Ông từ thiện ở Bến Tre

Chủ Nhật, 12/02/2006, 09:07

Không vợ nhưng ông có đến… hàng ngàn đứa con. Ông không có nhiều tiền mà chỉ có trái tim nhiệt huyết luôn dành cho "đàn con đặc biệt" của mình và suốt ngày đi đây đó, kêu gọi cộng đồng góp chút lòng nhân ái để lo cho chúng. Tấm lòng từ tâm, bác ái của người đàn ông xứ dừa này đã gây sự chú ý, xúc động đến tận đất nước phù tang Nhật Bản.

Ông đã trở thành nguời Việt Nam đầu tiên được nhận ITOGA - giải thưởng có uy tín khu vực châu Á - Thái Bình Dương; được một kênh truyền hình NHK cử đoàn phóng viên "bay" sang để thực hiện bộ phim "Chân dung một người châu Á" (phim này đã được phát sóng). Ông là Huỳnh Văn Cam, người dân xứ dừa quen gọi ông là Lê Huỳnh.

Tôi gặp ông Năm Lê Huỳnh vào ngày đầu Xuân 2006 trong căn phòng làm việc nhỏ nằm trên đường Đoàn Hoàng Minh, phường 5, thị xã Bến Tre. Công việc của ông bây giờ bề bộn như lúc ông còn là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cách đây 5 năm, bởi vậy phải ít nhất 3 lần hẹn, tôi mới được ông bố trí cuộc gặp. Tấm bảng treo tường thì ghi kín lịch công tác của ông: ngày hôm qua đi Mỏ Cày, ngày mai đi ngược lên Chợ Lách rồi vọt một mạch xuống huyện biển Thạnh Phú; ngày hôm sau lại đi Bình Đại, Ba Tri… Ông và các cộng sự đang tập trung lo tiền, thủ tục cho những ca mổ tim thứ 51, 52.

Ông kể về các con thơ chẳng may bị tật nguyền: "Tội cho chúng nó lắm. Cha mẹ chúng đều nghèo, nhà trống trước dột sau, tiền bạc đâu mà lo cho nổi trước những căn bệnh ngặt nghèo của chúng". Rồi ông rơm rớm nước mắt khi kể lại cho tôi nghe trường hợp của cháu Nguyễn Lê Yến Nhi ở Châu Thành. Khoảng tháng 10/2003, khi gia đình đem cháu đến đây thì mới biết cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Bằng mối quan hệ thân tình của mình, ông đã giới thiệu cháu lên Viện Tim tại Tp.HCM khám và được biết thêm, cháu Nhi bị hở van hai lá, thông liên thất. Muốn cứu sống cháu, gia đình phải có 2.400 USD. Cha mẹ cháu Nhi giàn giụa nước mắt xin được đem con về nuôi theo kiểu, sống tới ngày nào hay ngày đó. Ông thì chạy đôn chạy đáo vận động tiền để cứu đứa bé.

Ông Kazuo Toga là người Nhật Bản, mất ngày 17/9/1968. Để ghi lại giá trị nhân văn về một tấm lòng cao thượng - cả cuộc đời dành hết cho những người tàn tật - những phế nhân được sinh ra từ sự tàn khốc của chiến tranh, từ năm 1997, tỉnh Shiga - quê ông thành lập giải thưởng ITOGA hàng năm. Quy mô của giải thưởng là xét chọn những cá nhân tích cực trong tạo phúc lợi cho người tàn tật. Từ khi thành lập đến nay, hàng năm, giải được trao cho từ 1 đến 3 người của các quốc gia châu Á - Tây Thái Bình Dương, mỗi quốc gia duy nhất một người. Ông Lê Huỳnh là người Việt Nam vinh dự nhận được giải thưởng này

