"Ống tre tiết kiệm"- việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ Ba, 01/09/2009, 10:14
Có nhiều chị em phụ nữ nghèo ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, An Giang, đã tận dụng cây tre để làm "ống tre tiết kiệm". Họ luôn nhắc nhở nhau cùng học cách tiết kiệm và tự nhắc mình hãy bỏ một ít tiền vào ống tre mỗi ngày. Trên ống tre các chị còn dán ảnh Bác Hồ một cách trang trọng để phấn đấu noi theo tấm gương tiết kiệm của Người...

Từ hiệu quả của mô hình "ống tre tiết kiệm" đã mang lại niềm vui cho không ít gia đình chị em phụ nữ vùng sâu thuộc huyện Châu Phú.

Theo chị Nguyễn Thị Liền, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Phú: "Qua phát động của Hội LHPN huyện về phong trào phụ nữ gây quỹ tiết kiệm, tôi suy nghĩ tìm đưa mô hình vừa mới, vừa phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt là phải thu hút đông đảo hội viên cùng tham gia. Sau nhiều đêm đắn đo về tổ hùn vốn thấy không hiệu quả, vì quê mình nhà ai cũng nghèo làm gì có tiền dư để hùn, mà muốn dư thì phải tiết kiệm, bỏ ống".

Chị liên tưởng ngay đến việc mua con heo đất cho hội viên, nhưng heo đất thì phải tốn tiền mua, vả lại dễ bể, trong khi ngay tại quê mình có khá nhiều tre... Thế là chị bàn với các chi hội, rồi cùng nhau thống nhất đi xin tre của hàng xóm, kế đến, nhờ các anh trong gia đình đốn tre mang về cưa ra từng khúc, cạo sạch vỏ. Rất đơn giản, chỉ trong ngày hôm sau "ống tre tiết kiệm" đã được phân phối đến tay các hội viên.

Trong buổi trao ống tre, nhiều chị còn đề nghị dán thêm ảnh Bác Hồ để cùng nhau học tập theo tấm gương đạo đức của Người mà tiết kiệm. Riêng, Hội phụ nữ xã thì đưa ra chỉ tiêu, chị nào bỏ tiền vào ống tre nhiều nhất sẽ được khen thưởng. Mô hình khá mới cộng thêm phần động viên, khen thưởng nên ai nấy đều cảm thấy phấn khích, vui vẻ mang ống tre về nhà.

Mô hình "ống tre tiết kiệm" được Hội phụ nữ xã Bình Phú thành lập từ tháng 11/2008. Nếu ban đầu chỉ có một câu lạc bộ, với 57 hội viên tham gia thì đến nay đã lan rộng ra 9 ấp, thu hút tổng số gần 140 hội viên tham gia, mỗi người bỏ ống tre ít nhất là 1.000 đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Tha, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: "Mô hình này chị em thích lắm. Vì nhờ có ống tre mà gia đình hòa thuận hơn trước, chồng bảo vợ bỏ ống, con nhắc mẹ tiết kiệm. Thấy được lợi ích từ "ống tre tiết kiệm" nên có rất nhiều hội viên xin được tham gia. Ngoài ra, hộ giàu cũng xin bỏ ống tre và cùng sinh hoạt hội đều đặn hơn trước. Qua đó, chia sẻ với nhau cách làm ăn, nuôi dạy con, làm kinh tế...".

Không chỉ có mấy chị thích ống tre tiết kiệm, mà các anh chồng của các chị cũng đồng tình ra mặt. Hôm nào thấy vợ quên bỏ ống là lên tiếng nhắc ngay.

Ở xã Bình Phú, hàng tháng đều thu hút khá đông đảo hội viên tập trung sinh hoạt định kỳ, nghe các thông tin về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh cúm A/H1N1; Luật Giao thông đường bộ; kế hoạch hóa gia đình; biết được những tấm gương phụ nữ nuôi con ăn học thành đạt, làm kinh tế giỏi.

Đặc biệt là vấn đề bạo hành gia đình và thế nào là bình đẳng giới... Nghe xong chuyện thời sự, trước khi kết thúc buổi họp ra về, bao giờ cũng vang lên đâu đó giọng nói vui của các chị nhắc nhở nhau nhớ bỏ tiền vào ống tre.

Bà Phan Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú, cho biết: Mô hình "ống tre tiết kiệm" ở xã Bình Phú hiện đã lan rộng sang xã Bình Chánh, mỗi chị bỏ ống từ 1.000 - 5.000 đồng/ngày. Hướng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả, vận động các hội viên cùng đóng góp cất nhà cho phụ nữ nghèo, tạo thêm tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong tổ chức hội"

N.T. - H.T.
.
.
.