Ông giám đốc ngồi xe lăn

Chủ Nhật, 23/01/2005, 15:58

Nhiều người biết đến anh bởi anh là một Giám đốc ngồi trên xe lăn, bươn chải khắp từ Bắc vào Nam để lo công ăn việc làm cho 1.273 công nhân. Nhưng ít ai biết được rằng, người Giám đốc ấy một thời được cho là dân "anh chị" ở Hải Phòng.

Bến Khuể (huyện An Lão, Hải Phòng) năm 1986 nổi tiếng là địa bàn phức tạp với đủ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Cứ vài ngày lại xảy ra vụ thanh toán, tranh giành lãnh địa làm ăn của các đối tượng giang hồ. Người dân (nhất là dân buôn bán) mỗi lần qua bến Khuể đều nơm nớp lo sợ nạn "xin đểu", trấn lột, cướp bóc. Những đối tượng hoạt động ở đây đều có máu liều, ngang tàng, hống hách và sẵn sàng chống trả lại lực lượng Công an.

Đầu năm 1986, dân “anh chị” ở bến Khuể ngạc nhiên khi thấy một thương binh hỏng cả hai chân, ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Trông vẻ mặt hiền lành nhưng nghiêm nghị của anh, một số kẻ đã nổi máu "anh hùng". Chúng tìm mọi cách cà khịa.

Vốn nóng tính, lại thấy việc "bất bình chẳng tha", nên anh Phạm Ngọc Kỷ đã làm nhiều việc khiến nhân dân cảm phục nhưng cũng gây "chấn động" ở bến Khuể. Anh đã từng ngược xuôi buôn bán khắp Sài Gòn, Cần Thơ và quay về quê hương bến Khuể. Chưa ai nhận ra tiềm năng ở khu bến này, một bên là quốc lộ, một bên là đường thủy. Anh nghĩ, nếu có một đội quân chuyên chở vật liệu xây dựng xuôi về Kiến An, Đồ Sơn và Tp. Hải Phòng thì rất có triển vọng. Nhưng vừa đặt chân về quê hương, anh đã vấp phải hàng loạt ngáng trở, mà ngáng trở khiến anh bức xúc nhất chính là sự tranh giành "cát cứ" của một số đối tượng có máu mặt.

Đem ý định thành lập công ty nói với mọi người, anh nhận được nhiều cái lắc đầu. Một người bạn thân biết được tâm nguyện đó đã khuyên anh muốn sống được ở bến Khuể thì phải mạnh, phải có tâm thu phục lòng người. Không ngờ, lời khuyên ấy lại chính là điều căn bản để anh thành công sau này. Bằng lời lẽ thuyết phục đầy chất lính, anh đã khiến trái tim chai đá và tâm hồn cằn cỗi của nhiều tay “anh chị” ở bến Khuể mềm lòng. Rồi anh được bầu làm Đội trưởng Đội bảo vệ bến Khuể. Từ đó trở đi, mọi sự hống hách ở đây được dẹp bỏ, anh Kỷ đã thu phục được nhân tâm và thu phục được lòng người. Cái tên anh Kỷ cứ thế lan truyền đi xa…

Bán cả đồ đạc để thành lập doanh nghiệp

Phương châm sống của anh Kỷ tuân theo một nguyên tắc: Phấn đấu để tồn tại và đã tồn tại rồi thì mới phát triển. Thực tế có muôn vàn khó khăn, đối với một người thương binh thì khó khăn nhân lên gấp bội. Năm 1987, anh thành lập doanh nghiệp khi trong tay là con số âm.

"Có bộ quần áo bộ đội tôi nâng niu từ chiến trường về cũng phải đem ra bán. Chiếc đài nhỏ để nghe tin tức, thậm chí chiếc xe lăn là phương tiện duy nhất giúp tôi đi lại cũng phải bán. Chị biết tất cả gia sản của tôi lúc đó được bao nhiêu không? 7.000 đồng! Trong khi mua căn nhà hết 28.000 đồng. Phải nợ 21.000 đồng trả dần". Nhớ lại cái ngày "vạn sự khởi đầu nan", đôi mắt anh đỏ hoe.

Ngày ấy khó khăn đến mức, hôm cha anh ốm nặng, ông thèm ăn miếng chả mà anh không có nổi tiền để mua. "Chạy" từ đầu xóm đến cuối xóm, anh mới vay đủ tiền mua cho cha lạng chả. Nhưng về đến nơi, cha anh yếu quá, chỉ nhìn thấy mà không ăn được. Trước khi qua đời, ông ôm anh vào lòng dặn: "Tài sản cha không có gì cho con, chỉ cho con một câu: "Đức năng thắng số". Cho đến tận bây giờ, lương tâm anh chưa lúc nào thanh thản mỗi lần nhớ tới cha.

Công ty Xây dựng và thương mại Duyên Hải do Giám đốc Phạm Ngọc Kỷ quản lý đã gắn bó với người dân bến Khuể từ bấy đến nay. Nó đã trở thành một công ty mạnh ở Hải Phòng trong việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các huyện, thị. Khi đã có vốn, anh mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm công nhân và bắt đầu vươn ra các tỉnh phía Bắc.

Thành công bởi có chữ "tâm"

Trong buổi chuyện trò với chúng tôi, anh Kỷ hút đến mấy điếu thuốc lào. Người Giám đốc bôn ba khắp đất nước này chỉ nghiện mỗi… thuốc lào. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường, công ty anh Kỷ vẫn vững vàng trước bao biến động. Anh lấy chữ "tâm" làm trọng trong bí quyết kinh doanh của mình. Anh bảo, bất cứ việc gì dù nhỏ nhất mình làm đều phải có chữ “tâm”.

Khó ai có thể ngờ, người thương binh gắn hơn nửa cuộc đời với chiếc xe lăn giờ lại là Giám đốc của 1.273 công nhân. Dọc chiều dài đất nước, chưa có nơi nào anh không đi qua. Công ty của anh hiện diện từ Bắc vào đến miền Tây Nam Bộ như công trình Cửa Đạt (Thanh Hóa) trị giá 7.000 tỷ đồng hay thi công một phần của đường mòn Hồ Chí Minh... Nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường là những gì mà đồng nghiệp đánh giá về anh. Trong 5 ngày nghỉ ở Nha Trang, anh đã phát hiện một tiềm năng kinh doanh du lịch lữ hành rất triển vọng ở đây. Anh đầu tư xây dựng khách sạn, mở các tour du lịch từ Nha Trang đi các tỉnh phía Nam đã mang lại lợi nhuận cao, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Có lẽ anh là Giám đốc có cách trả lương cho nhân viên khá độc đáo. Cùng một công việc, nhưng có người anh trả 700 nghìn đồng/tháng, có người lại nhận 4-5 triệu đồng/tháng. Có người tháng này chỉ được 700 nghìn đồng, nhưng tháng sau lại được 20 triệu đồng. "Tôi luôn coi trọng những sáng kiến hay, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty". Bến Khuể giờ đã khang trang và tấp nập hơn trước rất nhiều. Nhắc đến nó, người ta vẫn không quên anh Kỷ, người Giám đốc thương binh đi lên từ 2 bàn tay trắng

Trần Hằng
.
.
.