Ở đồn Công an nơi miền cao sương núi

Thứ Sáu, 08/02/2008, 07:15
Nằm sát hồ Ba Bể, ở độ cao gần một nghìn mét so với mặt nước biển, trụ sở Đồn Công an hồ Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chênh vênh giữa đất trời, hòa quyện lớp lớp sương mù bao phủ cả ngày đêm. Chỉ với 11 cán bộ, chiến sỹ Công an phụ trách an ninh trật tự của 5 xã vùng sâu, vùng xa với diện tích gần 300km2, song những người chiến sỹ ấy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Những ngày áp Tết, chúng tôi có dịp về thăm các anh, chứng kiến một cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng vượt trên tất cả gian khổ, các anh vẫn ngày đêm bám trụ để giữ vững bình yên cho nhân dân nơi vùng cao xa xôi.

Những nỗ lực quên mình

Về Đồn Công an Ba Bể trong những ngày áp Tết, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc của anh em cán bộ, chiến sỹ dường như khẩn trương hơn. Năm hết Tết đến, mỗi người trong họ đang cố gắng hoàn tất những công việc còn dang dở của năm cũ.

Những bản báo cáo viết vội chờ đánh máy, những hồ sơ vụ án đang đợi thông tin cuối cùng để kết thúc một công đoạn điều tra, những kế hoạch triển khai công tác dày đặc trên bảng, những bộ quân phục dính đầy bụi đất chưa kịp giặt..., và tất cả những công việc mà tập thể cán bộ, chiến sỹ nơi đây còn chưa hoàn tất.

Trung tá, Đồn trưởng Lý Văn Thùy dù rất bận rộn với những cuộc họp của Công an huyện, cũng như một số ban, ngành khác, song anh cũng đã hoàn tất bảng phân công nhiệm vụ trực Tết tới từng anh em. Rồi kế hoạch phối hợp với Ban Công an các xã trên địa bàn Đồn quản lý.

Theo đó, 50% cán bộ, chiến sỹ ở lại trực Tết. Do điều kiện vật chất cơ sở hạn chế nên anh em sẽ nhận bánh chưng, thịt và một số thực phẩm khác do gia đình gửi vào. Tivi, đài điện cũng đã sửa chữa "ngon lành" để đón nghe lời chúc Tết của Chủ tịch Nước cũng như kịp theo dõi các thông tin thời sự cập nhật trong những ngày đầu năm mới.

Và từ lúc giao thừa đến ngày mồng 1, mồng 2, anh em sẽ chia nhau đi chúc Tết nhân dân, đồng thời kiểm tra tình hình an ninh trật tự cơ sở. Sau Tết sẽ là kế hoạch trực và bảo vệ cho ngày hội đua thuyền đầu năm diễn ra trên hồ Ba Bể. Một không khí khẩn trương…

Tiếp xúc với chúng tôi, Trung tá Lý Văn Thùy - Đồn trưởng Đồn Công an hồ Ba Bể cho biết: Đồn Công an hồ Ba Bể mới thành lập được một năm theo quyết định của Bộ Công an. Đồn quản lý 5 xã vùng sâu, vùng xa huyện Ba Bể với 5 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao và Mông, trong đó cơ bản là người dân tộc Tày.

Biết được có nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo Đồn đặc biệt quan tâm là phối hợp thường xuyên với lực lượng Công an các xã tập trung khảo sát khu vực quản lý, qua đó tìm giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự.

Từ nguồn tin do quần chúng cung cấp, Đồn đã điều tra làm rõ hàng chục vụ án liên quan đến an ninh nông thôn. Đồn cũng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia hồ Ba Bể bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng nổ mìn, dùng xung điện đánh bắt cá trên hồ Ba Bể gây tác động xấu đến môi trường và cảnh quan khu vực.

Song song với công tác chuyên môn, Đồn còn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nhiều xã để người dân hiểu pháp luật, tự giác chấp hành và tích cực tố giác tội phạm, cung cấp nhiều thông tin có giá trị với cơ quan Công an.

Khó khăn không làm nản lòng người chiến sỹ

Được sự đồng ý của Trung tá, Đồn trưởng Lý Văn Thùy, chúng tôi cùng với anh em về địa phương tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Có đi công tác cùng anh em, chúng tôi mới thấy họ thật vất vả.

Con đường nào cũng đèo cao, dốc sâu, càng đi càng thấy hun hút. Để về được các thôn, bản vùng sâu, anh em phải vượt qua đoạn đường dài hàng chục kilômét. Núi rừng Ba Bể ngày đông, tháng giá thật lạnh lẽo. Cây cối hai bên đường khẳng khiu, trơ trụi lá. Lớp lớp sương mù dày đặc trải dài khắp mọi ngả đường.

