"Ông chủ Công Dung" và ước vọng đường về

Chủ Nhật, 04/11/2007, 09:10
Ngô Văn Thà, ông chủ của khách sạn Công Dung một thời đã tiêu tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Trong chuyến công tác tại Trại Xuân Nguyên (Hải Phòng), chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Ngô Văn Thà - người đang thụ án tại Phân trại số 2.

>>Phòng hạnh phúc giữa trại giam

Cuối những năm 1990, nhiều dân chơi ở Hà Nội và một số địa phương khác dường như đều biết đến cái tên khách sạn Công Dung nằm bên Hồ Tây. Nơi ấy có một sàn nhảy và cũng là nơi hành nghề của nhiều gái mại dâm được tuyển chọn ở một số địa phương.

Cả ngày đêm các cô "vũ nữ" xinh đẹp ấy sau màn trình diễn, theo sự chỉ đạo của ông chủ sẵn sàng phục vụ các đấng mày râu từ A đến Z. Địa điểm ăn chơi thác loạn này như một cái ung nhọt gây bức xúc  trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự. Khi vụ án chưa được khám phá, nhiều người vẫn chưa biết ông chủ cái khách sạn này là ai.

Ngày ngày, người dân sống ở gần chỉ biết khi hai chiếc xe Mercedes mới coong lướt đi trên phố, người ta dễ dàng nhận ra đó là xe của chủ khách sạn Công Dung, bởi chúng cùng mang một cặp biển số tứ quý cực xịn. Trong lúc cuộc sống của đa số người dân Hà Nội lúc ấy còn nghèo khó, vợ chồng ông chủ khách sạn này đã có những tháng ngày rong ruổi du lịch khắp châu Âu, châu Á.

Ngay cả bạn bè của Thà trầm trồ ngạc nhiên, thán phục và cũng đặt nhiều hoài nghi: Tại sao một công chức nghèo như Thà lại giàu có nhanh chóng như thế? Bản thân Thà tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, là công chức bình thường công tác tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Còn vợ anh ta là con một vị lãnh đạo của một trường đại học. Chỉ đến khi cả hai vợ chồng Thà bị bắt, mọi người mới vỡ lẽ đằng sau cuộc sống xa hoa của họ là tấm màn đen tội lỗi.

Thời điểm ấy, khách sạn Công Dung của Thà ngày đêm nườm nượp khách qua lại. Thà khá "nhạy bén" trong kinh doanh. Anh ta tuyển riêng một đội ngũ tiếp viên kiêm "vũ nữ" làm việc trong khách sạn. Cũng phải nói thêm rằng, điểm khởi đầu trước khi bắt tay vào kinh doanh của Thà là hai bàn tay trắng. Vợ chồng Thà được bố mẹ chia cho một mảnh đất đắc địa bên Hồ Tây. Bán đi một nửa, một nửa còn lại, Thà xây lên đó một khách sạn mang tên Công Dung.

Sau đó, cũng trên nền móng này, Thà thành lập thêm Công ty TNHH cũng mang tên Công Dung. Bỏ việc Nhà nước, cả hai vợ chồng Thà ngày ngày "chí thú" cho khách sạn đó. Khách sạn Công Dung nổi tiếng bởi gái đẹp và biết "chiều" khách nên ngay cả những vị khách nước ngoài ưa của lạ cũng tìm đến nơi đây.

Mỗi ngày, vợ chồng Thà thu tới 50-60 triệu đồng tiền phí dịch vụ liên quan đến việc chứa gái mại dâm. Đấy là phần thu công khai, phần gái mại dâm tiếp khách và những dịch vụ "đen" ở đây còn lớn hơn rất nhiều. Thời kỳ hoàng kim ấy của vợ chồng Thà kéo dài gần hai năm.

Đêm 31/8/1998, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội đã bất ngờ ập vào ổ nhền nhện ở khách sạn Công Dung. 17 gái mại dâm núp danh tiếp viên đã bị bắt quả tang có hành vi bán dâm cho khách. Vợ chồng Thà bị bắt, hai đứa con gái nhỏ ngơ ngác khi thấy bố mẹ, thần tượng của chúng bị Công an khóa tay bằng còng số 8, dẫn đi.

