Ông giáo làng dạy võ

Chủ Nhật, 28/01/2007, 09:12
Trước đây, lò võ này là một căn nhà đã xuống cấp: vách thì trống trước hở sau, sàn tập thì trải bằng vỏ trấu... nhưng lại là một trong những nơi cung cấp tài năng Judo cho phong trào võ thuật của TP HCM và quốc gia.

Có lẽ tết Đinh Hợi 2007 sắp tới là cái tết đáng nhớ nhất của "ông giáo làng" Cái Ngọc Phiển bởi lớp võ của ông ở khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM, được đón tết trong nhà mới.  Một phòng tập khá tươm tất được lợp mái tôn, sàn trải thảm mà ông ao ước bấy lâu đã được các nhà hảo tâm góp sức dựng xong...

“Lò” ươm mầm tài năng

Lớp học võ tại nhà HLV Cái Ngọc Phiển (người dân hay gọi là lớp võ của ông Sáu Phiển) lúc nào cũng đông học trò, từ bé 5 - 6 tuổi đến các chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Tính từ ngày ra đời đến nay đã hơn 17 năm, đội ngũ võ sinh tập luyện trên sàn lót vỏ trấu đã giành được hơn 400 huy chương các loại.

Chẳng hạn như năm 1994 có 4 huy chương vàng (HCV) giải Judo toàn quốc; năm 1995 có 14 HCV; năm 1997 có 16 HCV... Chỉ tính riêng năm 2006, lò của ông Sáu Phiển đã đem về gần chục HCV. Ấn tượng nhất trong số đó là chiếc HCĐ ở đấu trường quốc tế SEA Games 22 của cô học trò Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Không chỉ thế, “lò” của thầy Phiển còn là cái nôi cung cấp tài năng cho Đội tuyển Judo quốc gia (Phạm Quang Vũ, Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Lưu Cẩm Hằng) và Đội tuyển thành phố (Nguyễn Bích Liễu, Bùi Thị Cẩm Nhung, Nguyễn Hoàng Dũng...).  Còn các học trò ở độ tuổi thiếu niên cũng chiếm phần lớn trong hàng ngũ của các đội năng khiếu Judo của TP HCM. Ngoài ra, lò của ông còn cung cấp 11 vận động viên cho quân đội và nhiều vận động viên tiêu biểu thành phố.

Ở môn Judo, những đòi hỏi về điều kiện tập luyện rất nghiêm ngặt, nhất là phải được trang bị thảm chuyên dụng để tránh chấn thương cho người tập. Nhưng lớp võ “con nhà nghèo” của HLV Cái Ngọc Phiển làm gì có tiền để trang bị thảm nệm chuyên dụng nên phải đổ vỏ trấu thật dày, lót miếng nhựa lên là thầy trò có nơi tập luyện.

Đáng phục ở chỗ, từ sân tập vỏ trấu đó mà các học trò của thầy Phiển lập thành tích đánh đâu thắng đó rất vẻ vang. HLV Cái Ngọc Phiển mở lớp võ nhưng không đặt nặng vấn đề  thu nhập mà qua đó muốn đào tạo những lớp võ sinh giỏi nghề, đạo đức tốt.

Theo ông: “Học Judo cốt yếu ở thực hành, muốn vươn đến đỉnh cao cũng cần phải dung hòa giữa mọi điều kiện thuộc về cá tính như lòng hăng say luyện tập, năng khiếu bẩm sinh và sức khỏe”.

Tấm lòng của ông giáo làng

Chuyện dạy võ đối với “ông giáo làng” Cái Ngọc Phiển  là niềm vui vô bờ vì ngày ngày được trò chuyện, uốn nắn từ chiêu thức võ thuật đến rèn luyện nhân cách cho các em nhỏ. Người nào giành được huy chương, ông kể vanh vách không thiếu một chi tiết nhỏ.

Tài sản lớn nhất của ông chỉ là tấm lòng, quà tặng dành cho học trò nào đoạt giải chỉ là một bộ võ phục và những quyển truyện tranh “Tiểu thư Nhu đạo”. Trò cũng quý thầy nên có cô học trò bỏ ra cả tuần, miệt mài vẽ tặng ông bức tranh một đòn Konchi Maki Komi đẹp mắt, y như trong truyện tranh mà ông tặng và đó là thứ ông rất quý.

