Ông Nhà lớn ở Long Sơn

Chủ Nhật, 04/12/2005, 07:52

Theo quốc lộ 51 qua địa phận xã Phước Hòa, ta gặp ngã ba Long Sơn. Không gian ở đây đậm mùi cá biển. Con sông Bộ Hành váng mặn có một chiếc cầu mới bắc qua nối đất liền với đảo Long Sơn. Một con đường mới mở hai chiều rộng rãi. Một dãy núi trước mặt nếp nếp liền nhau như một con rồng cuồn cuộn thân bắp nổi lên trên nền những bãi cây ngập mặn. Đấy là Long Sơn đảo, vùng đất hoang dại trước đây và phố xá tấp nập bây giờ.

Dân địa phương gọi Long Sơn là đảo Ông Trần. Người ta còn giải thích thêm, “trần”  không phải là tên người mà chỉ là cách gọi về một thói quen không mặc áo của vị Thầy tổ của vùng đất.

Ông Trần đã cùng gia quyến từ Vũng Vằng, Long Đất đến đảo Long Sơn. Họ khẩn hoang và định cư tại phía nam đảo núi Nứa, Long Sơn. Những năm đầu thế kỷ XX (1910-1929), ông Trần đã tự thiết kế và cho xây dựng khu Nhà Lớn, một công trình bề thế, rộng rãi nhưng thân tình và giản dị tại vùng đất ông lập thân, lập nghiệp. Có lẽ vì công đức này mà ông có thêm tên gọi là ông Nhà Lớn chăng?

Theo lời kể của bà Lê Thị Nên (cháu gọi ông Nhà Lớn là cố) thì ông có họ là Lê. Ông sinh năm 1856, tuổi Bính Thìn, quê gốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đất An Giang cũ, thị trấn Hà Tiên, Kiên Giang bây giờ. Đây là vùng đất của những cánh đồng bát ngát có chất ngất 7 ngọn Thất Sơn kiêu hãnh. Cũng là vùng quê của những người dân Nam Bộ hào phóng và yêu nước. Thời ông sinh ra và lớn lên là thời đất nước đang bị thực dân phong kiến áp bức, đô hộ. Từ hoàn cảnh này đã hun đúc chí làm trai cùng những ước mơ, hoài bão của mình. Ông Trần đã cùng thân tộc rong thuyền xuôi về miền Đông Nam Bộ tìm miền đất mới để thực hiện ý nguyện.

Ông là người xốc vác, lam làm. Việc ông đến Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm ăn sinh sống chắc phải có lý do gì cụ thể hơn. Không có tư liệu chi tiết kể lại chuyện này. Chỉ biết Long Sơn là nơi đất lành chim đậu và những gì ông Trần cùng gia đình và các thế hệ người Long Sơn để lại cho hôm nay, ta thấy thể hiện một quyết tâm lớn trước đất đai, thân phận và một nền tảng nhân nghĩa tốt đẹp.

Khu Di tích lịch sử - văn hoá Nhà lớn, Long Sơn.

Ông Trần hình như không muốn để lại tên thật của mình. Ông chỉ lưu lại đời sau một sức vóc khai phá  miền lam sơn chướng khí, chống chọi với khô cằn và nước mặn để làm ra những cánh đồng bát ngát đến tận chân Rừng Sác. Ông chẳng nề hà việc gì cùng mọi người miễn là có lợi cho dân đảo cho dù lên núi khai thác gỗ hay xuống biển đánh bắt tôm cá. Hiện trên đảo có một ngôi nhà lưu giữ một chiếc ghe thuyền cổ trong đoàn ghe thuyền đã cùng ông về đây lập  nghiệp. Lòng dân còn lưu lại chuyện những đận dân miền Tây bị bão lụt ông Trần đã cho mở kho xuất lúa cứu trợ đồng bào. Việc làm và đức độ của ông Trần ngày càng tụ hội được nhiều người ở nhiều nơi về đây làm ăn sinh sống.

Mục đích lập nghiệp của ông Trần thuở ấy là an bình, hạnh phúc, ấm no cho mọi người để mọi người được cùng nhau chung sống trong tình yêu thương nên ông đã định hướng cho mình một con đường lập chí đó là con đường tìm ra vùng đất mới để khai hoang lập ấp đặng thực hiện nguyện vọng sống của mình. Ông bỏ tiền xây cất các dãy phố để người dân có chỗ ở. Ông giao ruộng đất để mọi người có việc làm. Ông cho dựng chợ Long Sơn, xây nhà Hội, trường học. Cách giáo dục của ông Trần với gia đình và cộng đồng là ôn cũ để tôn tạo mới. Ông đề cao đạo làm người và coi đó là cái gốc của mọi việc.

Truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được ông cho thợ vẽ minh họa lên tranh lụa, sau được phục dựng lại trên nền kính. Tranh vẽ là sự hình tượng hóa một cách sinh động đạo nhân nghĩa thấm đậm và cốt lõi trong thơ Nguyễn Đình Chiểu để răn dạy mọi người. Các bức tranh kính này được treo quanh tường trong nội thất của ngôi Nhà Lớn như một hiện vật tôn quý mang giá trị của tâm nguyện sống và nhân cách sống đậm đà màu sắc văn hóa bản địa Nam Bộ của ông Trần. Ngôi Nhà Lớn được dựng lên để tôn vinh sức người mở mang vùng đất Long Sơn, cũng là nơi để các thế hệ tiếp theo thờ cúng, tưởng niệm Thầy tổ cùng những người có công đã khuất, từ đó mà mở mang đạo lý, noi gương tiên liệt và vun đắp đời sống.

Ngôi Nhà Lớn là một quần thể gồm những dãy nhà trệt xen kẽ những dãy nhà lầu không quá cao, có một bàn thờ chính thờ tổ thầy và rất nhiều bàn thờ nhỏ với các đồ tế tự quý cùng các đồ gỗ lâu niên. Đồ dùng gỗ và những kiến trúc gỗ ở đây là những giá trị văn hóa vật chất ấn tượng.

Người dân ở đảo Ông Trần còn có nhiều phong tục mang tính truyền thống và lạ. Họ thường vận đồ bà ba đen. Nam búi tóc sau gáy, đầu thường không mũ nón, đi chân không thể hiện vẻ nguyên bản. Nữ cũng vận bộ bà ba đen, đi chân không. Khách đến thăm ngôi Nhà Lớn đều gặp hình ảnh này ở những người đón tiếp. Đây còn có tục lệ khi nhà ai có đám xác (đám tang) thường không phải coi ngày, coi giờ cát hung (giờ tốt, xấu) và giải quyết việc tang lễ chỉ trong vòng một ngày. Tử là táng và làm tang ngay tại mộ phần. Người mất được đặt vào một cái áo quan chung. Đây giống như chiếc giường thiêng của mọi người. Ai khi mất cũng được đặt lưng vào đấy trước khi về với cõi vĩnh hằng.

Ông Trần là người đi đầu trong việc phá vỡ luật tục tang chế ba năm. Với mong muốn không gây phiền hà vất vả nhiều cho mọi người ông đã đặt ra lệ đám cưới không phải coi ngày giờ. Ông chỉ chọn hai ngày tốt trong tháng là ngày mùng một đầu trăng và ngày mười sáu sau rằm cùng giờ Thìn  (8 giờ sáng) là thời điểm lo việc hỷ. Nhà có đám không tổ chức linh đình, phẩm vật thường là đồ ngọt (chè), dẻo (xôi) và trái cây. Gia đình nào có đám xác, đám cưới, dựng nhà... mọi người cùng xúm vào giúp đỡ, hỗ trợ. Người được giúp không phải trả tiền công lao động. Cư dân của ông Trần bài trừ các tệ nạn dị đoan đồng bóng,  không bói toán, lắc số.

Một ngôi nhà to như hội trường rộng cửa đón khách. Đây là nơi đón tiếp khách thập phương về dự hai ngày lễ lớn: Lễ kỉnh vía ông Nhà Lớn (ngày 20/2 âm lịch) và Lễ Kính cầu an (ngày 9/9 âm lịch). Các lễ này thường diễn ra trong 2 ngày: Lễ tiên thường và chánh lễ. Khách hành hương được ban tiếp tân đón rước nhiệt tình, hướng dẫn tham quan chu đáo, sắp xếp chỗ ngủ qua đêm, phục vụ ăn uống miễn phí... Nguồn đóng góp chính cho những chi phí là vốn liếng do ông Nhà Lớn để lại, người dân Long Sơn cung tiến và dâng lễ tự nguyện của khách thập phương...

Đến thăm Khu Di tích lịch sử - Văn hóa Nhà Lớn - Long Sơn, một cảm giác tịnh tâm luôn lan tỏa trong lòng người. Đi giữa một màu mai trắng tinh khiết đang dìu dịu tỏa hương thơm quanh mình trong vườn kiểng của khu Nhà Lớn mà trầm ngâm ngưỡng vọng về một thời chưa xa thời mình lắm đã có một người lấy nhân nghĩa làm đầu và luôn luôn làm những việc nhân nghĩa cho mọi người. Thời gian đã và đang lưu giữ tinh hoa những việc làm và công đức của ông để lại. Người đời cung kính gọi ông là ông Nhà Lớn. Cũng thân tình quyến luyến gọi ông là ông Trần. Ông Nhà Lớn mất năm Ất Hợi, 1935. Nơi thờ tự ông hôm nay không thấy đặt một hòm công đức nào. Phải chăng đây cũng là nét văn hóa đặc biệt của ngôi nhà cúng người mở đất

Phan Quế
.
.
.