Ông Đại tá đi tìm đồng đội

Thứ Bảy, 14/02/2009, 14:50
Gia tài của ông là những tờ giấy báo tử của các chiến sỹ xưa, là số điện thoại, địa chỉ và những bức thư cảm ơn từ những gia đình liệt sỹ trên mọi miền đất nước. Tuổi già của ông là những tháng ngày leo đèo, lội suối ở nơi rừng thiêng nước độc. Với nguyện vọng tìm và đưa những người đã nằm xuống vì Tổ quốc trở về cùng người thân, gia đình, cựu chiến binh (CCB) Đặng Thành Nhơn (1953) - Đại tá Quân đội đã có cuộc hành trình đi tìm đồng đội từ mấy năm nay.

Gia tài vô giá của ông đại tá

Vào một ngày giữa tháng giêng, chúng tôi đến nhà ông Đặng Thành Nhơn trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu) cùng một người bạn là người thân của liệt sỹ đến nhờ ông đi tìm mộ. Trong ngôi nhà bề bộn, chúng tôi nhận thấy trên bàn làm việc là những tờ giấy báo tử, địa chỉ liên lạc và những bức thư cảm ơn ở mọi miền đất nước…

Ông Nhơn cười trước sự ngạc nhiên của chúng tôi: "Cơ nghiệp của tôi cả đấy!" rồi móc trong túi chiếc ví da, bên trong cũng chứa đầy... giấy báo tử, số điện thoại… Ông nói "Tiền của tôi là những tờ giấy này…!"

Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng vẫn còn đó những nỗi đau không thể xóa nhòa. Là một người lính được may mắn sống sót trở về sau ngày giải phóng, niềm vui của nguyên đại tá Quân đội không được trọn vẹn bởi ông vẫn đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Vì vậy, ông quyết tâm thực hiện cuộc hành trình đi tìm đồng đội.

Áo vợ, cơm nhà tìm đồng đội

Với gia tài đó của mình, năm 2004, người CCB lên đường tìm lại các anh, các chị đã bị vùi sâu dưới lòng đất mẹ. Trên các trận địa nổi tiếng một thời như dốc Hòn Tàn, suối D3, Mật Rạng, Cây Khế, núi Đồng Nghệ ở mặt trận Quảng Đà xưa... đều nhuốm máu các anh.

Ông Đặng Thành Nhơn với đống giấy tờ sổ sách.

Lặn lội về với các trận địa xưa bao ngày đêm để xác định vị trí các anh em chiến sỹ. Công việc không chút dễ dàng vì thời gian trôi qua đã quá lâu, người mai táng thậm chí cũng không nhớ rõ chỗ vì dáng đất, con đường đi đã thay đổi. Vả lại, khi bốc các thi thể thì người còn bộ phận này, người mất bộ phận khác, rất khó nhận biết được của ai. Tuy nhiên, bằng những kinh nghiệm và tình cảm thiêng liêng của người lính, người CCB đã xác định đúng và đưa về khá nhiều đồng đội cho thân nhân, gia quyến.

Ông thực sự vui mỗi khi bốc được một hài cốt của đồng đội. Ông nói: Đến với các anh, bốc xếp các anh, chúng tôi cảm nhận thấy nụ cười của các anh, các chị. Xúc động là nhìn hài cốt không còn nguyên vẹn, xúc động hơn là được gặp các anh. Dù muộn màng nhưng sự "trở về" lần này cùng quê hương, gia đình đã giảm đi phần nào sự mất mát mà những người còn sống và cả người đã chết phải nếm trải.

Trong cuộc hành trình 4 năm tìm đồng đội, người CCB ấy không nhớ rõ mình đã đưa được bao nhiêu đồng chí về với người thân để được hương khói... Chỉ tính trong năm 2008, ông đã bốc hơn 100 ngôi mộ cho các gia đình liệt sỹ. Người đồng đội cũ của ông, liệt sỹ Chu Hùng ở tận Mỹ Đức, Hà Tây, hy sinh tại mặt trận Quảng Đà năm Mậu Thân 1968. Gần 40 năm sau (2005), liệt sỹ mới được đồng đội đưa về quê hương...

Được biết, hai vợ chồng ông đều là bộ đội nghỉ hưu. Dù tuổi già nhưng mỗi năm ông cũng có hàng chục chuyến đi xa lên miền núi rồi leo đèo, lội suối. Mọi khoản tiền để lo cho một chuyến đi của ông, dù không dài nhưng cũng đủ tốn kém, tất cả là tiền của vợ, của cá nhân ông. Không ít người thấy ông bôn ba vất vả vì con em họ nên muốn đưa tiền bồi dưỡng nhưng ông luôn từ chối. Ông nói giọng trầm tư: Tôi làm tất cả vì đồng đội, vì những người ngã xuống cho mình còn sống hôm nay. Nếu mình lấy tiền là mang tội với anh em, với cả chính bản thân mình!

Ông Hoàng Kiến Minh (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), một người tìm được người thân nhờ vào sự giúp đỡ của ông Nhơn, cho chúng tôi hay: Việc tìm kiếm mộ liệt sỹ của bác Nhơn thật đặc biệt, không cúng quảy hương khói, không thần thánh giả tạo mà chỉ nhìn thấy ở bác tình cảm thiêng liêng cũng như trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống

Bùi Ngọc
.
.
.