Một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ông rất tâm đắc là “Sống trên đời cần có một tấm lòng...”. Và chỉ có tấm lòng mới giúp ông gắn bó và vươn lên cùng lớp võ mạnh mẽ đến vậy.

HLV Cái Ngọc Phiển sinh ngày 22/6/1937, tại làng Tân Nhựt thuộc Tổng Long Hưng Thượng. Do đam mê võ thuật nên năm 21 tuổi, ông khăn gói theo học thầy Vương Quang Ba,  một võ sư huấn luyện Judo nổi tiếng thời đó. Nhờ có năng khiếu võ thuật và sự cần cù, nên ông đã nhanh chóng đạt đến trình độ đai đen đệ nhị đẳng. Đam mê võ thuật của chàng trai trẻ bỗng bị gián đoạn bởi cái lo cơm áo gạo tiền. Nhưng cái chí vượt khó đã giúp ông tiếp tục tập luyện và dễ dàng lấy đai đen ngũ đẳng.

Tháng 3/1989, ông nảy ra ý muốn mở lớp võ, truyền đạt hai chữ “võ đạo” cho những đứa trẻ nông thôn. Nơi ông ấp ủ hoài bão muốn mở lớp võ  hồi đó rất hoang vắng, đồng không mông quạnh, ban ngày nhìn thấy cánh đồng lúa xanh bát ngát, đôi lúc còn được điểm tô những cánh cò trắng khi chiều về, chứ không phải như bây giờ...

Để mở lò, cả thầy và trò lúc đó chỉ có vài người phải làm cật lực gần nửa tháng trời để dựng lên căn nhà lá (đòn tay bằng tầm vông, cột gỗ, trên lợp lá dừa nước, vách thì để trống) tàm tạm. Thế nhưng “đất lành chim đậu”, tâm huyết bỏ ra đã không uổng phí, là lớp võ của ông ngày một đông học trò.

Trò gắn bó với lớp võ nghèo bởi vì có người thầy tận tâm với nghề. “Ông giáo làng” Cái Ngọc Phiển có nguyên tắc bất di bất dịch là học võ để rèn luyện nhân cách và để tinh thần minh mẫn, thân thể tráng kiện. Với con mắt tinh đời, ông sớm phát hiện những khả năng tiềm ẩn trong các em nhỏ để tập trung bồi dưỡng, đào tạo và đưa đi dự giải, qua đó có dịp cọ sát với thực tế, rèn luyện thêm bản lĩnh. Ông dạy võ không lấy tiền của các em có hoàn cảnh khó khăn, nếu nhà nào có nhiều em theo học, ông chỉ thu học phí một em; em nào thi đấu đạt thành tích, ông miễn luôn học phí.

Khi học trò đi thi đấu, thầy cũng đi thi bằng cách chuẩn bị những phần thưởng để động viên và theo sát bên các em để kịp thời chỉ đạo khắc phục những điểm yếu, quyết giành chiến thắng. Bởi thế, hễ lò võ của ông Sáu Phiển xuất quân là y như rằng có huy chương mang về.

Hiện nay, lò võ của ông có hàng trăm võ sinh thường xuyên đến luyện tập. Mỗi ngày có 2 lớp, sáng và chiều. Mặc dù bước sang cái tuổi đã "thất thập cổ lai hy" nhưng võ sư Cái Ngọc Phiển vẫn miệt mài trên sàn tập để đào tạo những mầm non võ thuật bộ môn Jodo. Ông bộc bạch: "Nhà thì khó khăn, có bao nhiêu vốn liếng đầu tư cất cái nhà cho con cái, còn tiền đâu mà sửa lại lò võ. Nắng mưa đành chịu, tội nghiệp cho các cháu đam mê võ thuật cũng cùng chung cảnh ngộ với thầy!".

Qua nhiều năm chịu đựng cùng mưa, nắng và sức phá hoại của thời gian, đến nay lò võ của ông đã xuống cấp, chắp vá đến thảm hại. May thay nguyện vọng của ông bao năm đã trở thành hiện thực khi các nhà hảo tâm cùng góp tay nhau cất lại nhà tập võ cho thầy trò ông Sáu Phiển. Thảm tập cũng được trang bị dù chỉ là thảm cũ nhưng vẫn còn hơn những lớp vỏ chấu đã mục nát.  Thầy trò ông Sáu Phiển năm nay đón xuân trong căn nhà mới...

A.B.
.
.
.