Các cơ quan chức năng coi đây là vụ án điểm, còn báo chí thời điểm đó đã coi vụ án này là "quả bom" và đã tốn khá nhiều giấy mực về cặp vợ chồng tội phạm này.

Thà vào tù với mức án 19 năm, còn vợ được xử nhẹ hơn 7 năm. Sau phiên tòa, hai vợ chồng Thà được giam ở cùng một Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Nói riêng về cuộc hôn nhân của vợ chồng Thà, một vài người thân và bạn bè đánh giá Thà là một gã si tình hiếm thấy.

Là trai tân nhưng Thà lại phải lòng và yêu tha thiết D., dù chị này hơn Thà 5 tuổi và đã có con riêng. Ngày ấy, dù gia đình phản đối, nhưng Thà và D. cũng đã vượt qua. Sau gần 2 năm quen biết, họ tổ chức đám cưới.

Phải nói rằng D. là người có nhan sắc, biết chiều chồng và cuộc sống của họ khá hạnh phúc với hai cô con gái chung có tên khá dễ thương. Nhưng với ước muốn mãnh liệt làm giàu bằng những việc làm bất lương, hai vợ chồng này đã rủ nhau vào trại giam. --PageBreak--

Hôm gặp Thà ở Trại Xuân Nguyên, khi hỏi đến chuyện tình cảm (vợ anh ta đã được đặc xá năm 2005), Thà lặng đi không nói. Dường như có những đợt sóng đang cuộn lên trong lòng người đàn ông này. Thà xin phép hút thuốc. Sau khoảng lặng, Thà nhỏ giọng: "Chị ấy hiện đang ở ngôi nhà chung của chúng tôi".

Thà giải thích: "Bây giờ tôi gọi D. bằng chị vì chị ấy đã làm đơn ly hôn". Nghe chuyện, chúng tôi chợt liên tưởng đến bức ảnh chụp vợ chồng Thà khi đang du lịch ở châu Âu. Thà trong trang phục của một chàng hiệp sỹ vung gươm hùng dũng, còn D. trong vai tiểu thư thời Phục Hưng. Nhìn bức ảnh, họ khá đẹp đôi dù tuổi tác chênh lệch.

Giờ đây, chàng "hiệp sỹ" ngày nào đang ngồi trước mặt chúng tôi, giãi bày những điều day dứt trong lòng. Thà bảo: "Tôi sợ lắm, ân hận lắm". Thì ra những đồng tiền bẩn mà một thời Thà vung tay ném qua cửa sổ không chỉ đưa anh ta vào nhà giam mà chính những đồng tiền đó đã làm hạnh phúc của anh ta tan vỡ.

Khi mới vào trại, Thà và vợ luôn đau đáu về nhau, ngóng tin nhau qua những lần hiếm hoi được nói chuyện dăm ba câu qua hàng rào. Dù được giam giữ chung một trại nhưng do trại giam có những quy định nên vợ chồng Thà cũng chẳng khác nào vợ chồng Ngâu. Mãi đến khi Trại xây dựng Nhà hạnh phúc, qui định mới đó đã khiến hai vợ chồng đều cố gắng cải tạo thật tốt để được gặp gỡ nhau.

Cũng vì lòng mong muốn sớm được hoàn lương để trở về với cuộc sống đời thường mà vợ chồng Thà đều cố gắng cải tạo tốt. Họ lo lắng cho nhau, quan tâm đến sức khỏe của nhau. Cứ ngỡ, đôi vợ chồng này sau những thăng trầm sẽ cùng nhau làm lại cuộc đời. Nhưng cuộc đời như Thà nói: Có ai học được chữ ngờ; sau khi ra tù, D. không lên thăm chồng, chỉ có một lần duy nhất và cũng là lần D. xuống thăm và đưa ra lá đơn xin ly hôn.

