp việc rất chuộng công việc tại các chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cao ốc vì từ một mối quen chỗ bảo vệ, quản lý hoặc một gia đình tại đây, người giúp việc có thể làm việc nhà cho nhiều căn hộ cùng chung cư rất sang trọng, cao cấp và đỡ công di chuyển.

Chủ nhà yên tâm đi làm việc, ôsin được camera giám sát mọi thao tác nên chỉ cần hỏi han thêm bớt gì là mở camera điện thoại ra trao đổi ngay. Tiện ích của thời công nghệ 4.0 mang lại nhiều tác động tích cực cho người giúp việc nhà.

Riêng với gia chủ những khu biệt thự sang trọng, việc tìm người giúp việc trở nên khó khăn hơn. Họ thường chọn người quen biết lớn tuổi, bao ăn ở để ôsin kiêm luôn các việc đưa đón con, nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà, chăm vườn, chăm thú cưng… Nhưng chấp nhận làm cho họ nghĩa là người giúp việc phải chấp nhận cuộc sống buồn tẻ, lặng lẽ một mình trong khu biệt thự sang trọng.

Người giúp việc đang trở thành một xu hướng tất yếu trong cuộc sống thành thị. Hiện tại, pháp luật chưa hiện thực hóa về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chính đáng cho người giúp việc, kể cả các chế độ bảo hiểm, y tế, lao động… Nếu họ được đào tạo từ trung tâm, công ty thì những quyền lợi này do trung tâm, công ty lo.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, số trung tâm, công ty như thế này rất ít. Do vậy, người giúp việc vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra tai nạn, bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe…

Mới đây, việc ban hành Luật Lao động sửa đổi bổ sung có đề cập đến người giúp việc khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp với chủ nhà, người sử dụng lao động… đã trở thành chỗ dựa bảo vệ quyền lợi người giúp việc. Nhưng để điều đó thành hiện thực, phổ biến với số đông người giúp việc sẽ còn là câu chuyện dài.

Bà Phạm Ngọc Hiền, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho hay, Hội cũng đang mở nhiều lớp đào tạo người giúp việc kiểu mẫu. Song bà cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải giải tỏa tâm lý nghề giúp việc là một nghề tạm thời để người giúp việc toàn tâm toàn ý cho công việc, đầu tư thời gian, công sức cho nó. Tránh tình trạng nhảy việc, yêu sách này kia. Phải làm sao cho họ hiểu đây là một nghề chính thức như nhiều nghề khác, có quyền lợi và được pháp luật bảo vệ hẳn hoi”.
Hoàng Châu – Quỳnh Nga
.
.
.