"Tuy nhiên, chưa đủ tiền thì cháu Nhi đã qua đời. Tôi thật sự sốc!" - ông nói. Sau niềm đau này, ông bắt đầu lặn lội đi tìm những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh từ khắp các huyện thị với con số hàng chục em và chợt nhận ra rằng: "Nếu không tìm cách cứu chúng, chúng sẽ chết âm thầm!". Nhớ lại những đôi môi tím tái, những cơn thở dồn, ông giật mình: "Tại sao hai ba đứa trẻ chẳng may bị chết chìm, dư luận biết, xã hội đau đớn. Còn những đứa trẻ khác do bệnh tật, bệnh tim bẩm sinh chết âm thầm với số lượng nhiều như thế, chưa thấy ai làm bài toán cộng để mà lo?". Thế là ông bàn với các cộng sự tại Phòng khám nhân đạo và tiến hành khám miễn phí. Số ca trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh nhiều gấp rất nhiều lần so với con số ông được biết. Ngay trong năm 2004, ông vận động đủ tiền và đã liên hệ với các bệnh viện mổ cho 10 trường hợp. "Mổ xong, tất cả chúng đều bình phục nhanh và chóng khỏe mạnh!".

Ông Huỳnh vốn là một đứa trẻ mồ côi. Cuộc đời tham gia cách mạng suốt mấy mươi năm trời, ông đã chứng kiến biết bao đau thương khiến ông đồng cảm và muốn sẻ chia trong khả năng của mình. Ông từng khóc vì chứng kiến một người mẹ nghèo "vượt cạn" rồi chết tại bệnh viện. Đưa tang cho mẹ là đứa bé đỏ hỏn và anh của nó là thằng nhóc chỉ có 3 tuổi. Sau khi cho người thân tiền lo đám tang, ông xin chúng làm con. Tay bồng, miệng ông hỏi trấn an: "Ba con đâu?". Thằng lớn mếu máo khóc nhưng tay chỉ vào trán ông. Ông lại khóc. "Đấy là ngày tôi nhớ nhất trong đời!". Kể từ ngày ấy, ông trở thành người đàn ông "đẻ dày" nhất xứ dừa. Cứ vài ba ngày, ông lại có thêm dăm ba đứa con. Câm, điếc, mù, bị bỏ rơi, trẻ bị dị dạng do nhiễm chất độc da cam… ông cũng nhận làm con. "Chúng nó đều rất thèm một mái nhà, có sự cưng yêu của người lớn!" - ông nói.

Ông Năm Lê Huỳnh tiếp nhận hàng viện trợ của một tổ chức nhân đạo Nhật Bản.

Trái tim nồng hậu, nhân ái của ông Năm Lê Huỳnh đã làm thao thức bao trái tim nhân hậu khác và kết dính thành một tình thương không biên giới. Từ Nhật Bản xa xôi, bà Akemi Bando - một "nhũ mẫu" có tiếng xứ hoa anh đào đã lặn lội sang Bến Tre và cùng ông tìm những đứa trẻ như thế đưa về chung một mái nhà - đó là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bến Tre. Và 15 năm qua, ở bên Nhật, bà Bando chạy tiền; bên này, ông lo chăm sóc, tu bổ, ngôi trường này hiện có quy mô nhất miền Tây. Với hàng ngàn đứa trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch của tỉnh, trong một lần đi Nhật theo lời mời của Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản, ông đã thuyết phục được các bác sĩ nổi tiếng của Hiệp hội Sứt môi, hở hàm ếch Nhật Bản sang phẫu thuật miễn phí. 13 năm qua, đã có trên 1.000 trẻ em có được "nụ cười trọn vẹn".

Bây giờ, cái địa chỉ và tên gọi Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và Người tàn tật tỉnh Bến Tre do ông làm Chủ tịch đã trở nên quen thuộc với những hoàn cảnh thương tâm, bệnh tật hiểm nghèo. Sau hai năm thành lập, thông qua nguồn tiền, vật chất… của các tấm lòng hảo tâm, tổ chức này đã giúp trên 3.000 người mù nghèo được phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo, khám và cấp thuốc miễn phí cho trên 30.000 bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa; tặng 140 xe lăn cho người tàn tật và cấp học bổng cho hàng trăm học sinh, sinh viên mồ côi, khuyết tật học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

"Người dân nghèo bình thường lo cái ăn, cái mặc đã vất vả. Nhưng nếu không may lâm bệnh kéo dài hay tàn tật, mồ côi, thì gia đình họ càng khốn khổ biết chừng nào. Lúc ấy, họ rất cần sự quan tâm của xã hội, sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái" - ông Huỳnh tâm sự

Thái Bình
.
.
.