Sự việc ấy, khiến Thà choáng váng. Cú sốc bị bắt cũng không làm Thà bàng hoàng trước những dòng chữ lạnh lùng trong lá đơn ly hôn mà D. trao cho Thà. Suy sụp, nhưng Thà cũng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, người vợ hơn mình 5 tuổi ấy có những lý do khá "tế nhị".

Rất vô tư, Thà nói: "Mình nghĩ nếu có chuyện bỏ nhau thì mình mới là người bỏ bà ấy, vì mình trẻ hơn, có nhiều ưu thế hơn. Không ngờ bà ấy lại bỏ mình". Sau khi nhận lá đơn xin ly hôn từ tay vợ, đêm hôm ấy Thà thức trắng. Những dòng hồi ức cứ trôi qua chầm chậm trong đầu, nhấn nhá vào nỗi đau của Thà.

Thà nhớ lại những ngày hai vợ chồng nghèo khó, bữa cơm đạm bạc nhưng đầy tiếng cười của hai cô con gái nhỏ. Thà cũng nhớ lại ngày phải ra trước vành móng ngựa, bàn tay bé xíu của đứa con út vẫy ba mẹ từ xa, miệng nó hỏi: "Sao ba mẹ không ra bế con hả bà?".

Thà kể, lúc ấy, không hiểu sao Thà không gợn mảy may nhớ đến những tháng ngày hai vợ chồng giàu có, không nhớ đến những tính toán để kiếm tiền phi pháp. Có lẽ, anh ta đã thấm hiểu bi kịch của đồng tiền sau những cái giá quá đắt phải trả.

Sau gần 10 năm trong trại giam, theo lời Thà kể với chúng tôi thì cuộc đời anh ta đến nay đã trải qua 4 cú sốc lớn. Cú sốc đầu tiên là cả hai vợ chồng đều bị bắt vì tội chứa gái mại dâm năm 1998; tiếp đó là người cha qua đời khi Thà đang thụ án ở Trại Xuân Nguyên; rồi người anh ruột mất đột ngột vào năm 2002. Bây giờ là chuyện ly hôn với vợ. Những cú sốc ấy khiến cho Thà cảm thấy cô đơn, buồn bã, thất vọng, hối hận, ăn năn…

Đã có thời điểm Thà bị tai biến mạch máu não, phải nằm bệnh xá một tháng. Thà coi những chuyện ấy chính là quả báo mà anh ta phải chịu do những lỗi lầm của mình. Thà bảo: "Nằm bệnh xá trong sự cô đơn, thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người thân, của người bạn đời, nếu không nhận được sự động viên, chăm sóc tận tình của các bác sỹ, cán bộ quản giáo, có lẽ tôi đã không vượt qua được".

Trong mắt các cán bộ của Trại giam Xuân Nguyên, Thà được đánh giá là phạm nhân có nhiều cố gắng cải tạo. Bản thân Thà cũng luôn ý thức được, mỗi hành động, mỗi việc làm tốt của anh ta sẽ làm rút ngắn thời gian cải tạo. Thà tâm sự: "Lỡ một chuyến tàu này thì có thể chờ một chuyến tàu khác. Nhưng lỡ một ngày ở đây là 365 ngày dài đằng đẵng".

Chính vì vậy mà Thà luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Trò chuyện với Thà, chúng tôi có một cảm giác khá dễ chịu. Không hẳn vì cách nói chuyện của một người có học thức, mà có lẽ chính từ sự chân thành trong mỗi câu chuyện của anh ta. Anh ta không giấu giếm khi nói về những ngày tháng làm mưa làm gió kiếm tiền bất chính.

Thà cũng tâm sự rằng, chuyện ly hôn của anh ta vẫn chưa được toà án chấp thuận vì những lý do tranh chấp tài sản. Mới 42 tuổi nhưng trên trán của Thà đã xuất hiện khá nhiều nếp nhăn. Cũng dễ hiểu bởi trong suốt quãng thời gian anh ta ở tù, bạn bè của Thà đã kịp thành đạt một cách chắc chắn, chân chính. Còn Thà, đại gia một thời, đang lầm lũi làm lại cuộc đời trong trại giam.

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên KTXH
.
.
.