Đường vắng, người thưa, những chiếc xe máy của chúng tôi đi suốt một chặng đường dài mà chẳng mấy khi phải lo nhường đường cho phương tiện khác. Nguồn thu chủ yếu của người dân nơi đây dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nên kinh tế các gia đình chỉ ở mức đủ ăn. Song bù lại, nhờ công tác tuyên truyền của chính quyền các địa phương và lực lượng Công an nên nhìn chung, các gia đình đều hiểu biết và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Dẫu vậy, để có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thu thập được nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến tình hình an ninh trật tự, hoàn thành được nhiệm vụ, anh em phải tự đặt mình là một thành viên trong các thôn, bản để ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng nhân dân.

Thế nên mỗi khi thấy cán bộ Công an về bản công tác, nhiều gia đình đều mời cán bộ về nhà mình ở. Nghe anh em kể lại, có đợt do công việc chưa hoàn thành nên phải ở lại bản dài ngày, anh em đưa tiền nhờ chủ nhà nấu cơm giúp. Thế là chủ nhà hờn dỗi và tỏ thái độ bằng cách… không nói chuyện. Đến ngày anh em trở về đơn vị, chủ nhà bảo: "Cán bộ đã là con của dân bản rồi nên dân bản phải đùm bọc và nuôi nấng".

Ở cùng và chứng kiến sinh hoạt đời thường của anh em Đồn Công an Ba Bể, chúng tôi mới thấy họ thật là những người... dân tộc vùng sâu. Cả khu vực chỉ có 2 chợ là chợ Cốc Lùng (cách Đồn 4km) và chợ Lèng (cách Đồn 10km). Đều đặn 5 ngày một lần chợ họp một phiên.

Thức ăn tươi duy nhất chỉ độc món thịt lợn. Rau cũng chẳng có nhiều bởi phải đợi nhân dân mang từ ngoài thị trấn vào, chứ ở đây cũng khó trồng do điều kiện địa hình và thời tiết. Có hôm anh em tới chợ chẳng có gì để mua. Vì thức ăn ở chợ lại phụ thuộc vào việc nhân dân có thu hoạch được hay không.

Nước sinh hoạt hàng ngày chỉ nguồn duy nhất lấy từ hồ Ba Bể lên, sau đó để lắng qua bể lọc rồi ăn. Dù rằng nước bể có đảm bảo để sử dụng không cũng chẳng ai biết. Khổ nhất là vào mùa mưa, bể lọc không còn giá trị...

Cơ sở vật chất thì nghèo nàn, chỉ có ba dãy nhà cấp 4 chật chội và nhỏ hẹp, mỗi dãy có ba phòng nhỏ. Không có nơi ở riêng nên phòng làm việc của cán bộ, chiến sỹ được ghép luôn vào phòng ngủ. Vật dụng có giá trị nhất ở đây là chiếc tivi được kê tại phòng họp của đơn vị, kế đến là chiếc tủ lạnh cũ được "ăn ké" của đơn vị khác.

Để cải thiện sinh hoạt, anh em tự tăng gia sản xuất bằng cách trồng một khoảng rau nho nhỏ trong sân đơn vị, và nuôi thêm dăm bảy con gà. Nhưng gà anh em cũng chẳng mấy khi được "chén" vì phải đợi vào những dịp đặc biệt.

Đồn không có phụ nữ nên việc cơm cháo anh em phải luôn phiên nhau thổi. Điện thoại di động thì bốn mùa đều "ngoài vùng phủ sóng", điện thoại cố định hễ gặp trời mưa là tậm tịt, nghe rè như tiếng đài phát thanh mất tín hiệu.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đồn vẫn không có máy tính để sử dụng. Mọi văn bản báo cáo đều phải viết tay. Muốn đánh máy lại phải vượt qua đoạn đường gần 20km ra thị trấn Ba Bể. Vật chất thiếu thốn, trang thiết bị hạn chế, đời sống khó khăn, song anh em cũng không có khoản thu hoặc hỗ trợ nào khác.

100% anh em cán bộ, chiến sỹ công tác ở Đồn đều phải sống xa gia đình, người thân, nhưng tiếp xúc với họ, chúng tôi luôn cảm thấy sự lạc quan, vui tươi và nhiệt huyết trong mỗi con người. Bởi với họ, hạnh phúc là được làm việc và cống hiến.

Đồng tâm, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là mấu chốt tạo nên bản sắc đặc trưng một Đồn Công an hồ Ba Bể.

Tết đến, Xuân về, trong khi các gia đình đang nhộn nhịp mua sắm để đón Tết, chơi Xuân và quây quần bên nhau hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn thì mấy ai biết được, tại Đồn Công an Ba Bể xa xôi ấy, các chiến sỹ Công an vẫn phải xa gia đình để làm nhiệm vụ tại đây - lặng lẽ và âm thầm nhận thiệt thòi cho niềm vui chung của Tổ quốc, khi các anh ngày đêm miệt mài trên các thôn, bản để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân nơi căn cứ cách mạng này

Nguyễn Hưng
.
.
.